Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Cần Thơ
Ngày đăng: 15/07/2019

Lượt xem:


Ngày 6-5-2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. 10 năm qua, cùng với cả nước, Cần Thơ có nhiều mô hình, giải pháp để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của thành phố. Sự năng động và hội nhập cho thấy quyết tâm của TP Cần Thơ trong hiện thực hóa nhiệm vụ trở thành trung tâm văn hóa của vùng ĐBSCL và cả nước như Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thăm Đền thờ Châu Văn Liêm (huyện Thới Lai).

Đầu tư phát triển văn hóa

Sự kiện khởi công Đền thờ các Vua Hùng vừa qua là một trong những điểm nhấn trong lĩnh vực văn hóa 10 năm qua. Công trình thiết kế đẹp, bề thế, không chỉ là niềm tự hào của người Cần Thơ mà đại diện cho cộng đồng các dân tộc ĐBSCL hướng về Quốc Tổ. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: "Việc xây dựng công trình nhằm phục vụ tâm nguyện của đông đảo nhân dân Cần Thơ và các tỉnh, thành miền Tây trong tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng".

Còn ở huyện Thới Lai, công trình Đền thờ Châu Văn Liêm từ khi đưa vào hoạt động đã là điểm nhấn văn hóa cho huyện ngoại thành. Những đoàn học sinh, sinh viên, du khách đến viếng Đền thờ ngày càng nhiều hơn; buổi tối lại có sinh hoạt đờn ca tài tử. Ngày 28-6 vừa qua, Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch huyện Thới Lai được tổ chức tại đây rất rộn ràng. Ông Châu Hoàng Minh, cháu gọi nhà cách mạng Châu Văn Liêm là ông bác Ba, gắn bó với công trình từ những ngày đầu, cho biết: "Ngoài ý nghĩa lịch sử, chính trị, công trình này còn là điểm đến, tham quan cho bà con và du khách. Bà con Thới Lai tự hào lắm khi có Đền thờ Châu Văn Liêm".

10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, TP Cần Thơ đã quan tâm đầu tư lớn cho xây dựng các công trình văn hóa, tu bổ di tích… Tiêu biểu là hoàn thành tu bổ, nâng cấp các Di tích: Địa điểm chiến thắng của Đội Cảm tử Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Cần Thơ năm 1945, Chùa Nam Nhã, Khám Lớn Cần Thơ, Đình Thường Thạnh… 10 năm qua, đã có 6 công trình di tích lịch sử- văn hóa được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 181 tỉ đồng, đó là: Căn cứ Vườn Mận, Chiến thắng Ông Hào, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Đền thờ Châu Văn Liêm, Khu tưởng niệm soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Chiến thắng Ông Cửu. Ngoài ra, 21 di tích khác cũng được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 66,2 tỉ đồng, trong đó xã hội hóa được hơn 7,2 tỉ đồng.

Mỗi năm, nguồn lực văn hóa ở Cần Thơ lại có bước tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2009, Cần Thơ mới có 18 di tích được xếp hạng thì nay đã lên đến 34 di tích (13 cấp quốc gia và 21 cấp thành phố). Ngoài ra, Cần Thơ hiện có 4 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Đờn ca tài tử, Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy và Hò Cần Thơ, cùng với 12 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ông Lê Văn Mười, Phó Ban trị sự Đình Bình Thủy, cho biết: "Việc Lễ hội Kỳ yên của đình trở thành Di sản quốc gia thực sự là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục gìn giữ và bảo tồn vốn quý của cha ông". Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hoàng Lưỡng, thì nói: "Việc 8 nghệ nhân vừa được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là TP Cần Thơ với anh em nghệ nhân chúng tôi".

Văn hóa cơ sở đi vào chiều sâu

Cứ tối thứ 4 hằng tuần, quán cà phê trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, lại rộn vang tiếng đờn ca của câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử phường Bình Thủy. Đây là CLB sinh hoạt đều đặn và thu hút rất đông tài tử tham gia. Bà Trần Thị Ngọc Điệp, công chức văn hóa - xã hội phường Bình Thủy, cho biết: Phong trào văn hóa, thể thao của phường từng bước phát triển, nhất là việc bà con đồng tình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Phường Bình Thủy là địa phương đầu tiên của TP Cần Thơ được công nhận Phường Văn minh đô thị vào năm 2017. Gần 3 năm qua, phong trào này đã thực sự lan tỏa, đi vào đời sống của người dân thành phố bằng những việc làm cụ thể. Có thể kể đến các mô hình như Xã hội hóa tuần tra, Nhà trọ văn minh, Đèn trước ngõ - mõ trong nhà, Cà phê sách, Tủ sách lưu động, Tuyến đường văn minh, Liên hoan các mô hình văn hóa…

Điển hình như mô hình CLB Gia đình hạnh phúc ở huyện Vĩnh Thạnh. Hiện huyện đã có 12 CLB với 240 thành viên, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Đây là dịp để các gia đình chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc, nuôi dạy con cái, phát huy văn hóa truyền thống… Ông Lê Trung Tín, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: Phong trào xây dựng Thị trấn Văn minh đô thị, Xã Văn hóa nông thôn mới ở địa phương đã giúp chuyển biến diện mạo đô thị, diện mạo nông thôn và nhất là trong nếp nghĩ, nếp làm của người dân. Vĩnh Thạnh cũng đã sẵn sàng về đích danh hiệu Huyện Nông thôn mới thứ 2 của Cần Thơ, sau huyện Phong Điền.

Tính đến tháng 6-2019, toàn thành phố có 629/630 ấp, khu vực đạt chuẩn văn hóa; 79/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn các danh hiệu: Văn minh đô thị, Văn hóa nông thôn mới, Văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ: 80/85 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa/Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 626/630 ấp, khu vực có Nhà thông tin/Nhà văn hóa, 9/9 quận, huyện thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, mới đây cũng đã có ý kiến chỉ đạo việc nâng chất các danh hiệu văn hóa ở các địa phương, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn của Cần Thơ đạt chuẩn các danh hiệu. Các địa phương xúc tiến việc hoàn thiện thiết chế văn hóa, bổ sung Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà thông tin cho những nơi còn thiếu. Ông Dương Tấn Hiển cũng thông tin thêm, hiện UBND thành phố đang thực hiện các thủ tục để trình HĐND thành phố thông qua việc nâng mức hỗ trợ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn các danh hiệu văn hóa từ 50 triệu đồng lên 80 triệu đồng/năm.

Hoạt động của Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm Văn hóa thành phố… dần đi vào chiều sâu. Những chương trình đã tạo nên điểm nhấn trong đời sống văn hóa Cần Thơ suốt 10 năm qua có thể kể đến như Sắc xuân miệt vườn, Liên hoan Đờn ca tài tử, Triển lãm sách lưu động… Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết: "Trong thời buổi Thư viện cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí hiện đại khác thì đòi hỏi chúng tôi phải có những mô hình, cách làm nhằm mang sách đến với bạn đọc. Điều chúng tôi mong muốn là văn hóa đọc thực sự lan tỏa trong cộng đồng".

10 năm văn hóa Cần Thơ hội nhập

10 năm qua, Cần Thơ đã chủ động và năng động tham gia các hoạt động hợp tác, đối ngoại văn hóa với các quốc gia trên thế giới. Lễ hội Việt - Nhật, Ngày hội Việt - Pháp, Ngày Hà Lan, Ngày Quốc tế Yoga… tại Cần Thơ là những điển hình. Cần Thơ đề xuất và ký kết hợp tác song phương về các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với các nước: Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ… Nhiều đoàn báo chí các nước Ý, Mỹ, Bồ Đào Nha, Pháp… cũng được hỗ trợ tích cực khi đến tác nghiệp tại Cần Thơ.

Năm 2018, Thư viện TP Cần Thơ tiếp nhận 408 quyển sách ngoại văn do Quỹ Châu Á, Tổng Lãnh sự quán Canada tài trợ; cập nhật gần 400 tài liệu vào dữ liệu số hóa của Ngân hàng Thế giới. Bảo tàng TP Cần Thơ phát huy hiệu quả của Trạm Vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại TP Cần Thơ, thu hút gần 1.500 lượt khách nước ngoài tham quan.

Giới trẻ trải nghiệm văn hóa Hà Lan tại Ngày Hà Lan 2018.


Nguồn: Báo Cần Thơ


f08d7a73-8d57-4334-9d9f-c58723797c1a

Tiêu đề bài viết: 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Cần Thơ . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français