Tin hoạt động của Lãnh đạo Thành phố


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho phương tiện thủy gia dụng
Ngày đăng: 19/11/2020

Lượt xem:


Chiều ngày 18/11, tại TP Cần Thơ, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Ban ATGT TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho phương tiện thủy gia dụng. Tham dự Hội nghị có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Ban ATGT các tỉnh, thành trong cả nước.
Hội nghị là cơ hội, diễn đàn để Ban ATGT các tỉnh, thành và các đơn vị có điều kiện trao đổi, tiếp thu nhiều thông tin bổ ích.

Tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa thời gian qua đã đạt được những kết quả rõ rệt; trật tự, kỷ cương của hoạt động giao thông vận tải thủy được thiết lập, ổn định. Các tuyến luồng giao thông thông thoáng, ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa vẫn còn nhiều bất cập, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT. Theo đó, trong 10 tháng năm 2020, trên các tuyến đường thủy nội địa xảy ra 52 vụ tai nạn, làm chết 41 người, làm bị thương 5 người, so với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ (tăng 4%), tăng 20 người chết (tăng 95,24%), giảm 2 người bị thương (-28,57%).

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, trên cả nước đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông (chiếm 31,6% tổng số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 26 người, bị thương 2 người) có liên quan đến phương tiện gia dụng không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ với tổng công suất máy đến 15CV, phương tiện có sức chở đến 12 người. Điều này cho thấy các vụ tai nạn liên quan đến các phương tiện trên chiếm tỉ lệ lớn trong phần tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Điển hình là 4 vụ lật thuyền xảy ra ở Quảng Nam, Bến Tre và Thừa Thiên - Huế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 18 người chết.

Theo ông Hùng, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố chủ quan, đó là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc tránh, vượt, không nhường đường, chở quá tải, đi không đúng luồng tuyến, đặc biệt là tình trạng chở quá số người quy định nên khi gặp điều kiện bất lợi sẽ gây mất cân bằng và đắm tàu thuyền cao,...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Hội nghị là dịp để thảo luận, trao đổi và đề xuất với cơ quan Trung ương để hoàn thiện cơ sở pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa nói chung và bảo đảm trật tự ATGT cho phương tiện thủy gia dụng nói riêng. Đây là cơ hội, là diễn đàn để Ban ATGT các tỉnh, thành và các đơn vị có điều kiện trao đổi, tiếp thu nhiều thông tin bổ ích và là cơ hội để các đại biểu trình bày ý tưởng, đề xuất những giải pháp mang tính thực tế, phù hợp với thực tiễn tại đơn vị của mình. Ông Trường tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác quản lý, khai thác và đảm bảo trật tự ATGT đối với các phương tiện thủy gia dụng, thô sơ sẽ được an toàn hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 – 10% trên cả 03 tiêu chí do Quốc hội và Chính phủ đã giao.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với phương tiện thủy gia dụng góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên đường thủy nội địa, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia lưu ý trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa; thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền gắn với địa phương từ cấp cơ sở nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất.

Ông Hùng cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, phân loại phương tiện thủy nội địa trên địa bàn (kể cả phương tiện thô sơ) để thuận tiện trong công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, đồng thời, ban hành quy định về tổ chức quản lý đối với phương tiện thủy không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực, phương tiện có sức chở đến 12 người đủ điều kiện an toàn theo quy định.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa nói chung và các hành vi vi phạm khi đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đường thủy nội địa đối với phương tiện gia dụng; khẩn trương rà soát, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến hoạt động không phép, hết hạn giấy phép hoạt động, nhất là các bến có hoạt động đón trả khách.


Thùy Trang


7eeeee2f-0011-485d-bf7a-2c1cdcf3a3ce

Tiêu đề bài viết: Tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho phương tiện thủy gia dụng. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thùy Trang.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang