Mục đích của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm và thúc đẩy hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề cao vai trò và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc chấp hành và thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc thông tin kịp thời về các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao; công khai các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng cần phát huy vai trò giám sát, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực phòng ngừa và chủ động xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn.
Chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 là: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.”
Thời gian thực hiện theo Kế hoạch số 337/KH-BCĐTƯATTP ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Nội dung hoạt động gồm: tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động”; triển khai các chuyên đề tuyên truyền về an toàn thực phẩm; thực hiện kiểm tra liên ngành tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm.
Các khẩu hiệu tuyên truyền như: “Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025”; “Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm”; “Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ nghiêm quy định về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị”; “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng chuyên canh an toàn thực phẩm”; “Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản”; “Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc là bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”; “Ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên để phòng ngừa ngộ độc”; “Phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi người dân.”
UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện triển khai thực hiện Kế hoạch hưởng ứng “Tháng hành động” năm 2025; đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú. Sở Y tế cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao; tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, quảng cáo, nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm,… Xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; phổ biến các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phương Thảo