Tham dự có ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Đỗ Văn Phớn, Phó Trưởng ban - Ban Dân vận Trung ương; ông Hồ An Phong, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch; ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; đại diện các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, cùng đông đảo khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương.
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay thu hút sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 30 đơn vị/đoàn nghệ thuật cùng với 34 vở diễn với nhiều đề tài phong phú, đa dạng. Đây là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và các lãnh đạo tại các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp với nền nghệ thuật truyền thống nước nhà. Sự kiện cũng là cơ hội cho anh chị em nghệ sĩ yêu nghề được thể hiện, cống hiến; không chỉ là những gương mặt gạo cội, mà còn là lớp diễn viên trẻ, sẽ mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương. Từ đó, góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu này.
Ông Hồ An Phong, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, phát biểu tại liên hoan.
Phát biểu khai mạc liên hoan, ông Hồ An Phong - Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch - cho biết, sân khấu cải lương đã được hình thành và phát triển hơn 100 năm qua và được coi là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc. Việc kế thừa những tinh hoa nghệ thuật truyền thống ấy để sáng tạo nên những giá trị mới, góp phần bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc của sân khấu cải lương được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nghệ thuật biểu diễn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và ông Hồ An Phong, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, tặng hoa Ban Giám khảo liên hoan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - cũng khẳng định, cải lương đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ, cũng như người dân cả nước. Cùng với các tỉnh, thành phố, Cần Thơ được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương Nam Bộ; là quê hương của nhiều soạn giả, nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, người được suy tôn là Hậu Tổ nghệ thuật cải lương Nam Bộ, ông đã để lại kho tàng tác phẩm có giá trị nghệ thuật như: Tuồng “Phụng Nghi Đình”, “Giọt máu chung tình”, “Hoa Mộc Lan tòng quân”…
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ và NSND Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng quà cho các đơn vị nghệ thuật tham dự liên hoan.
“Liên hoan lần này cũng là dịp để thành phố Cần Thơ giới thiệu, quảng bá, những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Cần Thơ; những di tích lịch sử - văn hóa, những công trình kiến trúc tiêu biểu, những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như: Đền thờ Vua Hùng, Nhà cổ Bình Thủy, Đình Bình Thủy, Khu tưởng niệm Cố soạn giả Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền, Chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều… đến với các tỉnh, thành trong cả nước”, ông Nguyễn Thực Hiện cho biết thêm.
Biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc liên hoan.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Liên hoan, ông Hồ An Phong đề nghị các nghệ sĩ có uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương của Hội đồng nghệ thuật sẽ làm việc công tâm, khách quan để lựa chọn ra những tác phẩm, nghệ sĩ, diễn viên xứng đáng trong Liên hoan để trao những giải thưởng cao quý.
Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch kỳ vọng bằng sức lao động, sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, diễn viên trong từng vở diễn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương tại thành phố Cần Thơ.
Cảnh soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền lập gánh Tập Ích Ban được tái hiện trong vở cải lương “Chất ngọc Cầm Thi Giang” tại liên hoan.
Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 diễn ra đến ngày 15/11/2024.
Thanh Xuân