Nội dung các kiến nghị theo hướng: Để tăng cường kết nối giao thông công cộng, chuyển đổi năng lượng xanh, kiểm soát khí thải, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trợ, tăng cường phát triển hoạt động của loại hình phương tiện xe bốn bánh gắn động cơ, cho phép được hoạt động trên đường giao thông công cộng và mở rộng phạm vi hoạt động, không bị giới hạn bởi quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (gọi tắt là Nghị định 165/NĐ-CP) “Từ ngày 15 tháng 02 năm 2025: đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông...”.
Qua theo dõi, đánh giá, Cục Cảnh sát giao thông nhận thấy: Bên cạnh những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, du lịch địa phương, công tác quản lý Nhà nước và hoạt động thực tế của xe bốn bánh gắn động cơ còn một số hạn chế, bất cập tác động đến tình hình an ninh trật tự nói chung, an toàn giao thông nói riêng. Loại phương tiện trên không có túi khí, không có dây đai an toàn, không có cửa hoặc có cửa nhưng không chắc chắn, không an toàn; có vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h (đối với xe chở người) nhưng lại được UBND cấp tỉnh cho phép tham gia giao thông trên một số tuyến đường giao thông công cộng có tình hình giao thông phức tạp, giao thông hỗn hợp, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, tốc độ lưu thông cao, nhiều thành phần phương tiện... trong khi loại xe điện này lưu thông tốc độ thấp, gây cản trở các phương tiện khác trên tuyến giao thông công cộng tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Loại phương tiện trên thường xuyên vi phạm “dừng đỗ không đúng nơi quy định”, tự do đón, trả khách sai quy định, sai đối tượng, tranh giành khách đối với các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng khác ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Trên cơ sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành văn bản số 449/C08-P7 ngày 23/01/2025 đề nghị Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tham mưu cho UBND cấp tỉnh quản lý hoạt động của xe chở người bốn bánh gắn động cơ. Trong đó, đã đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 35 và khoản 2 Điều 48 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và khoản 2 Điều 24 Nghị định 165/NĐ-CP.
Cục Cảnh sát giao thông đề nghị căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và chủ chương triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, tăng cường kiểm soát đối với công tác vận tải hành khách và vận tải hàng hoá... không vì lý do phát triển kinh tế mà bỏ qua an toàn giao thông, để chủ động các giải pháp kiểm soát, kiềm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất là khu vực đô thị, sớm giải quyết các vấn đề là nguyên nhân “gốc rễ” phát sinh tai nạn, ùn tắc giao thống, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tham mưu cho Lãnh đạo UBND, như sau:
Triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Luật và Nghị định 165/NĐ-CP về quản lý, kiểm soát hoạt động của xe bốn bánh gắn động cơ.
Căn cứ khoản 6 Điều 35, khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ phạm vi, điều kiện hoạt động, công tác bảo đảm TTATGT đối với loại hình vận tải bằng bốn bánh gắn động cơ; đề nghị rà soát, kiến nghị lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu giao thông đường bộ quy định khu vực hạn chế, biển báo quy định tốc độ tối đa cho phép 30 km/h (đối với xe chở người), 50 km/h (đối với xe chở hàng) áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông (khoản 2 Điều 24 Nghị định 165/NĐ-CP) để xác định tuyến, phạm vi hoạt động của loại phương tiện này. Khuyến khích giới hạn phạm vi hoạt động của xe bốn bánh gắn động cơ trong khu vực nội bộ các địa điểm văn hoá, du lịch, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị... và không mở rộng phạm vi hoạt động ra các tuyến giao thông công cộng.
Đối với các doanh nghiệp đang thí điểm hoạt động, kinh doanh xe bốn bánh gắn động cơ trước ngày 01/01/2025 (thời điểm Luật có hiệu lực) thì hướng dẫn thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 76 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ ban hành quy định về hoạt động vận tải đường bộ: “Đơn vị, hộ kinh doanh sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ tham gia hoạt động thí điểm trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 phải đáp ứng quy định của Nghị định này”.
Tấn Thuận