Thông tin hoạt động của Sở ngành


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày đăng: 29/11/2020

Lượt xem:


Ngày 26/11, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND và đại diện các Sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu về nội dung chính của quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050, để từ đó giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện quy hoạch trước khi xin ý kiến chính thức bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL, báo cáo trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2020.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, vùng ĐBSCL là vùng lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Vùng ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biệu tại Hội nghị

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng, GDP bình quân đầu người của vùng ĐBSCL vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước; đồng thời, vùng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Dự thảo Quy hoạch cần được tham vấn sâu, toàn diện về mặt khoa học, thực tiễn, hội tụ sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương trong vùng, các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm chính trị của cả Trung ương và đảng bộ, chính quyền địa phương.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường” mà trọng tâm với 5 điểm nhấn chính.

Thứ nhất, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.

Thứ hai, quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa sản lượng và chất lượng, giá trị nông sản, đồng thời hài hoà với điều kiện tự nhiên môi trường. Quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch theo thế mạnh, tiềm năng và đặc thù của vùng ĐBSCL như tiềm năng về văn hoá xã hội, cảnh quan môi trường.

Thứ ba, xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết hợp với các trung tâm đầu mối; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng.

Thứ tư, tập trung phát triển hạ tầng để đi trước một bước nhằm tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng ĐBSCL. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ năm, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường vùng ĐBSCL.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các địa phương đã trình bày các tham luận về thực trạng sinh thái, môi trường của vùng ĐBSCL và các khuyến nghị; định hướng chiến lược về phát triển vùng ĐBSCL; định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL;… Đồng thời, Hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung lớn có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng ĐBSCL như nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo; các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của vùng ĐBSCL, quan điểm phát triển của Nghị quyết số 120/NQ-CP và tính thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Có thể nói, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ là công cụ để định hướng cho các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giúp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác; điều phối liên kết vùng ĐBSCL, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng dùng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, quy hoạch này cũng là kênh cung cấp những thông tin định hướng phát triển của vùng ĐBSCL tới tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân địa phương để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn vùng.


Kim Xuyến - Thùy Trang


2ee1f901-e8ca-41b9-9eb3-f12f6500b922

Tiêu đề bài viết: Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Kim Xuyến - Thùy Trang.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang