Địa phương


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nghiên cứu triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày đăng: 07/05/2025

Lượt xem:


Ngày 05/5/2025, UBND thành phố ban hành Công văn số 2008/UBND-XDĐT yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, triển khai thực hiện Công văn số 2748/BXD-KTQLXD ngày 28/4/2025 của Bộ Xây dựng về việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định nghiên cứu kỹ nội dung hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại công văn trên, nhằm triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Đồng thời, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tham mưu đề xuất trình cấp thẩm quyền xem xét, hướng dẫn thực hiện theo quy định.

Trước đó, ngày 28/4/2025, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 2748/BXD-KTQLXD, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm hướng dẫn các địa phương về giải pháp xử lý nền đất yếu, sử dụng kết cấu nền, mặt đường để thúc đẩy tiến độ thi công các dự án giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các giải pháp kỹ thuật bao gồm:

Một số giải pháp xử lý nền đất yếu mang lại hiệu quả sau:

Sàn giảm tải: Thi công nhanh, có thể đắp nền và thi công móng mặt đường ngay do không cần thời gian chờ lún, không bị lún trong giai đoạn khai thác phù hợp với khu vực đường đầu cầu, tuy nhiên giá thành khá cao so với các giải pháp khác.

Trụ đất gia cố xi măng: Ưu điểm tương tự như giải pháp sàn giảm tải, áp dụng cho các khu vực có tầng đất yếu không quá lớn.

Thoát nước thẳng đứng (bấc thấm, giếng cát kết hợp gia tải): Giá thành rẻ hơn so với các giải pháp sàn giảm tải, trụ đất gia cố xi măng, hút chân không; nhược điểm là thời gian chờ lún kéo dài (từ 8-12 tháng).

Hút chân không: Do thoát nước cưỡng bức nên thời gian lún cố kết giảm đáng kể so với giải pháp thoát nước thẳng đứng (thường từ 3-4 tháng) nhưng chi phí cao hơn. Ngoài lún trong phạm vi nền đường còn gây lún cả phạm vi lân cận, do vậy, cần khảo sát kỹ điều kiện địa hình, địa chất khu vực thi công để quyết định lựa chọn giải pháp này, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và các công trình lân cận.

Đào thay đất kết hợp đóng cọc tre, cừ tràm: Chỉ phù hợp với khu vực có tầng đất yếu mỏng và nằm ở phía trên.

Đối với vật liệu gia tải: Tuỳ thuộc theo điều kiện cung ứng vật liệu trong khu vực, có thể sử dụng vật liệu sẵn có như cát, đất hoặc đá để gia tải; đây chỉ là giải pháp tổ chức thi công, không phải là các giải pháp điều chỉnh thiết kế.

So sánh các giải pháp thiết kế nền, móng mặt đường với các ưu nhược điểm sau:

Kết cấu mặt đường đối với đường cao tốc đang triển khai hiện nay trong khu vực, kết cấu mặt đường thường sử dụng 2 lớp bê tông nhựa (C16, C19), 01 lớp hỗn hợp nhựa bán rỗng 25 (kể cả lớp tạo nhám nếu có); lớp móng sử dụng lớp móng gia cố (cấp phối đá dăm gia cố xi măng) hoặc không gia cố (cấp phối đá dăm); nền đường sử dụng nền gia cố (cát gia cố xi măng) hoặc không gia cố (cát đắp).

Đối với kết cấu nền, móng đường sử dụng vật liệu gia cố: Tăng khả năng chịu lực, cường độ và tuổi thọ công trình, giảm chiều dày lớp áo đường, nhưng cần thời gian chờ để hình thành cường độ.

Đối với kết cấu nền, móng đường sử dụng vật liệu không gia cố: Chiều dày tầng móng mặt đường lớn, sử dụng nhiều vật liệu đá hơn, nhưng có thể triển khai thi công ngay các lớp kết cấu, các thiết bị máy móc có thể lưu thông trong quá trình thi công, rút ngắn được thời gian thi công.

Về các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức áp dụng: Hiện nay, toàn bộ công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu hạng mục xử lý nền đất yếu, nền, móng mặt đường đều đã được ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đủ điều kiện triển khai thực hiện.

Đề xuất điều chỉnh các giải pháp:

Về điều chỉnh sử dụng vật liệu gia tải bằng cấp phối đá dăm thay cho cát đắp: Đây không phải là các giải pháp điều chỉnh thiết kế, chỉ là biện pháp thi công do nhà thầu chủ động đề xuất, chủ đầu tư xem xét trước khi thực hiện.

Về điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu và kết cấu nền, móng mặt đường:

Việc điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu, kết cấu nền, móng đường thuộc trường hợp điều chỉnh giải pháp thiết kế để phù hợp với thực tế, đảm bảo tiến độ dự án nhưng không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư, thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh thuộc chủ đầu tư. Sau khi quyết định việc điều chỉnh, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh, trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định. Chủ đầu tư được lựa chọn cơ quan chuyên về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành hoặc thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện thẩm định thiết kế điều chỉnh (do các dự án cao tốc đều là công trình cấp I).

Việc điều chỉnh giải pháp thiết kế dẫn đến điều chỉnh dự toán; thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán thuộc chủ đầu tư; trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán dẫn đến vượt dự toán được phê duyệt nhưng không vượt Tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư trước khi phê duyệt; trường hợp điều chỉnh dẫn đến vượt Tổng mức đầu tư, chủ đầu tư báo cáo cấp quyết định đầu tự hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi thực hiện.

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư căn cứ vào khả năng cung ứng vật liệu xây dựng, điều kiện địa hình, địa chất khu vực, tiến độ hoàn thành dự án, nguồn kinh phí của dự án, Chủ đầu tư nghiên cứu, quyết định các giải pháp thiết kế phù hợp cho từng phạm vi, từng đoạn tuyến thuộc dự án, đáp ứng tiến độ, chất lượng công trình.


Tấn Thuận


b5848f1e-1eee-4fb5-9143-e766bc5cfe1c

Tiêu đề bài viết: Nghiên cứu triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Tấn Thuận.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang