Thông tin hoạt động của Sở ngành


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần Thơ: Áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa
Ngày đăng: 29/04/2020

Lượt xem:


Vụ lúa Hè Thu là vụ luôn gặp khó khăn về thời tiết, chi phí tăng cao. Ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm chi phí.
Máy cấy lúa cho vụ lúa Hè thu huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, vụ Đông Xuân 2019-2020, thành phố xuống giống được 79.244ha lúa, trong đó diện tích cấy 29,5ha, sạ hàng 880ha và sạ bằng máy phun hạt chiếm gần 76% diện tích xuống giống. Hiện thành phố xuống giống gieo trồng được 74.700ha lúa Hè Thu, trong đó tỷ lệ cơ giới hóa (gieo sạ bằng máy phun hạt) trong khâu gieo sạ chiếm hơn 80%.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, nông dân tại HTX nông nghiệp Thịnh Phát ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện mô hình trình diễn cơ giới hóa trong gieo cấy,  với diện tích hơn 6ha, trong đó có hơn 2ha áp dụng phương pháp cấy máy, 2ha sạ hàng và 2ha sạ thưa bằng máy phun hạt. Nông dân được hỗ trợ 100% chi phí gieo mạ, công cấy và phân bón trong suốt vụ lúa, phân bón do Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ. Trong đó, mô hình cấy máy sử dụng lượng giống ở mức 60kg/ha, còn sạ hàng và sạ bằng máy phun hạt sử dụng 80kg/ha.

Ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thịnh Phát, cho biết: Các mô hình giảm giống trong vụ Đông Xuân vừa qua đã khẳng định hiệu quả khi giúp nông dân có thể giảm được hơn 20% chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, lúa vẫn rất trúng mùa, với năng suất đạt gần 1,2 tấn/công và bán được giá cao, với giá lúa tươi ở mức 5.500 đồng/kg. Nhờ vậy, lợi nhuận của nông dân trong mô hình cao hơn ít nhất từ 10-16 triệu đồng/ha so với bên ngoài.

Nông dân tại HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cũng đã áp dụng các máy móc cơ giới phục vụ gieo cấy lúa, giúp giảm mạnh lượng sử dụng giống. Ông Cao Văn Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp Hiếu Bình, cho biết: Trước đây, sạ thủ công bằng tay, chúng tôi sử dụng lượng giống tới 20-23kg giống/công. Thế nhưng, gần đây khi áp dụng các máy sạ hàng và máy phun hạt để sạ lúa, nông dân tại HTX chỉ sử dụng lượng giống từ 14-15 kg/công. Đặc biệt, đối với những ruộng lúa được cấy bằng máy, nông dân chỉ sử dụng lượng lúa giống khoảng 6,5 kg/công mà lúa vẫn rất trúng, lại giảm được ít nhất từ 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Lúa được cấy thẳng hàng, mật độ đồng đều, thuận lợi ánh nắng chiếu vào thân, rễ… từ đó giúp lúa sinh trưởng tốt, ít bị đỗ ngã và sâu bệnh. Hiện HTX cũng được Ban Quản lý dự án VnSAT Cần Thơ hỗ trợ mua 1 máy cấy. Vụ Hè Thu 2020, toàn HTX có hơn 250ha lúa được cấy máy, các diện tích còn lại đều được gieo sạ bằng máy phun hạt và sạ hàng.

Nông dân trong HTX Hiếu Bình vụ lúa Hè Thu năm nay áp dụng các máy sạ hàng và máy phun hạt để sạ lúa, chỉ sử dụng lượng giống từ 14-15 kg/công.

HTX Nông nghiệp Hiếu Bình có 20 thành viên tham gia góp vốn, với diện tích canh tác 170ha và hơn 450 hộ xã viên liên kết làm dịch vụ, với diện tích canh tác lúa 1.200 ha. Vụ Hè Thu 2020, Dự án VnSAT Cần Thơ đã chọn HTX Hiếu Bình làm nơi thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng với diện tích khoảng 8ha, gắn với cơ giới hóa khâu gieo cấy và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa. Đồng thời, triển khai các mô hình đối chứng để cuối vụ thu hoạch lúa có sự so sánh, đánh giá, từ đó có các khuyến cáo giúp nông dân nhân rộng mô hình. Hiện HTX cũng được Dự án VnSAT Cần Thơ hỗ trợ xây dựng 1 trạm bơm điện, 1 nhà kho chứa lúa  khoảng 1.000 tấn và 1 lò sấy lúa có công suất 40 tấn/mẻ sấy.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, cho biết: Hàng năm diện tích trồng lúa của toàn thành phố trên 232.000ha, sản lượng đạt trên 1,4 triệu tấn, đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ.

Với mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân, hạ giá thành sản xuất, giảm áp lực dịch hại đáp ứng yêu cầu tiêu thụ. Trong những năm qua, việc đẩy mạnh thực hiện công tác cơ giới hóa trên đồng ruộng nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Như các các mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, gieo sạ “né rầy, ôm nước”, ứng dụng công nghệ sinh thái trồng hoa quanh bờ ruộng để thu hút thiên địch, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sâu rầy, giúp giảm sử dụng thuốc trừ sâu, rầy trên ruộng.

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật máy móc trong sản xuất lúa nhằm giúp giảm lượng giống gieo sạ, tiết kiệm được chi phí sản xuất thông qua việc giảm chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể giảm số lần phun thuốc trừ sâu từ 1-3 lần, giảm 1-2 lần phun thuốc trừ bệnh và giảm lượng phân đạm bón cho cây lúa. Từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện toàn thành phố có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 96% diện tích lúa Đông Xuân, 98% diện tích lúa Hè Thu và 100% diện tích lúa Thu Đông. Thực tế với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh,…chiếm 50-60%.           


Ngọc Trinh


7e1f6083-09c6-42be-8222-47ec16a50652

Tiêu đề bài viết: Cần Thơ: Áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Ngọc Trinh.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang