Thông tin hoạt động của Sở ngành


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần Thơ: đã phát triển được 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ngày đăng: 03/11/2020

Lượt xem:


Ngày 3/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố - phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo Sở NN-PTNT thành phố, đến nay thành phố đã có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí quy định của Bộ NN-PTNT.

Với định hướng phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố đã định hướng phát triển 6 vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực của thành phố, phát triển theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, bao gồm: xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn; xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị; phát triển vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái; phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học; phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, để liên kết sản xuất hiệu quả theo chuỗi giá trị gắn với phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ, thành phố đã xây dựng thành công 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 239 sản phẩm nông lâm thủy sản và hỗ trợ ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát toàn bộ quá trình của chuỗi sản phẩm từ sản xuất ban đầu đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã tích cực thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết giữa sản xuất - kinh doanh tạo đầu ra, mở rộng thị trường cho các sản phẩm trong chuỗi.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Cần Thơ, hiện thành phố đã phát triển được 183 mô hình mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, thành phố mở rộng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" thành phong trào “Cánh đồng mẫu lớn” và “Cánh đồng lúa sạch”, với diện tích trên 30.000 ha/vụ. Việc áp dụng mô hình sản xuất tập trung đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả “liên kết bốn nhà”, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân. Trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã hình thành 10.000 ha lúa sạch, 100 ha lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 336 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một số quận, huyện đã quan tâm xây dựng các vườn cây ăn trái kiểu mẫu kết hợp phát triển du lịch sinh thái; hiện có 15 hợp tác xã/tổ hợp tác trồng cây ăn trái tại các quận, huyện Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Cờ Đỏ, Phong Điền đạt chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích gần 277ha. Lĩnh vực chăn nuôi cũng được chú trọng tái cấu trúc theo phương thức an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Thành phố cũng quan tâm xây dựng hệ thống sản xuất các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao; tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất để phát triển đúng theo quy hoạch…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở NN-PTNT thành phố cũng nêu một số khó khăn như: chi phí đầu tư cao, nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện kinh tế để ứng dụng công nghệ cao trong việc cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hoạt động liên kết sản xuất, nhất là giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố…

Để đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, tại hội nghị ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố - đề nghị ngành NN-PTNT thành phố và các sở, ngành có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân trong thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư và tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chuyên ngành, các viện nghiên cứu, cán bộ khoa học trên địa bàn thành phố nhằm đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Dũng cũng lưu ý các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương bên cạnh thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân trực tiếp sản xuất… tiếp cận thông tin tình hình thị trường. “Muốn vậy chúng ta phải thường xuyên theo dõi, phân tích thị trường, xác định các sản phẩm thế mạnh của thành phố và nhu cầu thị trường để định hướng phát triển phù hợp giúp người nuôi, người sản xuất nắm và chủ động trong quá trình sản xuất”, ông Dũng cho biết thêm.


Thanh Xuân


969b49ef-4705-48ec-bdc5-ed9421bb6cc7

Tiêu đề bài viết: Cần Thơ: đã phát triển được 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang