Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Xây dựng thương hiệu du lịch Cần Thơ
Ngày đăng: 16/12/2016

Lượt xem:


Tiềm năng du lịch Cần Thơ có những điểm chung của cả vùng ĐBSCL như du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch văn hóa. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh toàn cầu hóa, Cần Thơ cần có bước đi riêng. Theo đó, các cấp, các ngành đang hướng tới mục tiêu phát triển Cần Thơ thành đô thị du lịch ven sông, trung tâm trung chuyển khách trong khu vực, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng miệt vườn sông nước nhưng vẫn đạt chuẩn quốc tế, liên kết và mở rộng thị trường.
Không gian yên bình ở cồn Sơn thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Trước đây, đến Cần Thơ, du khách chỉ quanh quẩn với hành trình đi chợ nổi - tham quan nhà cổ - ghé vườn cây trái. Sau này, Cần Thơ phát triển thêm nhiều điểm đến đáp ứng nhu cầu trải nghiệm như: cồn Sơn, xóm đồ chơi dân gian Út Truyền, hay nhà vườn sinh thái và lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách, ca cao Mười Cương… Đến hiện nay, Cần Thơ đang có nhiều sản phẩm níu chân du khách lưu trú lâu hơn với hành trình tìm về làng cổ, mỗi ngày một nghề, hay trải nghiệm cuộc sống miệt vườn thường nhật của người dân bản địa.

Hành trình khám phá làng cổ Long Tuyền do quận Bình Thủy xây dựng giúp du khách có thêm lựa chọn khi đến Cần Thơ. Bà Lê Thị Bé Bảy - Phó phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: "Theo hành trình này, du khách sẽ ghé đình Bình Thủy, nhà cổ Bình Thủy, sau đó thưởng thức ẩm thực hay uống cà phê mộc ở Phố Xưa, trải nghiệm làm bánh gia truyền với một gia đình họ Dương. Sản phẩm này sẽ giúp du khách cảm nhận không gian xưa giữa lòng phố".

Cà phê Phố Xưa (đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) là điểm nhấn của hành trình. Phố Xưa vốn là căn nhà cổ, được gia chủ Mai Thị Thứ tận dụng không gian trống, trở thành điểm hàn huyên, trà nước. Tại đây, du khách có thể thưởng thức loại thức uống đặc biệt là "cà phê mộc". Cà phê mộc màu cánh gián, không quá đắng cũng không quá ngọt, có chút béo, thoang thoảng mùi thơm của trái cây. Đây là thức uống được phụ nữ những nhà điền chủ xưa đãi khách quý. Cà phê nguyên chất quá đắng, người xưa đã thêm chút sữa, trái cây (nhãn, chôm chôm, mít…) tạo nên hương vị mới. Du khách có thể thưởng thức nhiều tầng mùi vị khác nhau, có lúc đắng nhạt, lúc thì béo ngọt, khi hòa lẫn các hỗn hợp lại có mùi thơm của đủ loại trái cây. Du khách Charlotte, nói: "Lần đầu tôi được thưởng thức cà phê thế này. Nó thơm, dễ uống và khá ngon. Tôi vẫn muốn thử thêm ly nữa, nếu có thời gian quay lại nơi này". Ngoài cà phê mộc, Phố Xưa còn có bữa cơm đúng chất Nam Bộ xưa mà du khách thưởng thức một lần cũng sẽ khó quên.

Để trải nghiệm làm nông dân, du khách có thể tìm đến bè cá Bảy Bon, nhà vườn của anh Lê Trung Tín (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy). Tại đây, du khách không chỉ tìm hiểu nghề nuôi cá trên bè mà còn được ngắm nhìn từng đàn cá điêu hồng, thác lác cườm, chạch lấu đua nhau quẫy đuôi, tung tóe bọt nước; hay cá chép koi thân thiện, rực rỡ sắc màu. Thú vị không kém, du khách chỉ cần chèo ghe theo chân anh Lê Trung Tín thả lưới vài phút là có thể thu hoạch mẻ cá tươi nguyên. Tranh thủ hái thêm tí rau vườn là có thể nấu nồi canh, nướng cá, thưởng thức bữa ăn đúng chất miệt vườn. Không những thế, du khách còn có thể ghé thăm mô hình thực phẩm sạch Cantho Farm (cầu Mương Lộ, phường Long Hòa, quận Bình Thủy). Đến đây, du khách tham quan, tìm hiểu về mô hình rau thủy canh, quy trình trồng dưa lưới, dưa leo, khổ qua, cà chua bi... trong nhà kính, tưới bằng phương pháp nhỏ giọt.

Các sản phẩm du lịch làng nghề (dệt chiếu, đan lục bình, đan thúng) ở quận Cái Răng cũng được nhiều du khách quan tâm. Ngày nay, xóm thúng Yên Hạ chỉ còn hơn chục hộ làm nghề, đa phần là những bậc lão niên. Ông Tô Hiến (khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình, quận Cái Răng) - người gắn bó với nghề hơn 50 năm, cho biết: "Hai vợ chồng cao tuổi nên giữ nghề cho đỡ buồn tay buồn chân, chủ yếu lấy công làm lời. Từ khi có khách du lịch, thì chỉ họ làm vài công đoạn đơn giản, như đan đát… Vậy là họ thích, bản thân chúng tôi cũng vui vì nghề xưa được trân trọng". Cũng nhờ có thế, xóm thúng Yên Hạ và các điểm làng nghề Cái Răng được du khách biết đến nhiều hơn.

Với huyện Phong Điền, bên cạnh thế mạnh vườn cây ăn trái, du lịch tâm linh, địa phương đang chú trọng xây dựng mô hình cộng đồng ở xã Nhơn Ái, khai thác các tour sản phẩm từ kênh rạch hay các tour ẩm thực.

Hiện sản phẩm du lịch Cần Thơ đa dạng và được chăm chút hơn. Đến đây du khách có thể trải nghiệm nhiều hơn, chứ không đơn thuần chỉ nhìn ngắm rồi về. Ngành du lịch Cần Thơ đã và đang khai thác, phát huy thế mạnh đặc trưng, tạo sự khác biệt để thu hút du khách.

Liên kết, mở rộng thị trường

Cần Thơ đang hình thành các cụm du lịch trọng điểm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền, tạo nên hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng sông nước đô thị, miệt vườn, văn hóa - lịch sử, lễ hội, ẩm thực. Từ đó, Cần Thơ trở thành điểm đến đang được quan tâm, thúc đẩy liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực để thu hút du khách.

Du khách thích thú với mẻ cá giăng bắt được tại nhà vườn của anh Lê Trung Tín.

Trước đây, Cần Thơ đã từng ký kết hợp tác về du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Nội… Trong khu vực ĐBSCL, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang là ba địa phương nằm trong cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và Bạc Liêu. Sự phát triển của mỗi địa phương với những sản phẩm mới đã tạo thêm sự đa dạng cho các tour, tuyến liên kết, nhất là chương trình "Một điểm đến bốn địa phương +". Theo đó, việc khai thác chương trình này năng động, đa dạng hơn khi lựa chọn các điểm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố tham gia liên kết. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành du lịch Cần Thơ đang mở rộng việc ký kết với các địa phương có tiềm năng du lịch.

Tháng 5-2016, Cần Thơ ký kết hợp tác du lịch với tỉnh Khánh Hòa, mở ra sự kết nối giữa thị trường ĐBSCL và duyên hải Nam Trung Bộ. Không lâu sau, Cần Thơ cùng với các tỉnh ĐBSCL ký kết hợp tác với Hà Nội, hình thành sản phẩm "Mười bốn tỉnh, thành phố - Một điểm đến". Sự hợp tác này không chỉ góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương mà còn liên kết, phát triển thị trường khách nội địa và quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn du khách.

Cuối tháng 11-2016, Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, tính đến nay, ngành du lịch Cần Thơ đã có hàng chục ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Sự liên kết này không chỉ góp phần mở rộng thị trường du khách mà còn tác động đến việc hình thành hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt. Cần Thơ cũng đang mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… thông qua các kỳ giao lưu văn hóa, lễ hội. Từ đó, mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để ngành du lịch thành phố tiếp cận với các thị trường du lịch quốc tế tiềm năng.

* * *

Xây dựng, đầu tư sản phẩm du lịch đặc trưng; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước và quốc tế là những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch Cần Thơ. Ngành du lịch Cần Thơ đang tích cực thực hiện những nhiệm vụ này, góp phần tạo nên diện mạo mới, xây dựng điểm nhấn, thương hiệu cho du lịch Cần Thơ trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.


Nguồn: Báo Cần Thơ


20f80608-6720-4b13-88ec-2a8601e3a8aa

Tiêu đề bài viết: Xây dựng thương hiệu du lịch Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français