Khoa học và Công nghệ


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
“Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nghiên cứu, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nguồn gien giống cây trồng vật nuôi, trong nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp”
Ngày đăng: 08/04/2019

Lượt xem:


Đó là chủ đề Hội thảo do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học – Công nghệ, Sở Khoa học – Công nghệ TP Cần Thơ, phối hợp Công ty Sinh hoá Phù Sa, tổ chức ngày 5/4/2019, với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ sinh học, Cục Sở hữu trí tuệ, lãnh đạo các trường Đại học và doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

TS Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, chia sẻ: “Ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất mang tính công nghiệp đang là xu hướng tất yếu trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều dự báo tích cực về cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Thời gian qua ngành khoa học công nghệ Cần Thơ rất quan tâm tạo điều kiện để triển khai nhiều đề tài nghiên cứu và dự án ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH), công nghệ gien để tạo ra các nông sản chất lượng, giống cây, con cho năng suất cao; Và ứng dụng CNSH trong các quy trình xử lý, chế biến, bảo quản nông sản và lĩnh vực y học… Tuy nhiên trong xu thế xuất hiện cạnh tranh mạnh mẽ của hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề bảo hộ giống cây trồng vật nuôi; bảo hộ hàng hoá nông sản giữ được xuất xứ, thương hiệu khi tham gia thị trường quốc tế và đặc biệt là ứng dụng CNSH hiện đại để bảo vệ nguồn gien cần phải được ưu tiên hàng đầu”.

Các chuyên gia cũng đồng tình: Nếu các ý tưởng đổi mới, các sản phẩm và thương hiệu mạnh của doanh nghiệp (DN) không được bảo hộ pháp lý bằng các quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì chúng có thể được sử dụng tự do bởi các DN khác mà không có sự hạn chế nào. Nhưng khi được bảo hộ SHTT, chúng sẽ tạo ra giá trị nhất định đối với DN, vì khi trở thành các quyền tài sản, chúng không thể bị thương mại hoá hoặc sử dụng nếu không có sự cho phép của DN sở hữu. Mặt khác, đăng ký thành công SHTT sẽ khẳng định nhãn hiệu để tạo ra thương hiệu trong kinh doanh và tránh tình trạng làm giả, làm nhái. Có thương hiệu uy tín sẽ chiếm lĩnh lòng trung thành của khách hàng, tạo thuận lợi trong giao thương với đối tác, tổ chức tín dụng.

Hiện nay việc bảo hộ SHTT giống cây trồng giống cây trồng của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 800 sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản tham gia thị trường nhưng chỉ khoảng 50 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 140 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận và bảo hộ quyền SHTT, trong đó một số ít sản phẩm được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Ban Mê Thuột, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn. Hàng nông sản Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia, trong đó nhiều đặc sản nổi tiếng vùng miền bị nhái tràn lan, ở thị trường trong và ngoài nước… Bên cạnh, do chưa chú trọng việc đăng ký bảo hộ SHTT, nhiều nông sản  của Việt Nam được các DN nước ngoài nhập về chế biến lại, và mang thương hiệu nước ngoài. Hiện nay Việt Nam đứng sau Thái Lan, đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á về số lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Thậm chí, nhiều sản phẩm dù được bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác, do vậy xuất hiện tình trạng nhiều nông dân, thương nhân “mượn tạm” nông sản được bảo hộ SHTT để sản xuất, kinh doanh nhưng không trả chi phí bản quyền cho công ty, chủ sở hữu. Việc xử lý nạn “ăn cắp” bản quyền trong nông nghiệp còn nhiều bất cập. Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Chúng ta cần sớm thực hiện đăng ký bảo hộ cho nông sản, đặc sản trong nước. Để tạo được thương hiệu, DN phải có bộ phận nhân lực chuyên trách quản lý hoạt động SHTT với lộ trình kế hoạch, chiến lược sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu. Không chỉ đối với các nông sản có thương hiệu đã xuất khẩu mà với nhiều sản phẩm giống cây trồng vật nuôi cũng cần phải chú trọng bảo hộ, chuyển giao bảo hộ cây giống và tạo vùng nguyên liệu ổn định, làm nền tảng và cơ sở xây dựng thương hiệu sản phảm nông nghiệp Việt Nam. Việc bảo hộ còn giúp giữ được nguồn giống tốt, không lẫn lộn với quốc gia khác”.

Đặc biệt, khi hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải xác lập rõ quyền tác giả giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với Luật Việt nam và các quy ước quốc tế. Các nước buộc phải áp dụng các rào cản kỹ thuật nhằm đảm bảo việc truy xuất đúng nguồn gốc. Việt Nam muốn xuất khẩu một số loại nông sản thì phải xác định nguồn giống trong nước hoặc phải lai tạo các giống mới và nhanh chóng đăng ký SHTT. Nếu không, xuất khẩu ít thì không sao nhưng nếu nhiều rất dễ bị phạt.

Hội thảo cũng nêu thực trạng: Việc đăng ký bảo hộ và xác lập chủ quyền các giống cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là tiếp cận các thủ tục, quy trình theo quy định đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Khi đã tiếp cận được thì giống không còn tính mới, tính cạnh tranh trên thị trường giảm rất nhiều.…Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia tư vấn về bảo hộ giống cây trồng, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết thêm: “Từ năm 2004 đến 2015, có 648 đơn đăng ký Bảo hộ giống cây trồng, trong đó 184 đơn nước ngoài. Có 282 bằng bảo hộ giống cây trồng đã được cấp. Việt Nam rất đa dạng về giống và loại cây trồng nhưng đến nay chưa bảo hộ tất cả các loại cây trồng. Hệ thống bảo hộ giống cây trồng còn thiếu và hạn chế kinh nghiệm về bảo hộ, giữ giống, bảo vệ quyền sở hữu. Nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và bảo hộ giống cây trồng hạn hẹp. Đặc biệt, nhận thức của các đối tượng liên quan về giống cây trồng còn hạn chế: Nếu người nông dân có giống mới nhưng không nghĩ đến bảo hộ mà đem chiết giống bán (thương mại hoá sản phẩm) thì sẽ không được đăng ký bảo hộ SHTT nhưng tình trạng này thường xảy ra. Chẳng hạn giống sầu riêng hạt lép, rất được thị trường ưa chuộng nhưng người chủ sản xuất ra giống này không được quyền lợi gì vì đã bán giống cây ra thị trường mà không nghĩ đến đăng ký bảo hộ SHTT. Do vậy công tác bảo vệ quyền sở hữu bản quyền của nông dân rất khó thực hiện”.

Để tháo gỡ khó khăn, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất định hướng nghiên cứu, cơ chế liên kết hợp tác giữa các tổ chức, viện trường, các công ty, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ gien, bảo tồn và bảo hộ SHTT nguồn gien giống cây trồng quí hiếm, qua đó góp phần tìm ra con đường đi nhanh nhất để sản phẩm và các công trình nghiên cứu khoa học được bảo hộ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai lưu ý: “Khi muốn bảo hộ giống cây trồng mới, phải nắm rõ nguồn gốc xuất xứ của giống và tuyệt đối bảo mật thông tin. Không thương mại hoá giống trước khi nộp đơn xin bảo hộ. Tự tìm hiểu hoặc thông qua đơn vị đáng tin cậy để được tư vấn về điều kiện và thủ tục bảo hộ giống cây trồng mới, thực hiện bảo hộ càng sớm càng tốt”.

Hội thảo đã giúp các nhà khoa học, các DN nhận thức rõ hơn vai trò của ứng dụng công nghệ 4.0 trong nghiên cứu, xác lập và bảo hộ quyền SHTT nguồn gien giống cây trồng vật nuôi; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, góp phần giúp ngành nông nghiệp ĐBSCL chuyển dịch theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

 

 


Đan Phượng


5690022e-e125-40f6-a9ee-3efcb7201511

Tiêu đề bài viết: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nghiên cứu, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nguồn gien giống cây trồng vật nuôi, trong nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp”. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Đan Phượng.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang