Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nơi lưu giữ tuổi thơ
Ngày đăng: 20/11/2017

Lượt xem:


Ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ có một xóm nhỏ khoảng 10 hộ chuyên làm đồ chơi dân gian tồn tại suốt hơn 20 năm qua. Từ những thanh tre, đất sét và vật liệu thân thiện với môi trường, các nghệ nhân đã làm nên những chú cá sấu, chuột nhắt, heo con... đủng đỉnh di chuyển trong sự thích thú của các em nhỏ. Một chút tuổi thơ dân dã mà người lớn thì nhớ, trẻ em thì mong.
Các thành viên Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian ở phường Long Tuyền đang làm những chú cá sấu ngộ nghĩnh.

Đến xóm làm đồ chơi dân gian chúng ta sẽ bắt gặp được những chú chuột, chú rùa, cá sấu, chim gõ kiến,… làm bằng mốp xốp và có thể di chuyển tạo ra những âm thanh vui tai, lạ mắt. Người sáng tạo ra món đồ chơi này đầu tiên là phải kể đến anh Nguyễn Văn Truyền. Vốn khéo tay nên anh Truyền từ sử dụng các loại giấy cứng làm đồ chơi cho con và những đứa trẻ trong xóm, rồi dần dần anh tận dụng xốp mềm để làm. Thấy chúng thích thú, anh nghĩ tới việc làm nhiều hơn để đi bán ở các trường học kiếm thêm thu nhập. Anh Truyền, cho biết “Từ chỗ làm đồ chơi dân gian cho con, cho trẻ em hàng xóm, rồi đi đến kinh doanh và mở rộng cho cả xóm tham gia. Mẫu mã thì mình tự sáng tạo ra, có khi mượn hình các nhân vật hoạt hình đang được trẻ em ưa chuộng, xốp để làm thú thì mua ở Long Xuyên, từ mấy cơ sở bán phao lưới; sơn, chỉ, bút lông, sợi kẽm mua ở chợ...”.

Theo anh Truyền, với 100 con đồ chơi, không tính công làm ra, trừ chi phí nguyên vật liệu anh còn lời 200.000 đồng trong 2 ngày rong rủi đi bán. Với mức thu nhập này, cũng đủ để gia đình anh trang trải chi phí. Mặc dù trên thị trường hiện nay rất đa dạng các chủng loại đồ chơi, nhưng các đồ chơi được làm bằng tay như thế này vẫn thu hút được nhiều bậc phụ huynh. Anh Trương Văn Sơn,  khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết “Những món đồ chơi dân gian này thì nó gần gũi thân thiện với các em nhiều hơn, không có hoá chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe các em”.

Em Đỗ Thị Thúy Kiều, Học sinh Trường tiểu học Thới An Đông 3, chia sẻ “Những loại đồ chơi hiện đại thì không đảm bảo sức khỏe nhưng lại đắc tiền. Những món đồ chơi dân gian thì nó gần gũi dễ chơi, rất phù hợp với lứa tuổi học trò”.

Hiện nay, khu vực Bình Thường B có hơn 10 hộ làm đồ chơi dân gian như anh Truyền, và mới đây Hội nông dân quận Bình Thủy phối hợp cùng Hội nông dân phường Long Tuyền tổ chức ra mắt Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian tại khu vực Bình Thường B. Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian ra mắt nhằm giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn. Bước đầu thành lập tổ có 12 thành viên tham gia sản xuất 8 loại sản phẩm đồ chơi dân gian như: Rùa, cá sấu, chuột, chim bồ câu,... do anh Nguyễn Văn Truyền làm tổ trưởng. Chúng tôi sẽ phát triển làng nghề này kết hợp với du lịch sinh thái vốn là thế mạnh của địa phương. Vừa kinh doanh vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa quê hương cho khách tham quan”. Anh Nguyễn Văn Truyền - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian tại khu vực Bình Thường B - cho biết thêm.

Ông Lâm Việt Hải, Chủ tịch Hội nông dân phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết “Việc thành lập tổ hợp tác là điều kiện giúp các tổ viên trao đổi kinh nghiệm, lựa chọn những sản phẩm đồ chơi mới lạ, đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em hiện nay. Đồng thời, mở ra cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả trong xây dựng hợp tác làm ăn gắn với du lịch trên địa bàn. Từ đó, tăng thu nhập cho các tổ viên theo hướng bền vững”.

Mặc dù công việc này vất vả, để bán được sản phẩm, người làm ra đồ chơi phải rong rủi bán khắp phố phường và đôi khi phải đi các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Liền, thành viên Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian tại khu vực Bình Thường B - nói: “Gia đình tôi chỉ làm con bồ câu, con gà để bán, trung bình một ngày 1 người làm khoảng 30 con, bán với giá 10.000đồng/con. Một ngày rong rủi đi bán thì có thu nhập khoảng 200.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Chúng tôi rất phấn khởi vì có việc làm với thu nhập ổn định. Trong khi đồ chơi ngoại nhập, nhất là của Trung Quốc tràn ngập thị trường thì mình phải có sản phẩm đa dạng, hấp dẫn để cạnh tranh”.

Nhờ những bàn tay khéo léo, những chất liệu bình thường như tre, giấy, mốp xốp… được các hộ làm đồ chơi thổi hồn, tạo ra những con vật thật dễ thương mang nhiều ý nghĩa, qua đó giáo dục cho trẻ những bài học đầu đời về sự cần cù, sáng tạo và góp phần lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.

 


Nguyễn Tín


8a89648b-17d7-4e84-bdd7-ffc0e7b61d6a

Tiêu đề bài viết: Nơi lưu giữ tuổi thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguyễn Tín.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang