Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nghệ nhân già nặng nghiệp với nghề sửa kiểng
Ngày đăng: 12/08/2019

Lượt xem:


Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Trà Vinh, nhưng vùng đất Tây Đô “gạo trắng nước trong” đã cuốn hút người nghệ nhân Phạm Hồng Lựu, 76 tuổi gắn chặt đời mình từ năm 1975 đến nay với nghề sửa kiểng.

Ông Lựu tâm sự: “Tôi vốn mê lan từ tấm bé, nhưng mãi đến năm 1980, lúc đã 37 tuổi mới đạt được ước nguyện của mình. Điều rất lạ là Cần Thơ luôn kỳ thú, hấp dẫn với người mê hoa kiểng như tôi. Vậy là mình “nhập hộ khẩu” tại đây luôn, mới đó đã 39 năm rồi”.

Với ông Lựu, nghề chơi hoa kiểng cực kỳ khó khăn, bởi mình phải am hiểu cá tính của từng loại, nguồn gốc có từ đâu, bón phân thế nào là hợp lý. Đặc biệt là phải mê nghề rất mực.

Từ suy nghĩ đó, ông Lựu đã đi tìm hiểu nghệ thuật chơi lan khắp mọi miền tổ quốc, từ miền ngược đến miền xuôi; từ biển đảo đến đất liền vừa để thỏa mãn sự tò mò, say mê của mình, vừa để hình thành những tác phẩm lan không đụng hàng. Sau 3 năm đi tìm hiểu, năm 1983, nghệ nhân Phạm Hồng Lựu đã làm nức lòng giới yêu thích lan cả nước bằng việc nhận Giải vàng Nghệ thuật chơi lan Việt Nam (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn) với giống lan DenDrobium.

Ông Lựu nhớ lại: “Nhận Giải vàng tôi mừng và hạnh phúc lẫn tự hào bởi công sức của mình đã được đền đáp. Tuy nhiên tôi lại nghĩ đến việc làm thế nào để có được loại lan độc hơn, lạ hơn nữa để đáp ứng sự mong đợi của người đam mê cả nước”.

Cuộc hành trình mới lại được bắt đầu từ nghệ nhân hai lúa này. Sau nhiều tháng thử nghiệm, ông Lựu đã thành công từ việc cho Lan nở nghịch mùa so với lan truyền thống vốn có; màu sắc đẹp hơn; thời gian nở kéo dài từ 7 lên đến 12 ngày; lá và hoa đều còn nguyên vẹn (lan truyền thống thường rụng lá rồi mới ra hoa)... Từ đó người yêu thích lan “mới” (còn gọi là lan 6 Lựu) ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, nghệ nhân Phạm Hồng Lựu đã tuyên bố giải nghệ chơi lan trong sự bất ngờ và nuối tiếc lẫn khó hiểu của rất nhiều người. Đã có nhiều câu chuyện thêu dệt xung quanh việc ông “gác kiếm” nhưng ông vẫn bình thản không một lời giải thích, thay vào đó là nụ cười rất sảng khoái.

Đến năn 1985, giới chơi hoa kiểng cả nước lại thấy xuất hiện nghệ nhân Phạm Hồng Lựu nhưng không là người chơi lan “đẳng cấp cao” mà là một nghệ nhân thổi hồn vào các loại hoa kiểng với cách riêng của mình.

Lý giải về sự đột ngột chuyển hướng nầy, ông Lựu nói vui: “Cái gì rồi cũng đến mức độ bão hòa thôi. Từ đó tôi chuyển sang nghề sửa hoa kiểng để đáp ứng sự mong đợi của nhiều người, lại vừa thỏa đam mê với cái nghề thấy đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn mà không dễ làm đâu”.

Theo ông Lựu, muốn thành công ở cái nghề đặc biệt này cần những yếu tố cơ bản: Có tầm nhìn xa, trừu tượng, định hướng cho cây phát triển theo dạng hình nào. Cạnh đó, người làm phải có được những kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực như: Am hiểu về nông nghiệp để nắm bắt quy luật phát triển của cây, cách bón phân thế nào cho phù hợp. Cạnh đó là kiến thức về mỹ thuật để tạo dáng thích hợp cho từng sản phẩm; phải có kiến thức về điêu khắc để vận dụng vào công đoạn tạc cây, đục đẽo hoa kiểng... Những loại cây kiểng mà ông thường sửa, tạo dáng là:  Mai; Khế, Nguyệt Quới, Sanh, Cà Thăng, Tùng... đa phần những cây này có độ tuổi từ 50 đến 60 năm tuổi, thậm chí có cây trên 100 năm tuổi.

Hiện nay, nghệ nhân Phạm Hồng Lựu đang “tác nghiệp” ở nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL. Tùy theo độ khó của công việc, ý thích của chủ hộ mà giá cả cũng khác nhau, bình quân giá sửa, chỉnh, tạo dáng mỗi ngày của ông từ 600.000 đến 1.000.000 đồng; với những cây có tàng to, cao, phức tạp thì áp dụng phương án hợp đồng toàn bộ.

Ngoài nghề sửa kiểng như hiện nay, nghệ nhân Phạm Hồng Lựu còn là tác giả của nhiều công trình cây khô mỹ thuật rất độc đáo và có giá trị rất cao. Với ông khó khăn lớn nhất là phải tiếp quản và xử lý lần thứ 2 với những sản phẩm đã được thuê người khác xử lý lần đầu, bởi phải cân nhắc rất kỹ lưỡng phương án chỉnh sửa hay phá bỏ toàn bộ.

Ông Huỳnh Văn Nguyệt, Ủy viên Ban Thường Vụ Hội sinh vật cảnh TP Cần Thơ nhận xét: “Anh 6 Lựu là một nghệ nhân rất hiếm hoi của Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung bởi tay nghề anh rất cao cường, chuẩn xác, trách nhiệm khi nhận công việc; sẳn sàng hỗ trợ kinh nghiệm về nghệ thuật chơi lan, chơi bonsai, hoa kiểng... với tinh thần trách nhiệm cao”.

Chia tay chúng tôi với nét mặt thật trầm tư, ông Lựu nói: “Rất buồn và lo vì đến nay tôi vẫn chưa tìm được “truyền nhân” để truyền cái nghề đặc biệt này. Giới trẻ bây giờ họ thích những cái nghề mau hái ra tiền nhưng dễ làm, còn cái nghề này thì xa vời với họ quá”.

Chuông điện thoại reo, ông xin phép ra về để chuẩn bị tác nghiệp tận đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nghe đâu đến nửa tháng mới xong công việc. Nhìn mái tóc bạc cùng hàm râu ấn tượng với gương mặt khá rạng rỡ, phương phi trước lúc lên đường, chúng tôi hiểu ông vẫn đang miệt mài với công việc của mình bằng sư đam mê đang cháy bỏng ở cái tuổi người xưa hiếm.

 


Anh Thư


Các tin khác:
Làm giàu từ mảnh vườn, ao cá  (25/09/2019)
Ấm lòng những suất ăn 1.000 đồng  (06/09/2019)
Tấm lòng nhân trên cù lao sông nước  (15/08/2019)
Chuyện kể về một nữ biệt động thương binh  (23/07/2019)
Vườn nho thân gỗ độc nhất miền Tây  (15/07/2019)

e719562c-5b25-464e-a4f9-b2d24da82533

Tiêu đề bài viết: Nghệ nhân già nặng nghiệp với nghề sửa kiểng. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Anh Thư.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang