Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử
Ngày đăng: 08/01/2021

Lượt xem:


Sáng ngày 8/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ các kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số” với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản để cùng nghiên cứu ứng dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Takio Yamada đồng chủ trì hội thảo.

Đây cũng là hội thảo lần thứ 3 giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển Chính phủ điện tử và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong triển khai Chính phủ điện tử. Trước đó, ngày 7/8/2019 tại Tokyo, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và Văn phòng Nội các Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, năm 2020 đã qua với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng không loại trừ trường hợp ngoại lệ. Tại Việt Nam, một trong những giải pháp thật sự có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đó là giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế; đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hướng đến nền kinh tế số và xã hội số.

Theo ông Mai Tiến Dũng, đây là giải pháp rất quan trọng để thực hiện vấn đề giãn cách xã hội trong việc phòng chống dịch Covid, nhất là trong thời điểm năm 2020 Việt Nam thực hiện rất mạnh mẽ vấn đề Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Cụ thể đã xây dựng, vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng quan trọng của Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Trung tâm báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia… đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính hướng tới người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo Văn phòng UBND TP. Cần Thơ và các Sở, ngành có liên quan theo dõi hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu tại Nhật bản và các điểm cầu địa phương tại Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe và trao đổi với chuyên gia Nhật Bản về những kinh nghiệm và chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển Chính phủ điện tử; những kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản, cũng như việc xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản. Đại sứ Takio Yamada cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thông qua các hoạt động hợp tác hỗ trợ để đóng góp vào quá trình cải cách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Từ các chính sách và kinh nghiệm của Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với tình hình thực tế của các Bộ, cơ quan, địa phương mình.

Theo ông Dũng, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

Trên cơ sở đó, ông Dũng đề nghị phát huy vai trò của người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và người đứng đầu phải gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai chất lượng công việc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, trong đó tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh; triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tin tưởng với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản.


Thanh Xuân


5defc896-922d-4616-814e-cda26526e5e0

Tiêu đề bài viết: Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang