Thông báo


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Chủ động ứng phó với bão số 16
Ngày đăng: 24/12/2017

Lượt xem:


Để chủ động ứng phó với bão số 16, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận, huyện triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến của bão số 16 để chủ động ứng phó kịp thời.

Giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố (sau đây gọi tắt là Văn Phòng Ban Chỉ huy thành phố) phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến của cơn bão số 16 (về hướng di chuyển, tốc độ di chuyển, cường độ của bão và vùng nguy hiểm) để tham mưu kịp thời cho Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố chỉ đạo ứng phó; đồng thời, thông báo kịp thời đến Thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, UBND quận, huyện và người dân biết, đặc biệt khi bão sắp đổ bộ vào đất liền.

2. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, các cấp:

- Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi sát diễn biến, hướng di chuyển của bão, tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai các biện pháp đối phó của ngành và cấp mình về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố.

- Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố ban hành Công điện khẩn “Bão gần bờ” chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão.

- Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ; cứu hộ đê, đập khi có sự cố; tham gia tìm kiếm cứu nạn; giúp địa phương khắc phục hậu quả do bão gây ra, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

- Công an thành phố sẵn sàng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có bão đổ bộ; phối hợp với lực lượng quân đội và chính quyền địa  phương trong việc sơ tán nhân dân, tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra; bố trí lực lượng, phối hợp với thanh tra giao thông tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông qua các đoạn đường bị ngập. Chủ động thực hiện cấm các phương tiện thủy hoạt động trên sông; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền.

- Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố sẵn sàng kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, phối hợp với lực lượng quân đội, công an và chính quyền địa phương trong việc sơ tán nhân dân, giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra.

- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND quận, huyện kiểm tra các trường học để ứng cứu kịp thời và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên. Tổ chức bảo quản tài sản và trang thiết bị của trường, đảm bảo đủ điều kiện dạy sau bão. Phối hợp chính quyền địa phương, Hội cha mẹ học sinh các trường tô chức quản lý việc đi lại của học sinh, hướng dẫn học sinh bảo quản tài liệu, dụng cụ học tập. Tham mưu UBND thành phố quyết định cho các trường tạm nghỉ học vào thời điểm thích hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh (trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão đổ bộ).

- Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố cập nhật và truyền phát tin, phát hình về tình hình diễn biến bão theo quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai (tại Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kiểm tra trang thiết bị, các đường dây, máy điện thoại, máy bộ đàm, cột anten, dây chổng sét, cầu chì, máy nổ,... đảm bảo thông tin liên tục thông suốt phục vụ cho công tác phòng chống bão nhất là việc thông tin từ các bộ phận và các quận, huyện về Ban Chỉ huy tiền phương và ngược lại cũng như bảo đảm thông tin liên lạc từ Ban Chỉ huy tiền phương về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố.

- Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra lại các tuyến đường giao thông, phát hiện kịp thời các chân đường, mố cầu bị xói lở, xuống cấp để thực hiện các giải pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo thông đường, thông tuyến trong suốt thời gian bão xảy ra. Giao việc cụ thể cho từng đội duy tu sửa chữa, điều động lực lượng giải quyết nhanh ưu tiên theo thứ tự Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đặc biệt lưu ý những trục giao thông chính đảm bảo vận chuyển người, lương thực,... trong khi bão xảy ra. Bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để vận chuyển sơ tán dân khi có yêu cầu.

- Sở Công Thương sẵn sàng phương án cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho dân sơ tán và dân bị thiệt hại do bão, không để tư thương lợi dụng tăng giá lương thực, thực phẩm, vật tư, nguyên vật liệu, nhiên liệu,... trước, trong và đặc biệt là sau khi bão xảy ra.

- Sở Y tế thành phố chỉ đạo cơ quan y tế các cấp chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ y tế, Bác sĩ, dụng cụ, thuốc men, xe cứu thương để kịp thời cấp cứu, chữa trị những người bị nạn do bão gây ra.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND quận, huyện kiểm tra, thông báo, yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa nô, biển quảng cáo,...đúng kỹ thuật, đề phòng gió bão gây sự cố, tai nạn.

- Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện triển khai thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, xưởng, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp), chung cư cũ, xuống cấp trước khi bão đổ bộ.

- Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ tiến hành kiểm tra hành lang an toàn lưới điện, tổ chức chặt mé cây cối có thể đổ ngã vào đường điện hoặc trụ điện khi bão đổ bộ. Kiểm tra hệ thống lưới điện nông thôn, đặc biệt lưu ý đến khu vực ven sông, ven những vùng thường xảy ra sạt lở. Chuẩn bị phương tiện xe tải, xe cẩu, dự phòng vật tư, thiết bị cần thiết để thay thế ngay khi có sự cố. Khi nhận được thông báo tình hình diễn biến thời tiết xấu, trong trường hợp cần thiết phải lập tức cắt điện cô lập khu vực có nguy cơ ảnh hưởng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

- Các cơ quan đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương vận động tuyên truyền và giúp nhân dân ý thức phòng vệ hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Hỗ trợ địa phương thực hiện kế hoạch chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em và phụ nữ mang thai,...tại các điểm sơ tán. Vận động nguồn cứu trợ để giúp các hộ dân gặp khó khăn khi có thiên tai.

- Chủ tịch UBND quận, huyện - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN quận, huyện:

+ Khẩn trương tổ chức cuộc họp triển khai thực hiện công tác ứng phó bão số 16 chậm nhất vào sáng ngày 25 tháng 12 năm 2017 (Thứ 2), báo cáo UBND thành phố trước 11 giờ 30 phút, ngày 25 tháng 12 năm 2017.

+ Chỉ đạo việc gia cố, nâng cấp các tuyến đê thấp để chống tràn, tổ chức lực lượng hộ đê; phát động nhân dân chằng chống nhà cửa đề phòng gió lốc, kiểm tra bờ bao, đê bao, có kế hoạch bảo vệ kho tàng, bến bãi, nơi chứa hóa chất, nhà cửa, cơ sở hạ tầng,... tránh thiệt hại do nước tràn và gió bão gây ra.

+ Chỉ đạo trực tiếp công tác di dời dân trên địa bàn mình đến nơi tránh trú bão an toàn theo kế hoạch của từng quận, huyện.

+ Chỉ đạo các địa phương có dân sơ tán phải tổ chức các tổ đưa dân sơ tán và quản lý người sơ tán trong suốt quá trình tránh bão, các đơn vị tiếp nhận sơ tán phải thành lập các ban tiếp nhận để sắp xếp, bố trí nơi ăn, ở, và chăm sóc sức khỏe cho người sơ tán. Công việc này phải được hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn thành phố.

3. Đề nghị thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố được phân công chỉ đạo các quận, huyện trực tiếp kiểm tra địa bàn để chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 16. Trường hợp khi thấy dự báo hướng di chuyển của bão có khả năng di chuyển về đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố được phân công chỉ đạo các quận, huyện phải bám sát địa bàn được phân công để phối hợp với địa phương trực tiếp chỉ đạo ứng phó với bão, có báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố.

4. Yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện - Trưởng Ban Chi huy PCTT-TKCN quận, huyện căn cứ Quyết định số 57/QĐ-PCTT-TKCN ngày 22 tháng 9 năm 2015 của Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố về việc phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh (bão có sức gió từ cấp 10 trở lên) trên địa bàn thành phố Cần Thơ và ý kiến chỉ đạo của ngành dọc, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện của ngành để ứng phó kịp thời, hiệu quả.

5. Trường hợp bão đổ bộ vào đất liền: Đề nghị các cơ quan, đơn vị ngưng tất cả các cuộc họp để triển khai công tác ứng phó.


Quang Tuyến


Các tin khác:
Thông báo nghỉ lễ: Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam và ngày Quốc tế Lao động năm 2024.  (17/04/2024)
Thông báo nghỉ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer năm 2024  (26/03/2024)
TP Cần Thơ tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025  (21/03/2024)
Ngày 22/3 diễn ra Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với thanh niên năm 2024  (20/03/2024)
Khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, Dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán phí/lệ phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia  (06/03/2024)

a5c9cb16-1457-402b-aa9b-2ee011532191

Tiêu đề bài viết: Chủ động ứng phó với bão số 16. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Quang Tuyến.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang