Có trong tay tấm bằng kỹ sư điện, nhưng anh Ngô Xuân Điền, phường Trà An, quận Bình Thủy lại đam mê làm trang trại. Sau rất nhiều nỗ lực anh Điền đã thành công với chuỗi trang trại nhỏ cùng những sản phẩm “độc”, “lạ” là 32 loại nấm quý hiếm như: Nấm Linh Chi, Bào Ngư Xám và mới đây là Đông Trùng Hạ Thảo.
Năm 2014 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện, điện tử Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, anh Ngô Xuân Điền bắt đầu khởi nghiệp với nghề trồng nấm. Anh Điền cho biết: “Thời điểm từ khi bắt đầu đến năm 2015 là khó khăn nhất, một kỹ sư điện chẳng có kiến thức cơ bản nào về trồng nấm nên ban đầu tôi phải đến những nơi làm nấm chuyên nghiệp tại các khu vực lân cận để tham quan, học hỏi. Tôi đến gõ cửa người ta, nhưng ai cũng ngại dạy bí quyết cho người lạ, sợ bị cạnh tranh, vì vậy tôi phải tự mày mò tìm hiểu trên internet và qua sách vở…”.
Vừa làm vừa học, ban đầu anh Điền đã phải nhận thất bại sau 2 vụ trồng đầu tiên khi thiệt hại tới gần 100 triệu đồng. Ý chí không dừng lại ở đó, anh Điền tự nhủ “Có thất bại thì mới có thành công”. Tiếp tục mày mò nghiên cứu để tự làm phôi Nấm Linh Chi và Bào Ngư Xám phục vụ cho trại trồng của mình. Theo anh Điền, công đoạn làm phôi nấm rất kỳ công. Nguyên liệu chính là phải mua mạt cưa, ủ khoảng 1% vôi trắng trong 2 ngày làm phân hủy mạt cưa và nâng độ PH, đồng thời, chống vi khuẩn gây bệnh cho nấm. Sau đó, trộn đều mạt cưa với ít phân rồi cho hỗn hợp vào bịch ni lông, đưa bịch phôi vào lò hấp khi đạt đến nhiệt độ 100oC và duy trì nhiệt độ này từ 5-6 tiếng đồng hồ rồi để nguội đưa vào trại ủ khoảng 1 tháng. Khi thấy tơ nấm đã ăn trắng bịch phôi thì mang ra trại trồng. Cứ tìm tòi, vừa thực hiện vừa đúc kết kinh nghiệm, đến cuối năm 2015, anh Điền đã thành công với mô hình trồng Nấm Linh Chi.
Dịp Tết Nguyên đán 2016, sản phẩm của anh đã được bán ra thị trường, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Cùng lúc, anh Điền cũng đã trồng thành công Đông Trùng Hạ Thảo sau hơn 2 năm nghiên cứu. Hiện tại, mỗi ngày, trại nấm của anh Điền bán được hàng chục kg nấm các loại, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng/năm. Anh Điền còn cho biết tới đây, anh sẽ công bố, giới thiệu 2 loại nấm mới được anh nghiên cứu, sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm. Đó là Nấm Hoàng Đế và Nấm Mối. Anh dự định, sẽ cho xây dựng 3 - 6 trại lá dưới đất và 5 nhà lạnh để trồng càng nhiều loại nấm càng tốt. Hiện tại, anh Điền đã nghiên cứu thành công 32 loại nấm. Tuy nhiên, điều kiện thực tiễn hiện tại chỉ cho phép ra mắt 5 loại mỗi năm. Không chỉ thành công với trồng nấm, anh Điền còn làm rượu nấm, kiểng nấm, trong đó toàn là những nấm “độc”, “lạ” có tác dụng bồi bổ sức khỏe, trị bệnh.
Còn với anh Nguyễn Thành Tân, khu vực Bình Dương, phường Long Hòa - một kỹ sư thủy sản đã chọn cho mình Mô hình “Nuôi lươn không bùn” mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay.
Vài năm gần đây, nhờ tìm tòi, học hỏi và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, anh Tân bắt tay vào nuôi và nhân rộng mô hình. Hiện tại, anh Tân nuôi và chăm sóc 6 hồ nuôi lươn thịt với diện tích mỗi hồ khoảng 6m2 và 11 hồ nuôi lươn sinh sản, diện tích khoảng 10m2. Mỗi hồ được lót bạt và đặt một vỉ tre đan làm chỗ cho lươn trú ẩn. Mật độ nuôi thả lươn thịt là 1.500 con/hồ. Theo anh Tân “Nuôi lươn khâu quan trọng nhất là chọn giống. Lươn giống phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn. Nuôi lươn không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho ăn 2 lần và thay nước 1 lần, thời gian nuôi cũng không dài. Đối với lươn nuôi lấy thịt thì khoảng 7 tháng là có thể xuất chuồng bán với trọng lượng mỗi con khoảng 200gram. Hiện tại, giá lươn trên thị trường dao dộng từ 150-160/kg. Trung bình mỗi đợt xuất bán, sau khi trừ chi phí, anh Tân thu về khoảng 40-50 triệu đồng.
Nhớ lại những ngày chập chững thực hiện Mô hình “Nuôi lươn không bùn”, anh Tân nói “Với niềm đam mê thích nuôi lươn từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Học hết cấp 3, tôi quyết định dồn hết khả năng của mình đăng ký thi ngành Nuôi trồng thủy sản” và đã thi đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ với ngành mình yêu thích. Vừa học vừa nuôi lươn thử nghiệm nhưng do chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi và chăm sóc lươn nên lươn bị bệnh chết. Thấy vậy, bản thân càng nung nấu hơn, quyết tâm tìm hiểu từ thực tiễn tại các mô hình nuôi lươn ở huyện Phong Điền cùng với kiến thức học và nghiên cứu từ thầy cô hướng dẫn trong quá trình học tập mà tôi dần thực hiện ngày càng có hiệu quả Mô hình “Nuôi lươn không bùn” như hiện nay”. Và đây là một mô hình “Hái ra tiền”. Bởi vì Lươn là loại thủy đặc sản phổ biến, thịt ngon, bổ nên được người dân rất ưa chuộng, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ lươn sạch trên thị trường. “Nuôi lươn không bùn” không gây ô nhiễm môi trường, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng đô thị hóa.
Con đường vượt khó, vươn lên làm giàu của những thanh niên ở quận Bình Thuỷ đều mang những dấu ấn riêng. Tuy nhiên, họ giống nhau ở sự cần cù, năng động, sáng tạo và mạnh dạn áp dụng kiến thức, kỹ năng đơn giản của bản thân vào những mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong những năm qua, tổ chức Đoàn đã phát huy được vai trò quan trọng trong định hướng và hỗ trợ các điều kiện sản xuất cho các đoàn viên thanh niên. Đặc biệt, là việc triển khai thực hiện 2 phong trào lớn là “5 xung kích phát triển kinh tế và bảo vệ tổ quốc” và “3 đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên thanh niên làm chủ cho thu nhập cao như: trồng đậu phộng, đậu đen của đoàn viên Phạm Văn Nhí, khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa; trồng xoài Đài Loan của đoàn viên Quách Hữu Trọng, khu vực Bình Dương B, phường Long Tuyền… Nổi bật là Mô hình “Trồng nấm” của anh Ngô Xuân Điền, phường Trà An; Mô hình “Nuôi lươn không bùn” của anh Nguyễn Thành Tân, phường Long Hòa cho thu nhập từ 80-400 triệu đồng/năm.
Theo anh Nguyễn Đức Tín, Phó Bí thư Quận Đoàn Bình Thủy cho biết “Hiện trên địa bàn quận có 15 mô hình làm kinh tế của đoàn viên thanh niên. Đối với các mô hình hiệu quả thì các cấp bộ Đoàn luôn có những đề xuất hỗ trợ nguồn vốn để đoàn viên thanh niên có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh sự hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội quận, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn còn tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên không ngừng học hỏi những cách làm hay, những mô hình có hiệu quả để ứng dụng vào thực tế sản xuất, mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới”.
Bằng ý chí và nghị lực vươn lên của sức trẻ, ước muốn khát khao làm giàu, khẳng định bản lĩnh, nghị lực của bản thân, nhiều thanh niên ở quận Bình Thuỷ sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn trong quá trình phát triển sản xuất. Từ đó, vượt khó, thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Và càng khẳng định hơn nữa vai trò của thanh niên thời kỳ hội nhập “Ở đâu có sức trẻ, ở đó sẽ có sự sống căng tràn”.
Lê Thúy