Văn hóa ẩm thực


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Món ăn và cách ăn của người Cần Thơ
Ngày đăng: 13/10/2005

Lượt xem:


Do điều kiện tự nhiên ở vùng đồng bằng sông nước, tài nguyên nông nghiệp phong phú dồi dào nên người Cần Thơ: có rất nhiều món ăn và cách ăn đa dạng. Bằng nhiều cách chế biến, từ thô sơ mộc mạc đến phức tạp cầu kỳ, nhưng hầu hết thức ăn của người Cần Thơ cũng như người Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, được nấu từ nguyên liệu gốc với nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ.

Do điều kiện tự nhiên ở vùng đồng bằng sông nước, tài nguyên nông nghiệp phong phú dồi dào nên người Cần Thơ: có rất nhiều món ăn và cách ăn đa dạng. Bằng nhiều cách chế biến, từ thô sơ mộc mạc đến phức tạp cầu kỳ, nhưng hầu hết thức ăn của người Cần Thơ cũng như người Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, được nấu từ nguyên liệu gốc với nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ.


Lương thực và các món ăn hàng ngày. “Không có gì ngon bằng cơm với cá, Không có tình nào bằng má với con”. Câu ngạn ngữ trên đã nói lên đặc điểm yêu thích, quí trọng nguồn lương thực thực phẩm chủ yếu của người Cần Thơ - ăn cơm với cá. 



Cơm là món ăn chủ yếu hàng ngày của người Việt Nam. Nguyên liệu chính để nấu cơm ở Cần Thơ là gạo tẻ. Bên cạnh có gạo nếp, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới dùng. ăn cơm nếp phải trộn thêm dừa nạo, có đậu phộng muối mè. Hoặc đem nếp “đổ” xôi cúng trong các ngày giỗ, lễ. Cũng như các nơi, người Cần Thơ làm cơm bằng cách nấu thẳng hoặc hấp (chưng cách thủy). Phương tiện nấu cơm trước đây chủ yếu là nồi đất đặt trên bếp cà ràng, nhà giàu thì nấu cơm bằng nồi đồng, nấu nhiều dùng chảo gang với các cò như chảo “lá sen”, chảo “đụng” v.v... Khi kỹ nghệ phát triển người ta dùng xoang nhôm, nồi I-nốc... rồi đến bây giờ là nồi cơm điện với bếp điện, lò ga... Nhưng những người lớn tuổi vẫn thích thỉnh thoảng được ăn cơm nấu bằng nồi đất hoặc nồi đồng, vì nó có thứ cơm nạc xốp dẻo, cơm cháy vàng giòn thơm ngon. Ở Cần Thơ, có các loại giống lúa mùa như: Ba Thiệt, Chệt Cục, Trắng Tép, Đuôi Trâu... nổi tiếng ngon cơm. Ngoài ra, trước đây có các giống đặc sản như: Ba Trăng, Móng Chim, Nàng Hương độc đáo có hương thơm đặc biệt. Sau này, với kỹ thuật lai tạo giống mới, Cần Thơ có thêm các loại lúa ngắn ngày cho gạo có chất lượng cao như các giống OM, IR... làm cơm cũng thơm ngon không kém các giống truyền thống. 


Các món ăn với cơm hàng ngày của người Cần Thơ, kể cả Việt, Khmer, Hoa thông thường là cá, thịt chế biến bằng cách nấu canh, xào, hấp, nướng, chiên, kho. Cho đến nay, nguyên liệu thực phẩm chủ yếu ở Cần Thơ vẫn là các loại cá, tôm, lươn, trạch... là những thú có nhiều dễ kiếm, vừa là dạng đạm nhẹ, ít chất béo, dễ tiêu. Đó không phải chỉ riêng ở nông thôn mà ngay trong các thành phố, thị xã, trong các bữa tiệc ở nhà hàng cũng không vắng mặt được các món cá, tôm bên cạnh các loại thịt gà vịt, heo, thỏ, dê,... như cá lóc chiên xù, tôm nhúng dấm, lẩu lươn, cá rô kho tộ v.v... 


Về khẩu vị, cũng như người Nam bộ nói chung, người Cần Thơ thích ăn cay (dùng tiêu, ớt, gừng, tỏi, sả... làm giảm bớt mùi tanh của cá, lươn, ếch, rùa, rắn); ưa ăn món mặn (các loại mắm, cá khô...), thích ăn chua (canh chua, dưa chua...), ưa ăn chát (bắp chuối, chuối chát, trái bần, lá điều đọt vừng...) và thích ăn đắng (khổ qua, rau đắng đất, mật cá lóc, mật cá kèo...). 



canh chua cá lóc 


Nét độc đáo của món ăn Nam bộ trong bữa cơm hàng ngày mà người Cần Thơ thích nhất là canh chua và cá kho. Món ăn này rất bình dân, giản dị, ai cũng có thể làm. Nhưng thật ra, muốn nấu được một bữa ăn canh chua, cá kho ngon, đúng cách không phải là chuyện dễ, vì nó rất nhiều kiểu loại khác nhau, từ nguyên liệu thực phẩm đến gia vị, rau quả, nước chấm đến mức độ mặn lạt, ngọt béo, thơm bùi... Kể cả canh chua nấu với cá cũng đã có đến hàng chục thứ cá: lóc, rô, chạch, trê trắng, lươn, cá kèo, cá ngát, ba sa, bông lau (cá dứa), cá sặc chẽm, cá hô, cá cháy, cá lăng... ở sông Hậu trước đây có một loại cá ngon đặc biệt nổi tiếng mà đến nay xem chừng đã tiệt chủng, đó là cá cháy. Cá cháy dùng nấu canh chua hoặc kho riêm, kho mẳm cũng đều hấp dẫn mọi người. 


Trong các loại làm chua thì rất lắm thứ, đặc biệt Cần Thơ là xứ miệt vườn, có nhiều loại cây trái để làm chua. Ngoài các loại thông thường phổ biến các nơi như: me trái, me muối, cơm mẻ, trái giác, lá dấm, lá giang, cà chua, khóm... Cần Thơ còn có thêm chanh, khế, hạnh, xoài, mận v.v... Phần rau độn thì có bông súng, rau muống, rau nhúc, giá, bạc hà, bông so đũa, rau mác, cù nèo v.v... Tất cả ba thứ: thực phẩm, chất làm chua và rau độn phải kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn với nhau mới tạo ra được nồi canh chua ngon đúng điệu. Ngoài ra, còn phải phối hợp thêm với gia vị, rau mùi, nước chấm theo đúng nguyên tắc luật định rõ ràng: Thí dụ: khi nấu canh chua cá lóc với giá, bạc hà, người ta thường dùng me muối để làm chua và chấm nước mắm trong, khi nấu canh chua lươn hoặc cá chạch với bông súng, rau muống, hoặc bông so đũa người ta thích món chua cơm mẻ và có ng¬ười thích chấm “muối ớt hơn nước mắm... Ngoài canh chua nấu bằng các loại cá người ta còn chế biến canh chua nấu với thịt gà, thịt vịt và cả thịt chuột đồng. Món cá kho được làm với tất cả các loại cá. 



cá rô kho trái giác (ảnh: thvl)


Cá nào cũng kho được, từ cá lóc cá trê ,cá rô cho đến cá chẽm, cá vồ (cá tra), cá ba sa, cá lăng... và có nhiều kiểu cách như: kho nước, kho khô kho mẳm, kho tộ, kho mắm ...với liều lượng gia vị, muối, nước mắm, tiêu, hành, đường, mỡ... phù hợp với tính chất từng món mới ngon miệng. Thí dụ: cá rô thì nên kho tộ với mỡ, cá bống dừa, bống trứng thì phải kho tiêu ,cá kèo, cá lăng, cá chẽm thì kho mẳn (như loại canh mặn) thì mới ngon. 


Trong cộng đồng người Việt, Khmer, Hoa ở Cần Thơ trước đây cũng có một số khác biệt khẩu vị trong cách chế biến thức ăn. Như người Hoa thích ăn thịt hơn cá, ăn nhiều mỡ heo, ít ăn canh chua hơn canh mẳm thích cá biển mặn chưng thịt và trứng hay tàu hủ (món hầm vĩ) hơn cá kho. Người Khmer thích ăn canh xiêm lo nêm mắm bò hốc thay vì canh chua... nhưng trong quá trình cộng cư kéo dài từ đời này sang đời khác mối giao lưu chung chạ càng khắn khít nhau hơn, nên các món ăn chủ yếu hàng ngày cũng dần dần chuyển hóa giống nhau. 



mắm là món ăn được ưa chộng của cư dân Nam Bộ cũng như người dân Cần Thơ


Cả ba dân tộc ở Cần Thơ hầu hết đều thích mắm, được xem là món ăn bình dân căn bản hàng ngày. Mắm là món ăn dự trữ được lâu, đề phòng cho những khi thắt ngặt, thiếu món ăn thịt cá tươi thì có mắm. Tùy theo khẩu vị, tập quán của mỗi tộc người mà có cách chế biến mắm khác nhau. Người Việt thích nhất là mắm đồng với các loại cá được muối phổ biến là sặc, lóc, trê, rô, chốt, linh, trèn tôm, tép... Mắm trữ lâu ngày càng ngon, vừa có mắm cá để ăn vừa có nước mắm làm nước chấm với hương vị đặc biệt hơn nước mắm biển. 


Vài chục năm về trước, lúc nguồn thực phẩm tự nhiên còn dồi dào, trong mỗi gia đình người Việt ở nông thôn, nhà nào cũng có dự trữ đôi ba khạp, hũ mắm cá đồng. Vào đầu mùa mưa, cá con mới nở, khó kiếm thức ăn, bà con nông dân thường ăn mắm chưng với bí rợ hầm nước cốt dừa. Người Khmer cũng thích mắm cá đồng, nhưng làm theo kỹ thuật mắm bò hốc (Prahóc) không có nước mắm riêng mà trở thành một hợp chất dưới dạng bột sệt có mùi vị đậm đà đặc biệt dùng nêm, chấm kèm với các thức ăn khác. Mắm bò hốc là món ăn truyền thống đặc trưng của người Khmer, lúc nào cũng có dự trữ trong mỗi gia đình. Người Hoa không ăn mắm và nước mắm đồng mà thích loại cá biển muối mặn, đem chưng phối hợp với các thực phẩm khác. Nước chấm chủ yếu là tàu vị yểu tương. Bên cạnh mắm còn có các thứ cá khô, cũng là loại thực phẩm dự trữ, nhưng không giữ lâu và ngon bằng mắm. 


Người Cần Thơ có nhiều cách chế biến thức ăn từ mắm như ăn mắm sống, mắm chưng, mắm kho. Trong món mắm sống có các loại như: mắm xé, mắm thái, mắm ruột (hay mắm lòng), mắm trứng, mắm dưa v.v... mỗi thứ có thêm các món phụ gia trộn vào hoặc kèm theo như tỏi ớt chanh, dấm, đường, gừng, đu đủ rồi ăn cặp với thịt heo luộc, tôm luộc cá nướng... Mắm chưng có loại chưng nguyên con như mắm lóc, trê; có loại bằm nhuyễn (thường là mắm sặc) rồi chưng chung với trứng vịt thịt heo... Ở món mắm kho, con mắm giữ vai trò chủ yếu là tạo hương vị cho các món thực phẩm được kho nên người ta cũng gọi là kho mắm. Như cá lóc kho mắm, lươn kho mắm. Các loại thực phẩm kho mắm rất đa dạng: Có nồi mắm kho.chỉ dùng một món thực phẩm chính như cá rô hay cá kèo hoặc cá ngát kèm theo với một mớ thịt ba rọi. Nhưng có nơi thì tổng hợp nhiều thứ, bao gồm: cá lóc, cá rô, cá kèo, lươn, chạch, mực, tôm tép, ốc bươu... Mắm kho ngon là nhờ hương vị đậm đà của mắm cộng với các loại rau tươi ăn kèm. 



các loại rau đa dạng trong món ăn của ngườui dân Nam Bộ


Cần Thơ được trời cho cả một kho tàng rau xanh từ trong thiên nhiên hoang dã cho đến các vườn rẫy gieo trồng. Kể rau đồng (rau rừng) thì có: bông súng, rau muống, rau cần, rau nhúc, rau dừa, rau hẹ nước, rau má, rau đắng, rau om, bông điên điển, bông lục bình, cù nèo, rau mác... Các món rau vườn rẫy có giá, hẹ, ngò, cà nâu (cà phổi), đậu rồng, khổ qua, bông so đũa, lá cách, lá nhàu, khế, chuối chát, đọt vừng, đọt cóc v v Các món rau này kết hợp nhau bày trong bữa ăn mắm kho như cả một vườn hoa lá xanh tươi nhiều màu sắc, vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng lại giàu chất bổ dưỡng. 


Kiểu nấu mắm hỗn hợp này người ta thường đặt nồi mắm trên một lò than hoặc chứa mắm trong cái cù lao (lẩu) có lửa cháy nóng cho mắm sôi đều từ từ nhúng rau sống vào ăn rất ngon. Ở thành phố Cần Thơ hiện nay có quán ăn Dạ Lý chuyên bán món lẩu mắm mà trở nên giàu có và nổi tiếng khắp vùng. Ngoài các món ăn căn bản thường gặp hàng ngày trên đây, các món ăn bình dân ở Cần Thơ còn có nhiều cách chế biến khác, rất đơn giản, gần-gũi với tự nhiên mà lại độc đáo hấp dẫn như: cá lóc nướng trui, nướng ốp bẹ chuối; gà vịt nắn đất sét nước; chuột úp nồi, rắn nướng lèo... 


Ngày xưa, các món thịt như: heo, gà vịt, ngỗng, dê, thỏ... được coi là quí hiếm. Cho nên có câu “khách tới nhà không gà thì vịt” để tỏ lòng mến trọng người quen. Bây giờ, các món ăn đã trở nên bình thường. Nếu cần để đãi bạn thân món ngon lạ miệng thì có thể “hạ cờ tây” (hạ cầy tơ - làm thịt chó). Ở các vùng nê địa, lung bàu hoang dã trước đây như miệt Thới Lai - Cờ Đỏ (Ô Môn), Phương Ninh - Phương Bình, Bảy Thưa - Đại Thành (Phụng Hiệp)... là nơi sinh sôi nảy nở và trú ẩn lưu cữu của các loài vật miệt đồng mà người ta thường gọi là nơi "cá lóc mọc râư'. Đến nay, vẫn còn khá dồi dào các loài tôm cá, chim, chuột, rắn, rùa, lươn, ếch... mà người Cần Thơ có nhiều cách chế biến thành món ăn gọi là “thịt rừng”, “đặc sản” rất ngon như: lươn um rau ngổ, chuột xào lá cách, rùa rang muối, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh v.v...Tuy nhiên, nếu không có biện pháp khai thác, quản lý tốt, cứ để nhân dân đánh bắt bừa bãi sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái tự nhiên. 


Cần Thơ là thành phố có diện tích vườn cây ăn trái lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều loại trái cây thơm ngon nổi tiếng cam, quít, chôm chôm, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... ở Bình Thủy, Long Tuyền, Phong Điền... là nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú của con người trong các bữa ăn. 


Bên cạnh các món ăn lấy từ tài nguyên tự nhiên là những món ăn, thức uống được làm bằng thực phẩm chế biến qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị. Từ hột gạo người ta có thể làm ra hàng chục thứ bánh khác nhau như: bún, bánh hỏi, bánh bò, xôi nếp, bánh đúc, bánh xèo, bánh tét, bánh phồng... 



bánh tét lá cẩm - đặc sản Cần Thơ


Từ lâu, người phụ nữ Cần Thơ đã có tiếng về tài làm bánh khéo với các loại như: bánh bèo, bánh thõng, bánh bông lan bắt bông đường v.v... Riêng bánh tét ở Cần Thơ nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với loại bánh tét bốn màu nhân thịt, lạp xưởng và hột vịt muối. Ngày nay, kỹ thuật càng tiến bộ, kỹ năng, kỹ xảo càng nâng lên các loại bánh mứt, món ăn thức uống chế biến càng ngon, càng nhiều với những tên tuổi trở thành “đặc sản” như: Bún Cần Thơ sản xuất ở lò bún Phong Điền, bánh hỏi rế (còn gọi là bánh hỏi mặt võng) lò Quản Quỳnh ở Rạch Gòi, cháo lòng Cái Tắc, nem chiếc và nem nướng Cái Răng, rượu đế lò ông Ba Thán ở rạch Chuối lộ Vòng Cung... Các món ăn người Hoa có bánh mì xá xíu Lý Ngầu ở Cái Răng, mì Quảng của chú Lường ở chợ Cần Thơ.


Nguồn: sưu tầm


Các tin khác:
Cá lóc nướng trui  (13/10/2005)
Chè bưởi Cần Thơ  (13/10/2005)
Bánh tét lá cẩm  (13/10/2005)

b81411f6-59af-4006-b52c-f15d9feee403

Tiêu đề bài viết: Món ăn và cách ăn của người Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả:

Nguồn: sưu tầm
.
Chiến lược phát triển
Hình ảnh đẹp

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: