Tin hoạt động của Lãnh đạo Thành phố


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tạo điều kiện để hoàn thành các công trình trọng điểm
Ngày đăng: 02/05/2019

Lượt xem:


Ngày 2/5/2019, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống và Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Dũng cùng một số Sở ngành liên quan, đi kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, và kiểm tra điểm sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn.
Chủ tịch UBND TP/CT Võ Thành Thống (bìa phải) trao đổi với đơn vị Tư vấn thiết kế và đơn vị thi công tại công trình bờ kè

Dự án xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ khởi công ngày 11/10/2017, với qui mô 500 giường, đặt tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Dự án được tài trợ từ nguồn vốn ODA của Hungary, thể hiện qua Hiệp định giữa Chính phủ Hungary và Chính phủ Việt Nam, với tổng mức đầu tư trên 1.727 tỷ đồng (tương đương 70,5 triệu Euro). Trong đó phần vốn vay của Chính phủ Hungary là 56,9 triệu Euro, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách của TP Cần Thơ hơn 330 tỷ đồng (tương đương 13,5 triệu Euro).

Theo thiết kế, Bệnh viện Ung bướu mới có tổng diện tích sàn xây dựng 44.575m, gồm 4 khối nhà được xây dựng kết hợp giữa mô hình khách sạn và bệnh viện hiện đại. Dự án được kỳ vọng là bệnh viện chuyên khoa ung bướu khang trang, hiện đại nhất cả nước. Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2021, nhưng đến nay mới hoàn thành xây dựng nhà văn phòng, hoàn thành hạng mục xây lắp mặt bằng, công tác ép cọc nén tĩnh 10/10 tim cọc và hoàn thành thí nghiệm nén tĩnh 7/10 tim cọc.

Theo chủ đầu tư là Sở Y tế TP Cần Thơ, khó khăn khiến công trình chậm tiến độ do kế hoạch vốn ODA cho dự án vướng thủ tục nên kinh phí chưa được cấp. Đại diện Sở Y tế giải trình: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 cho các dự án, trong đó có dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Sau khi có được kế hoạch vốn ODA sẽ tiến hành giải ngân tạm ứng cho các đơn vị thi công là Liên danh nhà thầu EFC.

Được biết, nhu cầu vốn ODA năm 2019 của dự án Bệnh viện là 710 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ 324 tỷ cho năm 2019, số còn lại sẽ tiếp tục trình trong kỳ họp Quốc hội tiếp theo. Ngoài ra, đơn vị tư vấn đã đề nghị điều chỉnh mở rộng Khối nhà D (khu Xạ trị), để đủ diện tích lắp đặt các thiết bị; và nâng cao độ công trình lên 4.2 mới đảm bảo tính bền lâu và tránh được ngập úng. Kế hoạch điều chỉnh đã được thông qua Bộ Y tế và được Bộ Xây dựng duyệt, chuẩn bị trình UBND TP Cần Thơ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống chỉ đạo các Sở ngành hỗ trợ mọi thủ tục để nhanh chóng có kinh phí và đẩy nhanh tiến độ thi công. Để làm việc với Hải quan thuận lợi, các danh mục về trang thiết bị và vật liệu xây dựng phải được kiểm định chất lượng và thẩm định giá theo chuẩn quốc tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách thành phố cho Dự án: “Thành phố đề nghị Liên danh nhà thầu hoàn thành thí nghiệm nén tĩnh 3/10 tim cọc còn lại, để có cơ sở triển khai dự án và điều chỉnh thiết kế, đẩy nhanh tiến độ thi công khi nguồn vốn ODA hơn 300 tỷ đồng phân về”- Người đứng đầu UBND thành phố nhấn mạnh.

Công trình kè chống sạt lở khu vực Thới An có chiều dài 430m, kinh phí xây dựng trên 45,7 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của thành phố là 6 tỷ đồng, còn lại do Trung ương hỗ trợ. Công trình giới hạn từ rạch Vàm Điểm đến Vàm Thới An, với hạng mục tường kè, vỉa hè, cầu thang, đường giao thông sau kè, cấp thoát nước… Công trình dự kiến hoàn thành trước tháng 7/2019. Đây là công trình góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông Ô Môn, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống của người dân sinh sống ven sông, kết hợp chỉnh trang đô thị của Cần Thơ.

Khoảng hơn 3g00 sáng ngày 24/4/2019, xảy ra sạt lở bờ sông tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, gần khu vực đang thi công, khiến 11 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 5 căn nhà bị sập xuống sông hoàn toàn. Khu vực sạt lở có chiều dài hơn 60m, ăn sâu vào bờ khoảng 5m, ngoài sạt lở nhà, còn làm 1 trụ điện cao thế rơi xuống sông. Ngay sau vụ sạt lở, phía điện lực TP Cần Thơ đã cắt điện và tiến hành di dời trụ điện.

Đây là khu vực từng xảy ra sạt lở vào giữa tháng 5/2018. Đoạn bị sạt lở gần vị trí vừa được đơn vị thi công là Công ty cổ phần tập đoàn Phú Tài Miền Trung đóng 61 cọc bê tông, chuẩn bị đổ bê tông làm kè. Sạt lở đã khiến 49 cọc bị ảnh hưởng. Từ khi xảy ra sự cố, việc thi công tạm dừng.

Đoàn kiểm tra đã đến kiểm tra khu vực sạt lở và các hạng mục bờ kè đã thi công. Tại buổi làm việc sau đó tại UBND quận Ô Môn, Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam (Phụ trách Tổ tư vấn thiết kế) cho biết: Qua khảo sát, nguyên nhân sạt lở là do ảnh hưởng những vết nứt của điểm sạt lở cũ (tháng 5/2018), thời điểm sạt lở chỉ cách đợt sạt lở trước 1 năm. Địa chất vùng cửa sông Ô Môn rất phức tạp, có túi bùn nằm ở độ sâu từ 12m đến 22m. Khi xảy ra sạc lở, vận tốc dòng chảy tăng so với trước.

Về giải pháp, TS Nghĩa Hùng cho biết: Về mặt thi công, phải hoàn thiện theo đúng quy trình đề ra đối với công đoạn cho bao tải cát xuống lòng sông, sát bờ kè để chống sạt lở. Luôn theo dõi diễn biến, những vết nứt và lượng mưa, dòng chảy để kịp thời ứng phó. Về mặt công trình: Cần đảm bảo ổn định nền qua túi bùn bằng cách kéo dài cọc bê tông thành 30m (trước đây 23m). Tăng diện tích tiếp xúc mặt đáy (tăng bản đáy phản áp) để bảo vệ, chống xói lở. Kinh phí sẽ tăng thêm 8 tỷ đồng.

Lãnh đạo thành phố và các Sở ngành cơ bản thống nhất với phương án trên. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng: Việc sạt lở là dịp để đơn vị tư vấn thiết kế và bên thi công thấy được hạn chế của nền đất và có giải pháp kỹ thuật hiệu quả trong xây dựng công trình; có thêm kinh nghiệm khi thực hiện các công trình tương tự. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đơn vị tư vấn cân nhắc và khảo sát kỹ hơn nguyên nhân và biện pháp khắc phục, nghiên cứu kỹ việc thi công bờ kè có làm ảnh hưởng, khiến bờ sông sạt lở không? Cố gắng hoàn thành phần kè thi công dưới mặt nước đúng kế hoạch. Các Sở ngành phải tích cực hỗ trợ chủ đầu tư công trình, đặc biệt là phê duyệt các hồ sơ, thủ tục…Đối với 11 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, có 9 hộ được hỗ trợ kinh phí di dời, và bố trí trong khu tái định cư, còn 2 hộ muốn ở lại nhà cũ. Địa phương và chủ đầu tư cố gắng thuyết phục để họ di dời vì chỗ ở không an toàn.

TS Nguyễn Nghĩa Hùng tiếp thu ý kiến chỉ đạo và cam kết: Trong khoảng 10 ngày, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục khảo sát và hoàn chỉnh hồ sơ để điều chỉnh dự án theo quy định. Trong thời gian này, việc khảo sát sẽ ứng dụng công nghệ siêu âm trong đất để phát hiện các dị tật trong các lớp địa tầng, nhằm khảo sát thêm và đánh giá lại toàn bộ nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, có giải pháp hiệu quả để khắc phục. Sau đó việc đóng cọc bê tông sẽ kéo dài 50 ngày, vừa thi công vừa theo dõi nền địa chất.

Đến nay công trình kè sông khu vực Thới An đã hoàn thành phần đóng cọc bê tông và đổ bản đáy tường kè được 335m, đạt khoảng 60% tổng khối lượng. Ông Nguyễn Hải Lam, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung, kiến nghị: “Chủ đầu tư và đơn vị Tư vấn thiết kế cần tổ chức kiểm tra, khảo sát đánh giá địa chất trên toàn tuyến của công trình, vì tình trạng sạt lở bờ sông này là dấu hiệu bất ổn địa chất. Phải có biện pháp thi công phù hợp địa chất thì công trình mới đảm bảo bền vững. Chúng tôi cam kết: Sau khi bản thiết kế hoàn chỉnh, đơn vị sẽ đẩy mạnh tiến độ, hoàn thành toàn bộ phần thi công dưới mặt nước trước tháng 7/2019, vì nếu không kịp, khi lũ tới vào tháng 9, công trình sẽ chậm tiến độ 1 năm nữa”.


Đan Phượng


a46178b1-2c14-4f97-b93b-ab3f75920bfc

Tiêu đề bài viết: Tạo điều kiện để hoàn thành các công trình trọng điểm. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Đan Phượng.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang