Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở NNMT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP theo đúng hướng dẫn của Bộ NNMT.
Bộ NNMT cho biết, đến nay cả nước có 16.855 sản phẩm OCOP từ 9.084 chủ thể, đạt từ 3 sao trở lên, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển nông thôn và xây dựng thương hiệu địa phương. Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, từng bước được người dân tín nhiệm, lựa chọn tiêu dùng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ngày 22/6/2025 và Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025, Bộ NNMT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:
Khẩn trương kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong quá trình tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cần quan tâm, lưu ý đến các yêu cầu về: Vùng nguyên liệu, xuất xứ sản phẩm; điều kiện, chứng nhận an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến; mẫu mã, bao bì sản phẩm; thời hạn sử dụng; công bố chất lượng; sở hữu trí tuệ và công tác bảo vệ môi trường theo quy định.
Quan tâm đến việc ổn định đội ngũ cán bộ, bộ máy quản lý, triển khai Chương trình OCOP các cấp theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp tục phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực và mở rộng thị trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể OCOP về đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu địa phương, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, phân hạng.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận, đặc biệt là gắn với vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm, quản lý thị trường và cơ quan quản lý về Chương trình OCOP. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, chế biến của các chủ thể OCOP, đặc biệt là về an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu và bảo vệ môi trường. Kiên quyết thu hồi sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm so với quy định, đồng thời thông tin rộng rãi đến các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về các sản phẩm này. Chủ động trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là phản ánh từ cộng đồng, người tiêu dùng, cơ quan báo chí,... để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền (nếu có) hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tấn Thuận