Tin hoạt động của Lãnh đạo Thành phố


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần Thơ tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam
Ngày đăng: 18/04/2023

Lượt xem:


Sáng 18/4, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Cùng dự và chủ trì hội nghị có: Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, phát biểu tại hội nghị.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của thành phố không ngừng được củng cố và mở rộng, cụ thể: Tuyến thành phố có Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố, Bệnh viện Đa khoa thành phố (có Khoa Y học cổ truyền), Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (có Bộ môn Y học cổ truyền). Ngoài ra, có 2 bệnh viện tuyến Trung ương có Khoa Đông y. Trung tâm y tế, Bệnh viện Quân dân y của 8/9 quận, huyện có Khoa hoặc Tổ Y học cổ truyền; các đơn vị này đều thực hiện khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Hội Đông y có hệ thống mạng lưới từ thành phố, quận, huyện và đều khắp ở 83/83 xã, phường, thị trấn với 99 tổ chức hội trực thuộc; các tổ chức hội quan tâm phát triển cây thuốc tại vườn, bảo tồn cây con có giá trị kinh tế, giá trị chữa bệnh, tốt cho sức khỏe, góp phần cùng ngành y tế thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại đạt nhiều kết quả quan trọng; trong giai đoạn 2008-2023, đã thực hiện khám, chữa bệnh cho gần 3 triệu lượt người dân bằng Đông y; tính đến năm 2023, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại đạt 9,3% đối với tuyến thành phố; tuyến huyện đạt 9,1% và 28,21% đối với tuyến xã, qua đó, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho Nhân dân toàn thành phố, đặc biệt đối với tuyến y tế cơ sở.

Về nguồn nhân lực Đông y của thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh từ tuyến thành phố đến tuyến xã. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Đông y được quan tâm; qua đó, đã kịp thời cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ở các tuyến, đặc biệt đào tạo đội ngũ y sĩ nhằm chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực cho tuyến xã.

Phát biểu kết luận tại hôi nghị, Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu trong Chỉ thị số 24-CT/TW và Thông báo Kết luận số 154-TB/TW của Ban Bí thư; các văn bản chỉ đạo của Trung ương có liên quan, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân; xác định chỉ tiêu phát triển đông y trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ hội viên Hội Đông y, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao hơn nữa y đức đối với cán bộ làm chuyên môn y học cổ truyền, nhất là các lương y có phòng chẩn trị tư nhân, đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng chuyên môn theo phương châm: “Giỏi về y lý - Tinh thông về y thuật - Trong sáng về đạo đức”; đồng thời, thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước ở từng cấp hội, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên địa bàn.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đông y, nhất là việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại cho các cơ sở y tế từ tuyến thành phố đến tuyến huyện và tuyến xã. Quan tâm bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở các Trạm y tế; củng cố hoạt động khoa y học cổ truyền tại các Bệnh viện đa khoa hoặc khoa y học cổ truyền lồng ghép tại các Trung tâm y tế. Quan tâm công tác phát triển dược liệu với mục tiêu phát huy nội lực, tăng thu hái, giảm thu mua, khuyến khích người dân trong việc trồng và sử dụng thuốc nam để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình; phát triển số vườn thuốc nam gia đình, củng cố vườn thuốc mẫu ở Trạm y tế; xây dựng chiến lược phát triển thuốc nam, nhất là các cây, con làm thuốc quý hiếm và có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế cũng như tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho hoạt động nuôi trồng các cây, con làm thuốc, chế biến dược liệu.

Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước; thực hiện tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Đồng thời, quan tâm công tác hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu và trao đổi chuyên gia về đông y.

Dịp này, có 10 tập thể và 15 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.


Phương Thảo


3bc5926f-da29-43bf-820f-98d454c04603

Tiêu đề bài viết: Cần Thơ tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Phương Thảo.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang