Theo đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhằm đạt được các kết quả đã đề ra trong giai đoạn kế hoạch; góp phần ngăn chặn sự gia tăng của bạo lực trên cơ sở giới thông qua công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt tại khu dân cư, về bình đẳng giới và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực. Đồng thời, tăng cường năng lực đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, hỗ trợ người dân khi có nhu cầu trợ giúp.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể như sau: tối thiểu 70% người bị bạo lực trên cơ sở giới chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ; 100% trường hợp có nhu cầu hỗ trợ về bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận và trợ giúp bằng các hình thức phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối và giới thiệu các đơn vị cung ứng dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của thành phố và các cơ sở Trung ương đóng trên địa bàn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận khi cần thiết; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các sở, ban, ngành, địa phương các cấp.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm: tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng; đẩy mạnh vận động xã hội hóa nhằm duy trì và phát triển các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả triển khai theo đúng quy định của pháp luật.
UBND thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, hướng dẫn và tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình. Đồng thời, quan tâm duy trì, bảo dưỡng và nâng cấp các điều kiện, tiêu chuẩn của các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để khai thác, sử dụng hiệu quả các mô hình hỗ trợ hiện có theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, kết nối, giới thiệu Tổng đài điện thoại Quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (số 111) để người dân liên hệ khi cần. Thành phố cũng khuyến khích việc tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ, hợp tác tài chính, kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đúng định hướng đề ra.
Phương Thảo