Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đôi bạn già cùng giữ nét đẹp truyền thống
Ngày đăng: 15/02/2019

Lượt xem:


Đó là ông Lê Văn Hoằng (tự Chín Hoằng, 83 tuổi) và ông La Văn Mới (tự Năm Mới, 76 tuổi), cùng ngụ tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. Nhiều năm qua, tuy tuổi cao sức yếu, nhưng hai ông vẫn nặng lòng với nét đẹp truyền thống của quê hương, xứ sở.
Ông Chín Hoằng (phải) và ông Năm Mới trình diễn trưng bày mâm trái cây, hoa quả ngày Tết tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn”.

Thật ra, xét theo vai vế bà con, ông Năm Mới gọi ông Chín Hoằng là dượng. Nhưng từ bao lâu nay, hai ông vẫn luôn coi nhau là bạn, là tri kỷ, vì ngoài tuổi tác gần bằng nhau, cả hai còn rất hiểu ý trong chuyện nghi thức, lễ bái, gìn giữ phong tục tập quán. Lễ hội Kỳ yên đình Tân An (quận Ninh Kiều) vừa qua cũng như nhiều năm trước, ông Chín luôn là Chánh Bái. Ông thực hiện các nghi thức cúng đình theo đúng cổ lệ, trang nghiêm mà gần gũi. Ông Năm Mới là Chấp sự, chuyên việc trống chiêng, cũng góp phần thành công cho mỗi kỳ lễ hội. Ở đình Bình Thủy cũng vậy, mỗi kỳ lễ hội đều có mặt hai ông góp sức, bất kể công việc lớn nhỏ. Đó là niềm vui được góp sức gìn giữ nét thảo thơm của người Cần Thơ từ xưa đến nay.

Bao mùa “Sắc xuân miệt vườn” đã qua được tổ chức tại Bảo tàng TP Cần Thơ, người ta lại thấy ông Chín Hoằng và ông Năm Mới trong một gian nhà nhỏ, tỉ mẫn chưng lại bình bông, sửa soạn lại mâm cúng gia tiên - tái hiện phong tục cúng kiếng bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Nhìn hai cụ già mực thước trong áo dài khăn đóng, nghiêm cẩn mà hiền hậu, ai cũng như thấy Tết đến thật gần. Ông Năm Mới nói: “Tục lệ hồi nào tới giờ, bàn thờ ông bà luôn được chú trọng trang hoàng mỗi khi Tết đến. Điều đó thể hiện sự hiếu thảo của con cháu”. Điểm thú vị và lôi cuốn khách vào mỗi năm của ông Chín, ông Năm là có thể tạo tác hình dáng tất cả 12 con giáp, phù hợp với từng năm, dân dã mà sống động. Vật liệu mà hai ông sử dụng đều là cây trái trong vườn nhà: trái cây, lá trường sinh, sống đời, hoa huệ, hoa cúc hay thậm chí là củ giềng, củ ngải, rễ lục bình…

Ông Chín và ông Năm cũng là thành viên Ban Quản lý Di tích Quốc gia Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Hai ông thay phiên nhau túc trực lo chuyện nhang khói cho Tiền nhân, quét dọn bàn thờ, mộ phần và cung nghinh du khách. Điều đặc biệt là du khách khi đến tham quan di tích, hai ông đều nhiệt tình kể chuyện về cụ Thủ khoa, về đất và người Bình Thủy. Nét đẹp truyền thống nhờ vậy mà lan tỏa, bởi trong lời kể của hai ông luôn xen lẫn niềm tự hào quê hương. Ông Lê Hữu Tính, khách tham quan đến từ tỉnh Sóc Trăng, nói: “Tôi nghe nói về cụ Bùi Hữu Nghĩa nhiều nhưng không thật rõ. Nay đến tham quan, nghe ông Chín kể chuyện xưa tích cũ, tôi thích thú và càng khâm phục tiền nhân”.

Ông Chín Hoằng kể, ông có thâm niên trên 45 năm gắn bó và lo chuyện nhang khói cho cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Vậy nên, ông có duyên gặp những người trong gia quyến cụ Thủ khoa, rồi mày mò tìm hiểu qua tài liệu, sách vở nên rất am tường về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Thủ khoa. Ông Năm Mới gắn bó ít năm hơn nhưng cũng là “lão làng”. Ngoài ra, hai ông do xuất thân từ gia đình truyền thống xưa nên còn lưu giữ nhiều tri thức về cúng kiếng tổ tiên, lễ hội đình làng, các nghi thức, lễ bái trong cưới, sinh, giỗ, chạp. Mấy mươi năm làm bạn già, làm lối xóm và quan hệ bà con, vậy nên ông Năm và ông Chín rất hiểu ý nhau, bổ khuyết cho nhau những tri thức về văn hóa cổ truyền. Họ thương nhau như anh em ruột.

Trân quý biết bao đôi bạn già nhiệt tâm “gìn vàng giữ ngọc” cho văn hóa Cần Thơ!


Báo Cần Thơ


354d4d99-f177-4248-87ae-66bc1700fd44

Tiêu đề bài viết: Đôi bạn già cùng giữ nét đẹp truyền thống . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang