Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Triển khai thực hiện Nghị quyết 03 về phát triển du lịch: Đã có những tín hiệu đáng mừng
Ngày đăng: 14/07/2017

Lượt xem:


Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP Cần Thơ đã có nhiều quyết sách để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1-8-2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch (Nghị quyết 03), là tiền đề quan trọng để các sở, ngành, quận huyện xây dựng chương trình hành động.
Trải nghiệm làm bánh dân gian là một trong những hoạt động thu hút du khách ở cồn Sơn.

Sau hơn 8 tháng triển khai Nghị quyết 03, thành phố đã tổ chức đoàn giám sát, kiểm tra, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, để du lịch địa phương phát huy lợi thế, tiềm năng.

Đòn bẩy cho ngành du lịch

Ngay khi Nghị quyết 03 ban hành và triển khai, UBND thành phố đã có kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19-9-2016 về đẩy mạnh phát triển du lịch (Kế hoạch 111). Mục tiêu của Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 đều phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm... Theo đó, từ năm 2016 đến 2020, du lịch thành phố đón khoảng 32 triệu lượt khách tham quan, tăng bình quân 10%/năm, tổng doanh thu đạt trên 12.100 tỉ đồng, tăng bình quân 16%/năm. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ (Sở VHTT&DL) cùng các quận, huyện xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động.

Sở VHTT&DL đã xây dựng kế hoạch hành động số 4454/KH-SVHTTDL, trong đó xác định thế mạnh du lịch Cần Thơ là đô thị sông nước, bên cạnh các loại hình du lịch nổi bật: MICE, văn hóa, tâm linh, sinh thái miệt vườn, cộng đồng… Hiện Sở đang xây dựng và triển khai 9 chương trình, đề án: Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức của TP Cần Thơ; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển hạ tầng du lịch; Đề án Bảo tồn và phát huy làng cổ Long Tuyền, Bình Thủy; Đề án phát triển sản phẩm du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển Điểm du lịch quốc gia Bến Ninh Kiều (Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng và các cồn dọc sông Hậu)…

Song song đó, đơn vị cũng đang xây dựng và triển khai thực hiện 7 công trình văn hóa, di tích lịch sử- văn hóa gắn với phát triển du lịch; từng bước xây dựng nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội thu hút du khách (Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền, Ngày hội du lịch Vườn trái cây Tân Lộc…); hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng (Ninh Kiều khai thác thế mạnh du lịch MICE; Cái Răng phát huy thế mạnh sông nước với đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng; Phong Điền khai thác tiềm năng trở thành đô thị sinh thái; Bình Thủy phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử- văn hóa)… Ông Lê Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: "Sở sẽ tiếp tục chú trọng công tác xây dựng sản phẩm du lịch, cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch. Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách giúp du lịch phát triển".

Với lợi thế quận trung tâm, Ninh Kiều có nhiều kế hoạch, chương trình hành động phát triển du lịch của địa phương. Quận xác định lợi thế và sản phẩm đặc thù là du lịch đô thị miền sông nước. Trong đó, sản phẩm chính là du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo…), bên cạnh đó là các loại hình tham quan di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Địa phương đang xây dựng hàng loạt các sự kiện, hoạt động thu hút du khách: Ngày hội du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều, giải đua thuyền truyền thống, đua thuyền chèo... Bến Ninh Kiều (Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL và được quy hoạch là Điểm du lịch quốc gia) được địa phương định hướng đầu tư thu hút du khách: xây dựng phố đi bộ ở đường Hai Bà Trưng, các khu phố chuyên doanh, khai thác tuyến đường sông ở rạch Khai Luông, cầu đi bộ với nhiều dịch vụ, tạo thành các tour văn hóa sông nước có bản sắc. Ông Dương Tấn Hiển - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: "Từ đây đến năm 2018, Ninh Kiều sẽ đầu tư nâng cấp công viên Bến Ninh Kiều, đường Hai Bà Trưng, công viên sông Hậu, cầu đi bộ, rạch Khai Luông để những nơi này có thêm các dịch vụ, nhiều hoạt động du lịch".

Trong khi đó, huyện Phong Điền đã chủ động xây dựng quy hoạch phát triển du lịch trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch huyện Phong Điền đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch (27 thành viên) nhằm tăng cường quản lý các điểm du lịch, hỗ trợ các nhà vườn, cơ sở kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng phục vụ. Địa phương cũng xác định rõ ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, bên cạnh kết hợp du lịch sông nước, tâm linh, tham quan di tích lịch sử, làng nghề và homestay. Ông Nguyễn Văn Sử - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Địa phương đang định hướng các nhà vườn xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện, hỗ trợ người dân vay vốn để nâng chất các sản phẩm, dịch vụ".

Xác định rõ thế mạnh; đầu tư có trọng tâm

Sau khi Nghị quyết 03 triển khai, các địa phương đều xác định được thế mạnh, tiềm năng du lịch với những định hướng, chương trình hành động cụ thể. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn.

Tát mương bắt cá là một trong những hoạt động thú vị ở các điểm du lịch Cần Thơ.

Với lợi thế trung tâm có nhiều tiềm năng, nhưng Ninh Kiều vẫn chưa có hạ tầng du lịch đồng bộ, còn mất cân bằng, việc huy động, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa cho du lịch còn chậm, chưa hiệu quả. Bà Bùi Ngọc Vỵ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá: "Hệ thống lưu trú trên địa bàn Ninh Kiều rất nhiều, nhưng các khu vui chơi, giải trí lại khan hiếm. Do đó, Ninh Kiều nên quan tâm đến các dự án về khu vui chơi, giải trí, tránh tình trạng mất cân bằng". Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: "Địa phương đang xây dựng và đầu tư thêm sản phẩm du lịch. Ninh Kiều đang xin phép cải tạo công viên nước để nơi này trở thành điểm vui chơi giải trí với nhiều trò chơi trên không; xây dựng khu chợ đêm du lịch, các phố chuyên doanh, cũng như tổ chức hoạt động ở rạch Khai Luông để hình thành nên sản phẩm du lịch văn hóa sông nước". Trong khi đó, Phong Điền cũng gặp khó về hạ tầng giao thông, các điểm du lịch còn nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao, nguồn nhân lực còn hạn chế. Ông Nguyễn Quang Nghị - Bí thư Huyện ủy Phong Điền, cho biết: "Huyện Phong Điền được xác định trở thành đô thị sinh thái, nên địa phương cũng chủ động lồng ghép định hướng đầu tư cho du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, thành phố cần có những cơ chế, chính sách mở và hấp dẫn hơn".

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhìn nhận: "Nghị quyết 03 đã tạo chuyển biến về nhận thức, các địa phương đã chủ động hơn trong xây dựng sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Đây là tín hiệu mừng cho du lịch Cần Thơ". Qua giám sát, ông Trần Văn Kiệt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, cho rằng các địa phương đã làm tốt công tác triển khai Nghị quyết 03 với những chương trình, kế hoạch bám sát thực tế. Ông Trần Văn Kiệt đặt ra vấn đề phát triển du lịch bền vững, quan tâm nhiều hơn đến nguồn nhân lực.

Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá cao sự chủ động của các địa phương và Sở VHTT&DL trong triển khai Nghị quyết 03, khi các đơn vị cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch, chương trình hành động. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng, để du lịch Cần Thơ phát triển, các đơn vị phải xác định rõ thế mạnh, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát triển du lịch phải nằm trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương, từ đó có những quy hoạch, định hướng phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý về du lịch, thành lập Ban chỉ đạo về phát triển du lịch; Sở VHTT&DL tiếp tục tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp, phát huy được tiềm năng thế mạnh; chủ động xây dựng thêm nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội; nghiên cứu, xây dựng các chính sách đầu tư, thu hút các dự án, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Sau 8 tháng triển khai và thực hiện, Nghị quyết 03 đang từng bước tạo nên nhiều thay đổi diện mạo du lịch Cần Thơ với những chương trình hành động cụ thể. Đây là lực đẩy để du lịch Cần Thơ từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Nguồn: Báo Cần Thơ


a1a35d0c-3037-477e-a4ed-9a79fc70b5c8

Tiêu đề bài viết: Triển khai thực hiện Nghị quyết 03 về phát triển du lịch: Đã có những tín hiệu đáng mừng. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français