Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tam giác du lịch mới vùng ĐBSCL
Ngày đăng: 11/03/2019

Lượt xem:


Cần Thơ, An Giang và Bạc Liêu có những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch riêng. Để phát huy những nét độc đáo: sông nước đô thị của Cần Thơ, núi non của An Giang và biển của Bạc Liêu, ba địa phương đã cùng ngồi lại để tìm những định hướng chung, kết nối phát triển du lịch, tạo thành một tam giác mới cho du lịch ĐBSCL.
Chợ nổi Cái Răng là nét đặc trưng văn hóa độc đáo của du lịch Cần Thơ thu hút nhiều du khách đến tham quan

Mỗi vùng mỗi điểm   

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL, cho biết: “Những năm gần đây du lịch ĐBSCL phát triển rất mạnh, trong đó, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu có tốc độ phát triển rất nhanh, với những thay đổi mạnh mẽ về sản phẩm du lịch, thể hiện tiềm năng, nét độc đáo của từng địa phương”. Cần Thơ đang từng bước định hình và phát huy sản phẩm đặc thù sông nước đô thị, miệt vườn sinh thái, Mice (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) khi tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư, xây dựng nhiều công trình điểm nhấn như: cầu đi bộ, các khách sạn cao cấp 4-5 sao. An Giang phát huy thế mạnh thể loại du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng khi chú trọng đầu tư cho nhiều sản phẩm du lịch với nhiều dự án được đầu tư quy mô, nổi bật như: Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo núi Sam, Khu công viên trò chơi Lâm viên núi Cấm, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư, Trang trại nuôi cá sấu và đà điểu công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái Lộc Ngọc Xuân… Trong khi đó, Bạc Liêu đang nỗ lực khai thác thế mạnh về biển với những sản phẩm du lịch nổi bật, như: Du lịch Điện gió, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đưa CLB biểu diễn nghệ thuật Khmer vào phục vụ tại chùa Xiêm Cán…

Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam bộ, cho biết: “Du lịch ĐBSCL những năm gần đây tăng trưởng rất mạnh, sản phẩm cũng ngày càng đa dạng và hoàn thiện hơn. Các tour miền Tây là một trong top 5 tuyến tour bán chạy nhất của Vietravel năm 2018. Các tỉnh, thành ở ĐBSCL vẫn không ngừng xây dựng và đầu tư thêm sản phẩm mới. Tại Cần Thơ thì có du lịch cộng đồng cồn Sơn, cầu đi bộ, các lễ hội; tại Bạc Liêu thì có thêm điện gió, các hoạt động nghệ thuật về đêm; An Giang thì có cáp treo với những khu nghỉ dưỡng cao cấp…, cho phép chúng tôi thiết kế được nhiều tour, tuyến mới, tạo thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng”.

Mặc dù, mỗi tỉnh, thành đều có những nét độc đáo riêng nhưng du lịch của từng địa phương vẫn tồn tại không ít hạn chế về sản phẩm, dịch vụ, nhân sự, hạ tầng du lịch… Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh An Giang, nói: “Mặc dù số lượng khách đến ĐBSCL có tăng, nhưng điều đó chưa tương xứng, nhất là về lượng khách lưu trú và chỉ số chi tiêu còn rất thấp. Tại An Giang, năm 2018, khách đến đạt 8,5 triệu lượt, nhưng lưu trú ước đạt chỉ hơn 1 triệu; trong khi đó chỉ số chi tiêu du khách chỉ tốn khoảng 500.000 đồng/ngày, rất thấp”. Theo ông Phạm Thế Triều, đây là thực trạng chung của du lịch ĐBSCL và giải pháp cần thiết là các tỉnh, thành cần có sự kết nối, hợp tác để cùng vực dậy du lịch của địa phương và ĐBSCL. Thứ nhất là có thể phát huy và hoàn thiện sản phẩm đặc trưng từng nơi, tạo ra hệ thống sản phẩm đa dạng, cung cấp cho các đơn vị lữ hành tuyến điểm phù hợp; kế đến chính là hợp lực tạo được sự lan tỏa rộng hơn.

Cùng tháo gỡ và kết nối

Ông Hồng Quang Khải, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Bạc Liêu, nói: “Tôi cho rằng việc kết nối giữa Cần Thơ, An Giang và Bạc Liêu là thực sự cần thiết và phù hợp với thực tế. Tôi đánh giá cao những sản phẩm miệt vườn sông nước của Cần Thơ, điều đó mang đến cho tôi ý tưởng xây dựng sản phẩm tour mới: đi du lịch miệt vườn ở khách sạn 5 sao; hay trải nghiệm du lịch tâm linh, đô thị sông nước và biển. Những tour ngắn ngày 2-3 ngày mà qua ba tỉnh, thành với 3 nét đặc sắc riêng chắc chắn là lựa chọn khá phù hợp với khách ở thị trường miền Bắc”. Để tạo sức hút cho du lịch địa phương, ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Bạc Liêu xác định du lịch là một trong 5 trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó năm 2019, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ra chương trình hành động với những mục tiêu rất cụ thể về sản phẩm, dịch vụ du lịch, đầu tư hạ tầng, công tác tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch... Việc giao lưu, kết nối với Cần Thơ, An Giang được phối hợp xúc tiến từ cuối năm 2018 đến nay, để có thể tìm ra những giải pháp phù hợp thúc đẩy sự phát triển du lịch cho cả ba đơn vị”. Để sự kết nối hiệu quả, đòi hỏi từng tỉnh, thành phải không ngừng nỗ lực đầu tư, nâng chất sản phẩm du lịch. Riêng Bạc Liêu sẽ có những sản phẩm về biển, điện gió, khai thác giá trị văn hóa liên quan đến vùng đất, con người Bạc Liêu. Cụ thể, năm 2019, Bạc Liêu sẽ tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu với hơn 20 hoạt động đa dạng để thu hút du khách, trong đó điểm nhấn là kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”, kỷ niệm 100 năm Khu nhà công tử Bạc Liêu.

Điện gió là sản phẩm du lịch mà Bạc Liêu đang tích cực khai thác

Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang, nhấn mạnh: “Bên cạnh việc bắt tay, ký kết hợp tác thì từng tỉnh, thành phải có chung trách nhiệm đó là quảng bá cho nhau. Chúng ta phải hợp lực để tạo ra sự kiện, hoạt động quảng bá lớn, có mức ảnh hưởng và lan tỏa rộng tại các thị trường tiềm năng. Đó chính là lý do mà tôi đề xuất với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức đoàn famtrip thị trường miền Bắc ở Hà Nội và Thái Nguyên, cũng như tổ chức hội thảo về du lịch của ĐBSCL tại Hội chợ du lịch quốc tế ở Hà Nội”. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, cho rằng: “Việc giao lưu, hợp tác giữa Cần Thơ, An Giang và Bạc Liêu là cần thiết, các bên đều có lợi. Sức hút từ sự khác biệt sẽ làm cho khách đến, lưu trú càng cao. Từng địa phương sẽ cùng nhìn lại để hoàn thiện, từng bước nâng chất các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của mỗi địa phương có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm và mở rộng quan hệ hợp tác”.

Sự kết nối hợp tác giữa ba tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang và Bạc Liêu đang dần được hình thành qua những kế hoạch, định hướng và ký kết chung. Sự hợp tác này sẽ càng có hiệu quả khi Cần Thơ đang trở thành điểm trung chuyển khách của vùng ĐBSCL với những đường bay mới nối trực tiếp tới các thị trường trọng điểm du lịch trong nước và quốc tế. Khối hợp tác này được dự đoán là tam giác du lịch mới, tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách khi đến ĐBSCL.

 


Báo Cần Thơ


681a7594-501c-42d6-ad40-875b9745bfa8

Tiêu đề bài viết: Tam giác du lịch mới vùng ĐBSCL . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français