
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 5 năm 2025 và thay thế Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2012 của UBND thành phố về quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc UBND quận, huyện.
Ban hành kèm theo Quyết định là Quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, chức danh quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định gồm 3 chương, 9 điều, quy định cụ thể tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh. Trong đó, ngoài các yêu cầu chung về lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý điều hành, các chức danh còn được xác định rõ yêu cầu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch và vị trí việc làm.
Theo đó, tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước được áp dụng theo tiêu chuẩn tại Nghị định số 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ và đáp ứng các quy định sau:
Đối với chức danh Giám đốc Sở và tương đương, trong quá trình công tác phải có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, cấp tỉnh trở lên; Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, cấp tỉnh trở lên. Đồng thời, tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu; hoặc có kế hoạch đề xuất đổi mới, sáng tạo được phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đối với chức danh Phó Giám đốc Sở và tương đương, trong quá trình công tác có một trong các thành tích, kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, cấp tỉnh trở lên; Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, cấp tỉnh trở lên. Bên cạnh đó, trong quá trình công tác có một trong các sản phẩm như: Tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu; hoặc có kế hoạch đề xuất đổi mới, sáng tạo được phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP.
Đối với tiêu chuẩn để được làm trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở; trưởng, phó phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở; người đứng đầu, cấp phó cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trong quá trình công tác có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của bộ, ban, ngành, cấp tỉnh trở lên; đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Đồng thời, có một trong các sản phẩm là sáng kiến được công nhận theo quy định, có kế hoạch đổi mới sáng tạo được phê duyệt theo quy định tại Nghị định 73/2023.
Quyết định cũng quy định tiêu chuẩn, chức danh viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, đáp ứng tiêu chuẩn chung theo quy định pháp luật chuyên ngành và các tiêu chuẩn chung như tiêu chuẩn đối với chức danh công chức lãnh đạo, quản lý quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2024/NĐ-CP; đối với một số trường hợp đặc thù thì thực hiện theo Điều 9 Nghị định số 29/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác và có trình độ, năng lực phù hợp với vị trí việc làm quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo từng chức danh quản lý.
Bạn đọc xem toàn văn tiêu chuẩn tại đây.
Ánh Nguyên