Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Chưng cất nước mặn thành nước ngọt
Ngày đăng: 25/03/2019

Lượt xem:


Đề tài: “Thiết bị chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời” của Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng – giảng viên Khoa Nông nghiệp – Sinh học ứng dụng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đạt giải Nhất Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm TP Cần Thơ lần thứ 6, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ tổ chức 12/2018. Không chỉ áp dụng trong công tác giảng dạy, thiết bị còn có tính ứng dụng cao trong đời sống, đặc biệt là trước thực tế những năm gần đây hiện tượng xâm nhập mặn đang diễn ra ngày một nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL…

Sinh ra ở Bến Tre – vùng đất khó khăn về nước sinh hoạt do hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên, ngay từ thời sinh viên, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng đã ấp ủ ý tưởng và cùng nhóm bạn của mình nghiên cứu thực hiện thành công việc “biến nước mặn thành nước ngọt”. Đề tài trên của nhóm xuất sắc giành giải Đặc biệt tại Cuộc thi Holcim Prize năm 2011. “Sau khi tham gia và đạt giải, mình tạm xếp lại đến sau này có điều kiện về cơ sở vật chất cũng như điều kiện công tác và thời gian, mình tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cho hoàn chỉnh, để đạt công suất tốt nhất. Nói chung giai đoạn hiện nay mình đang khắc phục những nhược điểm trước đây mình chưa làm được…” – Thầy Tùng cho biết.

Thiết bị có cấu tạo hình hộp chữ nhật có kích thước nửa mét vuông, có chân kê cao khoảng 60cm, làm bằng inox không gỉ. Giữa khung ngoài và khung trong được lắp các tấm xốp cách nhiệt tránh để thất thoát nhiệt từ trong ra ngoài. Phía trên khung có các tấm kính đặt nghiêng từ 30 đến 45 độ, cấu tạo như mái nhà để tạo độ dốc cho nước sau khi ngưng tụ chảy về máng thu. Phía đáy thiết bị có lắp 1 tấm kính phủ sơn màu đen mặt dưới để tăng khả năng hấp thu nhiệt cho thiết bị. Nguyên tắc hoạt động của thiết bị mô phỏng theo hiện tượng “Hiệu ứng nhà kính”. Khi để thiết bị dưới ánh nắng mặt trời, các bức xạ nhiệt sẽ đi xuyên qua lớp kính phía trên, tiếp xúc trực tiếp với lớp nước mặn chứa trong thiết bị làm cho khối nước mặn này nóng lên và làm bốc hơi nước. Dòng không khí chứa đầy hơi nước bên trong thiết bị kết hợp với sự làm mát của không khí bên ngoài sẽ làm cho hơi nước ngưng tụ ở mặt dưới lớp kính, sau đó nước sẽ chảy về máng thu nước dẫn ra bình chứa bên ngoài. Thiết bị đạt hiệu quả nhất vào mùa khô hay ở nơi có nắng nhiều, với khoảng 5 lít nước mặn có thể cho ra từ 2 đến 3 lít nước ngọt mỗi ngày. Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng - tác giả sáng kiến cho biết thêm: “Đối với chất lượng nước đầu ra mình cũng đã thực hiện nghiên cứu cơ bản.  Phân tích ở phòng thí nghiệm tại Khoa Môi trường cho thấy nồng độ muối là 0/1000, có nghĩa là nước ngọt hoàn toàn. Về chỉ tiêu vi sinh là dường như không phát hiện…”

Hiện tại, thiết bị đang được áp dụng vào Phòng thí nghiệm Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường phục vụ công tác học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Thao tác trên thiết bị, sinh viên được trải nghiệm trực quan, thấy rõ quá trình bốc hơi nước, ngưng tụ… từ đó liên hệ cụ thể về môn học. Đây còn là cơ sở để các sinh viên sáng tạo trong thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Ngô Thiện Nhân sinh viên lớp Bảo vệ thực vật 16, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ chia sẻ: “Nhờ thiết bị này mà giúp em hiểu biết thêm, bổ sung thêm kiến thức cho môn học năng lượng mặt trời. Thiết bị tiện lợi có khả năng ứng dụng vào cuộc sống, lọc được nước mặn cho mình sử dụng…”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyên – Trưởng Khoa Nông nghiệp – Sinh học ứng dụng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cho rằng:  “Thiết bị chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời” không chỉ hiệu quả trong công tác giảng dạy mà còn có khả năng ứng dụng trong thực tế. Đây hứa hẹn là một trong những giải pháp góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hiện tượng xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng, ngày một phức tạp ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL… “Nếu thiết bị này được nghiệm thu và phát triển để sản xuất đại trà thì tôi nghĩ nó sẽ là một trong những thiết bị được nhiều người sử dụng. Vấn đề là mình làm sao có chất lượng, giá thành rẻ thì người ta sẽ sử dụng nhiều…” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyên nói thêm.

Còn Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng nói về “đứa con tinh thần” của mình: “Đối với thiết bị này, tôi rất kỳ vọng được ứng dụng vào thực tế ở những nơi thiếu nước ngọt, những nơi thường xuyên bị nhiễm mặn mà có nhiều giờ nắng, để những hộ gia đình ở nơi đó đảm bảo có lượng nước sử dụng hàng ngày. Thay vì phải đi xa, đi mua với giá đắt, mình sẽ chủ động với nguồn nước… Từ thời sinh viên tôi cũng có suy nghĩ là làm sao có thể đem tặng thiết bị này cho các anh ở ngoài Hoàng Sa, Trường Sa…”

Việc tận dụng năng lượng mặt trời – nguồn tài nguyên vô tận để giải quyết nhu cầu thiếu nước sinh hoạt cho những vùng bị xâm nhập mặn hoặc thiếu nước ngọt vào mùa khô là rất cần thiết. Bằng tâm huyết  của mình, tin rằng trong tương lai không xa, kỳ vọng của Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng sẽ thành hiện thực, góp phần giải quyết khó khăn và thách thức về khai thác tài nguyên nước cho nhiều địa phương…

 


Trọng Nghĩa


1ac01250-06e4-4c7d-a92b-e80c6e67c757

Tiêu đề bài viết: Chưng cất nước mặn thành nước ngọt. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Trọng Nghĩa.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang