Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân ứng phó dịch bệnh Covid-19
Ngày đăng: 14/05/2021

Lượt xem:


Ngày 13/5, phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị có liên quan về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh do COVID-19 trên địa bàn TP, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch ứng phó đảm bảo chủ động nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân trên địa bàn theo cấp độ ảnh hưởng của dịch bệnh; chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và đẩy giá lên cao bất hợp lý.
Hiện nay, nguồn cung rất dồi dào tại các siêu thị trên địa bàn TP

Hiện nay, trên địa bàn TP có 105 chợ truyền thống, trong đó có 5 chợ hạng I, 13 chợ hạng II và 87 chợ hạng III tập trung nhiều tại các quận trung tâm của thành phố; có 11 siêu thị phân bố trên địa bàn các quận và khoảng 137 cửa hàng thuộc công ty, tập đoàn Vinmart+, Cao Cấp, Satrafood, Bách hóa Xanh, Circle K… Đây là các loại hình thương mại hiện đại đang được quan tâm và ngày càng phát triển rộng rãi, phân bố khắp trên địa bàn các quận, huyện, góp phần phân phối lượng lớn sản phẩm nông sản đến người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương Hà Vũ Sơn đã thông qua dự thảo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

Kế hoạch hướng đến việc cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu (gạo, thịt, trứng, thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc,...) phục vụ tiêu dùng tối thiểu cho người dân khi xảy ra dịch Covid-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giúp các đơn vị sản xuất và kinh doanh chủ động dự trữ nguồn hàng hóa, đảm bảo số lượng, chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng hàng hóa kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân; kịp thời đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho người dân khu vực bị cách ly do dịch bệnh.

Theo Sở Công thương, kế hoạch dự trữ hàng của nhóm lương thực, thực phẩm có 11 doanh nghiệp, với tổng giá trị hàng dự trữ khoảng hơn 553 tỷ đồng. Nhóm hàng phục vụ công tác phòng chống dịch có 9 doanh nghiệp với 24.138 chiếc khẩu trang,  22.690 lít nước sát khuẩn và 237.980 cuộn giấy vệ sinh. Nhóm nhiên liệu có 4 doanh nghiệp với khoảng 169 triệu lít xăng, dầu diezen và dầu hỏa.

Cũng tại cuộc họp, đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đều khẳng định đến thời điểm này, các siêu thị, cửa hàng đều đã xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân nếu xảy ra dịch bệnh và có khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Bà Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Co.op Mart Cần Thơ cho biết, tổng lượng hàng dự trữ trong kho của Co.op Mart Cần Thơ hơn 22 tỉ đồng, chưa kể kho tổng trung tâm phân phối miền Tây của Co.op Mart cũng có dự trữ hàng này. Bên cạnh đó, bà Kim Cương cũng thông tin trong trường hợp cần thiết các bếp ăn của Co.op Mart Cần Thơ có thể phục vụ từ 1.000 - 1.500 suất ăn mỗi ngày. Nếu như tính giá siêu thị đưa ra thì siêu thị chỉ tính huề vốn chứ không lấy lời.

Trong khi đó, đại diện siêu thi Go! Cần Thơ cho biết, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, siêu thi Go! Cần Thơ luôn luôn chủ động dự trữ nguồn hàng hóa trong kho để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài ra, siêu thi Go! Cần Thơ cũng triển khai rất nhiều hình thức bán hàng online để có thể đưa hàng hóa đến tận nhà cho người dân, hạn chế ra ngoài.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Hồng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng nói dù hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn ổn nhưng không được chủ quan mà phải chuẩn bị tình huống giả định có dịch xảy ra để chuẩn bị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Công Thương rà soát các kế hoạch và phương án trước khi ban hành để gửi các đơn vị, cơ quan có liên quan triển khai thực hiện, đồng thời là cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ doanh nghiệp, siêu thị điều tiết hàng hóa khi có dịch xảy ra; kiểm tra, giám sát giá cả, việc tích trữ hàng hóa, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.

Cục Quản lý thị trường chủ động nắm thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; kịp thời phối hợp, trao đổi thông tin, báo cáo và tham mưu UBND thành phố triển khai các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hành giả, kiểm soát thịn trường trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở Công Thương và UBND quận, huyện để hướng dẫn công tác thực hiện vận chuyển và phân phối hàng hóa theo đúng quy định về đảm bảo an toàn và phòng dịch của Bộ Y tế; chỉ đạo lực lượng y tế địa phương phối hợp thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn trực tiếp hoạt động tiếp nhận hàng hóa và phân phối hàng hóa đến các hộ dân trong khu vực cách ly. Công an thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực cách ly; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường điều tra, xử lý các đối tượng tung tin đồn không đúng sự thật, gây hoang mang cho người dân, tạo bất ổn xã hội.

Bên cạnh đó, ông Hồng cũng đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch ứng phó đảm bảo chủ động nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân trên địa bàn theo cấp độ ảnh hưởng của dịch bệnh; chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đầu cơ, găm hàng và đẩy giá lên cao bất hợp lý. Cùng với đó, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc tình hình thị trường, nhu cầu của người dân và có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tổ chức bán hàng sẵn sàng phục vụ nhân dân trong mùa dịch bệnh; có phương án bố trí về con người, các đội tình nguyện và phương tiện để sẵn sàng điều phối vận chuyển hàng hóa phục vụ  nhân dân khi trên địa bàn có khu vực bị cách ly.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được yêu cầu xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn hàng hóa dự trữ và sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn khi có dịch bệnh xảy ra theo các cấp độ. Mặt khác, đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến, kinh doanh online để hạn chế tập trung đông người, có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng các phương thức thanh toán, hạn chế dùng tiền mặt; tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh xuyên suốt, liên tục; có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa kịp thời tại các điểm bán để phục vụ nhân dân. “Trong trường hợp cần thiết xây dựng phương án điều tiết lượng hàng hóa bán ra đối với từng người để đảm bảo phục vụ được nhiều người tiêu dùng nhất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá tại các điểm bán”, ông Hồng nhấn mạnh.


Nguyên Trang


1385d06c-afed-41d3-8851-6518f4dfc86b

Tiêu đề bài viết: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân ứng phó dịch bệnh Covid-19 . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguyên Trang.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang