Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Phát triển đa dạng và nâng chất
Ngày đăng: 10/09/2015

Lượt xem:


Lâu nay, du lịch Cần Thơ thu hút du khách với những tour sông nước miệt vườn quen thuộc. Gần đây, ngành du lịch Cần Thơ đang từng bước đổi mới khi xây dựng thêm sản phẩm du lịch tạo sự phong phú, đồng thời nâng chất các hoạt động du lịch để trở thành điểm đến an toàn cho du khách.
Một góc chùa Pôthi Somrôn với cây Sala. Ảnh: KIỀU MAI

* Xây dựng sản phẩm du lịch mới

Nép mình bên dòng sông Ô Môn, chùa Pôthi Somrôn (khu vực 4, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) cổ kính, trầm mặc. Ngôi chùa 280 năm tuổi (xây dựng năm 1735) được xem là một trong những ngôi chùa Nam tông Khmer cổ nhất ở TPCT. Kiến trúc của chùa Pôthi Somrôn đậm nét Khmer truyền thống. Chánh điện là tòa nhà nổi bật với mái có ba cấp chồng lên nhau, hình tượng rồng chạy dọc theo bờ mái, đuôi vươn thẳng lên trời. Các cột, rào, vách tường đều được chạm khắc hoa văn tinh tế. Kề bên chánh điện là Tháp cốt (nơi đựng tro cốt của các nhà sư và các thành viên trong phum sóc), được xây dựng bằng ô dước, đá ong, gạch thẻ có niên đại từ thế kỷ 18. Vẻ đẹp của ngôi chùa càng được tôn lên nhờ cây sala (cây vô ưu), trồng ở một góc sân chùa từ năm 1969, luôn nở những đóa hoa thanh nhã, thơm ngát. Bên trong chùa, có nhiều cổ vật: những cánh én bằng gỗ làm từ năm 1856 chạm trổ hình ảnh mô phỏng các câu chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các bộ kinh Slấc-rích (kinh viết trên lá buông), các tượng gỗ gần 200 tuổi…

Chính bởi sự độc đáo đó, chùa Pôthi Somrôn đang được Sở VHTT&DL TPCT, UBND quận Ô Môn định hướng phát triển thành một trong những điểm đến trong hành trình khám phá Cần Thơ. Ông Hồ Văn Hậu- Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: "Quận đã xây dựng kế hoạch phát triển Khu Văn hóa- Du lịch chùa Pôthi Somrôn, trong đó chú trọng đến việc tái hiện không gian, nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer". Theo đó, ngoài phòng trưng bày các hiện vật cổ, chùa còn có dàn nhạc ngũ âm, đội văn nghệ quần chúng trình diễn phục vụ du khách; không gian giới thiệu, trình diễn nghề truyền thống, ẩm thực đặc trưng của người Khmer. Hòa thượng Đào Như, Trụ trì chùa Pôthi Somrôn, cho biết: "Sắp tới, chùa sẽ cải tạo một số phòng làm nơi trưng bày các hiện vật cổ. Thành phố cần tạo điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại chùa, đặc biệt là lực lượng trình diễn dàn nhạc ngũ âm". Các sản phẩm du lịch tại chùa Pôthi Somrôn sẽ được hoàn thành vào tháng 4 -2016. Không chỉ vậy, khi sản phẩm du lịch hình thành, các lễ hội độc đáo của người Khmer, như: Chôl Chnăm Thmây, Ok-Om-Bok, Sene Đôn-ta…sẽ mở thêm không gian kết hợp phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Cần Thơ, cho biết: "Chùa Pôthi Somrôn là điểm kết nối với các sản phẩm du lịch khác trên địa bàn quận Ô Môn, như đình Thới An, làng bánh kẹo Ba Rích, làng Đan lọp Thới Long, khu du lịch sinh thái Bảy Tiễn tạo nên hành trình mới cho du khách". Hiện ngành du lịch thành phố đang tập trung khai thác các tuyến du lịch đường sông liên quận, huyện, trong đó có tuyến mới: Ninh Kiều- Bình Thủy- Ô Môn- Thốt Nốt. Ngoài ra, trên cơ sở hiệu quả của chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ miễn phí hằng tuần tại Bến Ninh Kiều, Sở VHTT&DL Cần Thơ đang xây dựng thêm chương trình trình diễn tại chợ đêm Trần Phú. Dự kiến chương trình được dàn dựng đặc sắc, đủ các thể loại: đờn ca tài tử, ca cổ, múa, trích đoạn cải lương...

* Tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện

Bên cạnh xây dựng sản phẩm mới, ngành du lịch thành phố đang chú trọng nâng chất các điểm vườn, khu du lịch thành các điểm đến tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiệp hội Du lịch thành phố đã đề ra bản tiêu chí cơ bản về diện tích, các dịch vụ, nguồn nhân lực, môi trường, lượng khách tham quan… để xét chọn điểm du lịch tiêu biểu, sau đó khảo sát và thẩm định đánh giá. Ông Lê Minh Sơn cho biết: "Xây dựng các điểm du lịch tiêu biểu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành phố; đồng thời nâng cao ý thức xây dựng môi trường du lịch xanh, thân thiện, chuyên nghiệp. Ngành sẽ đề xuất Hiệp hội Du lịch ĐBSCL xét các điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng".

Du khách trải nghiệm chèo ghe tại Khu du lịch Lung Cột Cầu. Ảnh: Khu du lịch Lung Cột Cầu

Nổi bật trong các điểm du lịch được khảo sát xây dựng điểm du lịch tiêu biểu thành phố là khu du lịch Lung Cột Cầu (ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền). Đi vào hoạt động từ tháng 4 -2015, khu du lịch Lung Cột Cầu đang trở thành điểm tham quan thu hút du khách gần xa. Khu du lịch Lung Cột Cầu có diện tích 7 ha, trong đó có hơn 5 ha vườn cây ăn trái: chôm chôm, sầu riêng, dâu, măng cụt… với nhiều dịch vụ giải trí: chèo ghe, câu cá, đờn ca tài tử… Đến đây, du khách còn được tìm hiểu về di chỉ Bưng Đá Nổi- Lung Cột Cầu với những câu chuyện hấp dẫn, độc đáo. Theo các bậc lão niên, xưa kia nơi đây là vùng đầm lầy hoang dại, có nhiều cọc gỗ lớn trong các ao, bàu, ở độ sâu 2- 3 m dưới lớp phù sa thực vật. Nghĩ rằng, đó là các trụ cột xây cầu nên họ lấy đó đặt tên là Lung Cột Cầu. Người ta còn phát hiện nhiều tảng đá xanh, hình khối chữ nhật đã được gia công, "nổi" lên trong cái ao nên đặt tên là Bưng Đá Nổi. Về sau, khi đào mương, lên liếp trồng cây, mò cua, bắt cá... trong những lung, bàu, mương rạch tự nhiên, nhiều người nhặt được các mảnh sành sứ, ấm chén, tượng đá, mảnh vàng thuộc niên đại văn hóa Óc Eo.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Việt, Giám đốc khu du lịch Lung Cột Cầu, cho biết: "Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm Nhà tham quan văn hóa Óc Eo, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, bổ sung các dịch vụ…". Dịp cuối tuần, trung bình khu du lịch Lung Cột Cầu đón 300- 400 khách. Ông Võ Thành Giúp- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại- Du lịch huyện Phong Điền, cho biết: "Khu du lịch Lung Cột Cầu sẽ là địa điểm tổ chức "Ngày hội du lịch Phong Điền" vào ngày 25 và 26-9 tới, với nhiều hoạt động sôi nổi phục vụ du khách".

Các điểm du lịch tiêu biểu không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động du lịch mà còn tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Trước đây, Sở VHTT&DL chủ trì thành lập Tổ kiểm tra liên ngành lập lại trật tự tại Bến Ninh Kiều, nhằm lập lại trật tự tại bến tàu du lịch, hạn chế nạn chèo kéo, ăn xin ở các điểm du lịch. Tình trạng an ninh trật tự tại Bến Ninh Kiều dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường du lịch an toàn cho du khách, chấn chỉnh tình trạng "chặt chém", mới đây, Sở VHTT&DL cùng sở, ngành hữu quan xây dựng Quy chế Phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh, vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn TPCT. Việc xây dựng quy chế là cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở VHTT&DL TP đã tổ chức 39 lượt kiểm tra tại 83 cơ sở lữ hành và lưu trú du lịch. Qua đó, nhắc nhở, chấn chỉnh 43 cơ sở, xử phạt 14 cơ sở vi phạm về vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường tại cơ sở lưu trú, đặt, gắn sao chưa đúng theo quy định. Sắp tới, Thanh tra Sở tiếp tục kiểm tra các khu du lịch, điểm vườn, nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch theo Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.

Du lịch Cần Thơ từng bước chuyển biến trên nhiều mặt, phát triển theo định hướng trở thành điểm đến an toàn, chất lượng và thân thiện.


Nguồn: Báo Cần Thơ


30a3d7fb-be21-4c5e-901f-01ffdb7b4531

Tiêu đề bài viết: Phát triển đa dạng và nâng chất. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ .

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français