Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu chiến lược tiếp cận “8G” để phát triển ĐBSCL
Ngày đăng: 13/03/2021

Lượt xem:


Sáng ngày 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Hội nghị với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, chuyên gia, các địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều tổ chức quốc tế nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (gọi tắt là Nghị quyết 120); nhận diện các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; xác định rõ các nhiệm vụ ưu tiên, giải pháp và nguồn lực để đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả và thực chất trong thời gian tới.

Thúc đẩy phát triển bền vững và thịnh vượng vùng ĐBSCL

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

Theo Phó Thủ tướng, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.

“Hội nghị quan trọng này sẽ tiếp tục thúc đẩy hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế để các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể được triển khai hiệu quả, nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng vùng ĐBSCL", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết dù thời gian thực hiện chưa dài nhưng đã đạt được một số kết quả rất quan trọng, thiết lập được những nền tảng để ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng.

Theo Bí Thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, Nghị quyết 120 ra đời là bước đột phá lớn, kim chỉ nam cho sự phát triển của ĐBSCL. Theo ông Mạnh, thời gian qua, TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ban, ngành Trung ương và các địa phương quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2020, tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp. Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác một cách thực chất với các địa phương khác để phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của vùng. Riêng TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, chương trình nông thôn mới đã tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, trong nhân dân, trở thành phong trào sôi nổi. Cùng với đó, TP chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung các nguồn lực, kể cả các vốn vay ODA để đầu tư các công trình, dự án nâng cấp đô thị, điều tiết nước, nâng cấp hệ thống kè sông, kênh rạch...

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương cùng nhiều ý kiến phát biểu trách nhiệm, đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá khách quan những việc đã làm được, chưa làm được để phát triển ĐBSCL.

Khởi xướng tổ chức “Đối thoại 2045” về ĐBSCL

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ĐBSCL là một phần máu thịt Tổ quốc của Việt Nam, có vị trí chiến lược. Thủ tướng nhắc đến ĐBSCL với vai trò trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65 % sản lượng nuôi trồng thủy sản… Đối với thế giới, đánh giá của WB cho thấy, ĐBSCL là vựa lúa chín chiếm khoảng 20% trong lượng gạo thương mại toàn cầu và chính miền Tây đã góp phần đảm bảo lương thực ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.

Quang cảnh hội nghị

Thủ tướng cho biết, cách đây một tuần Chính phủ đã tổ chức “Đối thoại 2045” nhằm tìm kiếm giải pháp và chính sách đột phá để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045. Theo chương trình nghị sự, sẽ có ít nhất một cuộc “Đối thoại 2045” như vậy được tổ chức ở vùng đất Chín Rồng để tìm kiếm những giải pháp đột phá hơn nữa, đưa khu vực này đi lên, không chỉ sánh vai cùng cả nước mà còn đóng góp quan trọng trên con đường phát triển thịnh vượng. Trong chiến lược ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng tài lực, vật lực là quan trọng nhưng quyết định nhất vẫn là nhân lực, là con người, là chất xám, trí tuệ và cả cảm xúc và lòng dũng cảm.

Thủ tướng khởi xướng tới đây ĐBSCL sẽ tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại 2045” nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đã, đang đầu tư vào vùng đất Chín Rồng để tìm giải pháp cho người dân ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững hơn nữa; đồng thời giao cho Đại học Cần Thơ chủ trì Đối thoại 2045 của ĐBSCL.

Nêu rõ sự thành công được quyết định bằng những hành động cụ thể của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương sau hội nghị lần hôm nay, Thủ tướng cho rằng cần phải có quan điểm chiến lược tiếp cận mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết 120, đồng thời đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với sự phát triển vùng ĐBSCL với 8 nội dung có các từ khóa đều bắt đầu bằng chữ “G”.

Theo Thủ tướng, chữ “G” đầu tiên là “Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.

Chữ “G” thứ 2 là “Giáo”. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”.

Chữ “G” thứ 3 là “Giang” (sông). Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công. Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây. Thủ tướng cho rằng vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong Nghị quyết 120 và đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”.

Chữ “G” thứ 4 là “Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.

Chữ “G” thứ 5 là  “Giàu”. Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.

Chữ “G” thứ 6 là  “Giỏi”. Đó là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này.

Chữ “G” thứ 7 là  “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế.

Chữ “G” thứ 8 là “Giới”, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.

Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, là thích ứng theo tinh thần Nghị quyết 120, tuy nhiên Thủ tướng cho rằng nội hàm của nó không phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa, bởi biến đổi khí hậu không phải là do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người. Do đó, cần phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp.


Thanh Xuân


b22d7f53-5c06-4666-b0c4-1d416581a435

Tiêu đề bài viết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu chiến lược tiếp cận “8G” để phát triển ĐBSCL. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang