Thông tin hoạt động của Quận - Huyện


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Điều chỉnh thói quen đi chợ để phòng chống dịch
Ngày đăng: 13/04/2020

Lượt xem:


Đi chợ mua sắm hàng hóa, thực phẩm thiết yếu là lựa chọn của phần đông người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh COVID-19. Tại TP Cần Thơ, các khu chợ tại quận, huyện hoạt động buôn bán bình thường, cung cầu hàng hóa ổn định. Người mua và người bán ý thức hơn về các biện pháp phòng dịch: đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn… Thói quen mua sắm của người dân cũng được điều chỉnh: "mua xong về nhà ngay"!
Người dân giờ đến chợ chủ yếu mua thực phẩm. Trong ảnh: Hoạt động kinh doanh tại chợ Ô Môn.

Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, các điểm cung ứng thực phẩm như siêu thị, chợ vẫn mở cửa phục vụ nhân dân. Để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn dịch bệnh, Sở Công thương TP Cần Thơ đã liên tiếp ra công văn chỉ đạo hoạt động của ngành. Theo đó, đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo Ban quản lý chợ trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng dịch như bố trí nước rửa tay sát khuẩn, yêu cầu tiểu thương và khách hàng đeo khẩu trang suốt thời gian ở chợ, tạm dừng các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ trong khu vực chợ và tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trong khu vực chợ…

Theo quan sát của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền, Thới Lai, Thốt Nốt... trong những ngày này hoạt động vẫn diễn ra bình thường, nguồn cung hàng hóa phong phú, giá ổn định, không có tình trạng người dân gom hàng tích trữ. Tiểu thương và người dân  mua bán  chấp hành việc đeo khẩu trang khi giao tiếp...

Ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thới Lai, cho biết, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thới Lai phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến các khu chợ, nơi tập trung đông người đến mua sắm...

Thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng, người dân ít đi ra đường hơn, ra chợ cũng thật sự cần thiết mới đi. Bà Nguyễn Thị Thu Ba, ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền cho biết: dù lo sợ dịch bệnh nhưng gia đình không mua gom thực phẩm tích trữ nên vẫn phải đi chợ để mua thực phẩm và hàng hóa sử dụng cho nhu cầu hằng ngày. Tuy nhiên, tôi đi chợ một ngày sử dụng cho 2-3 ngày. Đến chợ tôi chủ yếu mua thực phẩm và những loại đồ dùng cần thiết, luôn đeo khẩu trang và thận trọng khi giao tiếp.

Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, ở quận Bình Thủy cho biết, khi mua đồ dùng, gia đình chị chọn giải pháp đặt hàng qua điện thoại và giao tận nơi từ các siêu thị. Nhưng, do thói quen của gia đình là dùng thực phẩm tươi sống nên hằng ngày vẫn phải đi chợ mua hàng. Để tránh tiếp xúc quá lâu nơi đông người khi đi chợ, danh sách những thứ cần mua, thậm chí định hình là mua ở quầy hàng nào... đều tính trước nên thời gian đi chợ của tôi cũng nhanh chóng.

Ở chợ Ô Môn, quận Ô Môn, mới 8 giờ 30 phút sáng nhưng chợ đã thưa người. Chủ yếu là các quầy, sạp bán thực phẩm tươi sống còn khách đến mua hàng, riêng các quầy hàng kinh doanh quần áo, đồ dùng khác gần như không có khách. Theo các tiểu thương, từ khi xảy ra dịch bệnh, người dân đi chợ chủ yếu là mua thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng khác bán rất chậm. Thời gian đi chợ của người dân cũng ít hơn, chỉ tập trung trong khoảng từ 6 đến 9 giờ.

Bà Bùi Thị Xuyến, tiểu thương kinh doanh rau, củ tại chợ Phong Điền cho biết, hàng hóa rất nhiều, giá ổn định nhưng những ngày nay chợ rất vắng, đông nhất vào buổi sáng sớm nhưng cũng không như trước đây, từ 10 giờ là gần như hết khách. Mặc dù bà có mở bán buổi chiều nhưng cũng không được bao nhiêu nên thường dọn hàng sớm. Bà Võ Thị Trinh, tiểu thương kinh doanh thịt heo quay tại chợ Thới Lai, cho biết, chợ giờ rất vắng, lượng khách giảm 30-40%, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn...

Ông Lê Thành Tâm, Phó Ban Quản lý chợ Ô Môn cho biết, từ ngày xảy ra dịch COVID-19, thói quen đi chợ của người dân cũng thay đổi, họ đi chợ sớm hơn, chỉ mua những thứ thật cần thiết do đó sau 9 giờ là chợ gần như hết khách. Nguồn cung hàng hóa tại chợ Ô Môn ổn định, không có tình trạng khan hàng tăng giá hay người dân thu gom tích trữ hàng hóa. Các điểm kinh doanh ăn uống tại chợ, Ban Quản lý chợ cũng quy định các điểm bán thực hiện bán mang về…

Thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của thành phố, quận, phường, Ban Quản lý chợ An Bình, quận Ninh Kiều cũng siết chặt quản lý nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Ban Quản lý chợ An Bình cho biết, chợ An Bình chủ yếu kinh doanh cung ứng những ngành hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Chợ đêm, các ngành hàng ăn uống, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch (tàu phục vụ tham quan chợ nổi) đều tạm ngưng hoạt động đến ngày 15-4-2020 hoặc khi có thông báo mới. Bên cạnh việc tuyên truyền bằng loa phát thanh, phát tờ rơi, đến từng hộ kinh doanh về việc thực hiện cách phòng chống dịch bệnh, ban đều hành chợ còn bố trí nước rửa tay khô tại nhiều vị trí thuận tiện trong phạm vi chợ, cùng đó, nhân viên điều hành chợ tăng cường nhắc nhở khi tụ tập đông người.

Chợ là nơi tập trung đông người đến mua bán hàng hóa, nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan nếu xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, theo khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi ra đường. Mua nhanh về nhanh, chỉ đi chợ khi thật cần thiết mua thực phẩm và nên đi chợ một lần dùng cho 2-3 ngày. Đi chợ phải đeo khẩu trang, mang theo dung dịch sát khuẩn, đến chợ tránh tập trung nơi tụ tập đông người, chọn điểm mua hàng thông thoáng (tốt nhất giữ khoảng cách 2m)... Qua quan sát của phóng viên ở các chợ, các khuyến cáo trên được người dân và tiểu thương nghiêm túc thực hiện với mong muốn dịch COVID-19 mau chóng qua đi...

 


Báo Cần Thơ


14df02c4-a0a9-4aa9-89b3-2127242a8b17

Tiêu đề bài viết: Điều chỉnh thói quen đi chợ để phòng chống dịch . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang