Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Giang Anh Đường của Chàng trai 23 tuổi
Ngày đăng: 11/06/2019

Lượt xem:


Đoàn Nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Giang Anh Đường (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) được biết đến với tuyệt kỹ múa lân và nghề làm đầu lân truyền thống. Trưởng Đoàn là Chàng trai 23 tuổi – Võ Hoàng Giang. Từ niềm đam mê, Võ Hoàng Giang đã khởi nghiệp và thành công.
Hoàng Giang cùng anh em trong Giang Anh Đường làm đầu lân.

Chiều cuối tuần, nhà Giang bên bờ rạch Cam rộn rịp tiếng nói cười. Giang đang tập cho anh em trong đoàn những bài múa lân để chuẩn bị cho một buổi diễn phục vụ. Trong chiếc khung đầu lân còn thấy rõ mặt người, Giang cầm rồi hướng dẫn cho anh em. “Trung bình tấn!”, “Lạy!”, “Lên đầu!”, từng khẩu lệnh được Giang hô quyết đoán, cương nghị, thành viên trong đoàn tập theo nghiêm túc không kém. Chàng trai 23 tuổi cầm đầu lân và gởi lòng trong từng động tác, tập trung cao độ như chỉ có anh và một thế giới nghệ thuật múa lân riêng biệt. Xong chuyện tập luyện, Giang lại hối hả chạy xe sang Vĩnh Long giao đầu lân cho khách. Công việc cứ quay cuồng mãi nhưng Giang thấy vui vì được sống với đam mê của mình.

Giang kể, từ nhỏ trong xóm có một nhóm người múa lân kiểu “cho vui ngày Tết”. Nhưng cậu bé Giang, khi ấy chừng 12-13 tuổi, lại để ý từng bước đi, điệu bộ của lân rồi xin tập thử. Với đam mê đó, 16 tuổi, Giang quyết xin cha mẹ rời gia đình lên TP Hồ Chí Minh học múa lân. Vài tháng sau anh trở về, vốn liếng Giang có được là những kỹ thuật của nghề múa lân, sư, rồng và đặc biệt là nghề làm đầu lân truyền thống của bà con người Hoa tại TP Hồ Chí Minh. “Đúng là văn ôn võ luyện thật, em về phải tự ôn luyện hoài, xem tài liệu và mạng internet… thì mới phát triển được như ngày hôm nay”- Giang nhớ lại thuở đầu tập luyện và thành lập Giang Anh Đường.

Những ai biết đến “Giang múa lân” đều công nhận anh sáng dạ lắm, nhìn sơ qua là biết ngay. Như nghề làm đầu lân, quả là không phải dễ bởi đòi hỏi kỹ thuật gia truyền, độ nhạy cảm với nghề và nhất là phải có sự trải nghiệm với nghề. Giang thì không có gì ngoài đam mê. Anh lần mò bẻ từng thanh tre, sợi mây, dán từng lớp băng gạc, giấy poluya… để tạo hình đầu lân. Khó nhất vẫn là phần trang trí đầu lân, Giang lại trở thành “họa sĩ bất đắc dĩ” từ đó. Đôi bàn tay chai của Giang lại khéo léo, uốn lượn với nét cọ để làm nên những hoa văn trên đầu lân. Làm được 1, 2… rồi nhiều đầu lân, Giang truyền nghề lại cho anh em trong đoàn. Anh La Chế Linh, nhà ở Giai Xuân, Phong Điền, là một trong những thành viên giỏi nghề làm đầu lân trong đoàn, nói: “Em gia nhập Giang Anh Đường ban đầu vì đam mê múa lân, nhưng nhờ anh Giang chỉ dẫn cách làm đầu lân nên cũng mê hồi nào không hay. Mình làm rồi thấy đầu lân dần thành hình, vui lắm”.

Bây giờ, đoàn Giang Anh Đường có chừng 15 thành viên, ai cũng có thể làm đầu lân, tùy công đoạn. Vợ anh ngoài đi làm cho công ty cũng phụ chồng ở việc may vải, hoa văn trang trí cho lân. Mỗi đầu lân mang thương hiệu Giang Anh Đường bán ra với giá khoảng 2 triệu/cái. Dần tạo uy tín, đoàn Giang Anh Đường bán đến vài trăm cái đầu lân mỗi năm, đắt nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán, Trung thu… Không chỉ bán ở các quận, huyện của Cần Thơ, đầu lân Giang Anh Đường giờ bán khắp các tỉnh ĐBSCL và còn giao ngược cho đầu mối tại TP Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy mức “đạt chuẩn” của Giang Anh Đường.

Hoàng Giang tâm sự, lúc đầu anh cũng không nghĩ mở rộng quy mô như thế này nhưng rồi thấy có nhiều anh em cùng đam mê, lại có thu nhập nên anh dành hết tâm huyết. Khoảng 15 thành viên trong đoàn, đều là thanh niên trung bình 20 tuổi, có người vì hoàn cảnh đã bỏ học, có người đang đi học nhưng cũng chật vật. Giang lại thấy mình có trách nhiệm lo cho anh em vì anh em đã gắn bó với mình. Tiền bán đầu lân, múa lân dịch vụ, trừ chi phí, Giang chia đều tùy công sức đóng góp, trung bình thu nhập mỗi thành viên chừng 4-5 triệu đồng/tháng. Em Trần Hữu Nghĩa, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, cho biết: “Thu nhập từ việc tham gia đoàn Giang Anh Đường đủ trang trải việc học của em và phụ giúp cha mẹ chút đỉnh”.

Chàng trai trẻ 23 tuổi, mặt “non trong” giờ đã là chồng, là cha của bé gái 2 tuổi, là chủ của một đoàn lân ăn nên làm ra. Giang lập nghiệp và thành công khá sớm, ở cái tuổi mà nhiều bạn trẻ còn loay hoay học hành hay khởi nghiệp. Nhìn cách điều hành Giang Anh Đường, nghiêm túc trong tập luyện và lao động, khó đoán tuổi thật của Giang. Thật bất ngờ khi cuối câu chuyện, lại được biết thêm Võ Hoàng Giang chính là Bí thư Chi đoàn khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, năng nổ và nhiệt tình với hoạt động Đoàn. Chuyện tạo công ăn việc làm cho thanh niên từ Giang Anh Đường là một điển hình. Chị Nguyễn Thị Ánh Thư, Bí thư Đoàn Phường Long Hòa, nhận xét: “Hoàng Giang rất chịu khó và trách nhiệm với công việc. Em cũng là hình mẫu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương”.


Nguyễn Tín


Các tin khác:
Vườn nho thân gỗ độc nhất miền Tây  (15/07/2019)
40 năm vẽ tranh về Bác Hồ  (02/07/2019)
Tài hoa trên vỏ dừa khô  (17/06/2019)
Nguyện dốc sức phục vụ nhân dân  (06/06/2019)
26 năm gắn bó với nghề “nhân đạo - từ thiện”  (29/05/2019)

1b4f746b-0f50-48ff-ba2d-e9db39dbd3c6

Tiêu đề bài viết: Giang Anh Đường của Chàng trai 23 tuổi. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguyễn Tín.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang