Di tích


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Những công trình có kiến trúc đặc trưng nhất tại Cần Thơ
Ngày đăng: 26/02/2018

Lượt xem:


Cần Thơ là thành phố lớn, hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là một đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương, nằm bên hữu ngạn của sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lớn thứ 2 ở miền Nam sau TP.Hồ Chí Minh và là Thành Phố lớn thứ 5 Việt Nam sau Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Cùng phát triển với những thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam, vùng đất Trấn Giang đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Thời Nhà Nguyễn, Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ.

Cần Thơ là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực, thành phố Cần Thơ còn được biết đến như một “đô thị miền sông nước”. Thành phố có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, nổi tiếng với Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng một nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá Nam Bộ.

 

Cầu Cần Thơ

Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 9, 2004. Ban đầu, Cầu Cần Thơ được dự kiến khánh thành vào ngày 14 tháng 12, 2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn Cầu Cần Thơ vào ngày 26 tháng 9, 2007, nên Cầu Cần Thơ được khánh thành vào ngày 24 tháng 4, 2010. Tổng mức đầu tư 4.832 tỷ (thời điểm 2001, tức là khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).

Cầu Cần Thơ có những đặc trưng phổ biến của loại cầu dây văng, cùng một số đặc điểm riêng như sau:

Về móng trụ tháp: là loại cọc khoan nhồi có đường kính 2,50 m nhưng có chiều dài vào loại dài nhất được thi công ở Việt Nam: 94 m và mỗi cọc có 45 tấn thép với cốt thép chủ đường kính 38 mm và gần 500 m³ bê tông mác 30 Mpa. Trụ bờ Bắc có 30 cọc và trụ bờ Nam có 36 cọc.

Máy khoan cọc nhồi làm việc theo nguyên tắc tuần hoàn ngược liên tục dùng dung dịch bentonite có pha polymer khoảng 5%. Ở trụ bờ Bắc thi công trên bờ nên dùng ống thép đường kính 2,60 m dày 22 mm và dài 12 m làm ống vách tạm thời (khoan nhồi xong rút lên).

Ở trụ bờ Nam thi công dưới nước có độ sâu 20 m nên phải dùng ống vách chiều dài 42 m cố định (khoan nhồi xong để lại không rút lên). Chân cọc sau khi đổ bê tông được bơm vữa xi măng bằng bơm áp lực cao để tăng cường sức chịu tải của cọc.

Bệ trụ tháp bờ Bắc thi công trên cạn nên làm hố móng và lắp khuôn đúc đổ bê tông thông thường. Riêng bệ trụ tháp bờ Nam thi công dưới nước nên mặt đáy và vòng vây xung quanh được đúc sẵn trên bờ và lắp ghép trên đâu cọc thành ván khuôn liền với bệ trụ.

Cốt thép thi công bệ trụ có đường kính lớn nhất tới 52 mm và nối dối đầu bằng đầu nối có ren, thí nghiệm kiểm chứng cho thấy khi kéo phá hoại cốt thép đứt ở thân chứ không đứt ở mối nối. Về trụ tháp có chiều cao tính từ mặt nước là 164,80 m và tính từ mặt cầu là 134,70 m. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ, hình dạng này rất đẹp và thanh thoát, không như hình chữ H xoạc cẳng, trụ có biểu tượng như hai bàn tay chắp lại vái lên trời với tâm linh của người Á Đông.

 

Bến Ninh Kiều và cầu Đi Bộ

Bến Ninh Kiều nay được gọi là Công viên Ninh Kiều là một bến nước và là địa danh du lịch, văn hóa của thành phố Cần Thơ hình thành từ thế kỷ 19. Bến Ninh Kiều tọa lạc ở bờ phải sông Hậu, nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều thuộc thành phố Cần Thơ.

Bến Ninh Kiều là một địa danh du lịch có từ lâu và hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình và vị trí thuận lợi nhìn ra dòng sông Hậu. Từ lâu bến Ninh Kiều đã trở thành biểu tượng về nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu của cả Thành phố Cần Thơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan và đi vào thơ ca.

Ngày 6 tháng 2 2016 (tức 28 Tết Bính Thân), cầu đi bộ du lịch đầu tiên của thành phố Cần Thơ được khánh thành thu hút đông đảo người dân và du khách thưởng ngoạn sau gần một năm thi công.

Cầu bắc qua rạch Khai Luông, nối bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế, bằng bêtông cốt thép bán vĩnh cửu, dài gần 200 m, rộng 7,2 m, tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng.

Mặt cầu được thiết kế cách điệu uốn lượn hình chữ S tượng trưng cho đất nước. Tại hai phần cầu mở rộng được bố trí hai đài hoa sen.

Trên cầu trang bị hệ thống đèn led màu được điều khiển theo những kịch bản khác nhau tạo nên vẻ đẹp sinh động và hiện đại. Hệ thống cây xanh, bồn hoa ở bên ngoài lan can ở thành cầu, được tưới và thoát nước tự động tiện lợi cho công tác bảo trì.

Bến Ninh Kiều là một thắng cảnh và là địa danh du lịch đồng thời là niềm tự hào đối với người dân Cần Thơ qua câu ví:

Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân
Cuộc đời luống những phù vân
Trở về bến cũ cố nhân xa rời

Bến Ninh Kiều cũng đi vào âm nhạc Việt Nam qua những bài hát trữ tình: Chiếc áo bà ba một nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh với những câu hát cảm xúc:

Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu
Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
Qua bến bắc Cần Thơ

 

Nhà thờ chính tòa Cần Thơ

Nhà thờ chính tòa Cần Thơ với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Cần Thơ tọa lạc tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Cần Thơ.

Năm 1899, dưới thời Giám mục Bouchut, Giám mục Giáo phận Nam Vang, linh mục Duquet (Hội Thừa sai Paris) làm Cha sở họ Cần Thơ đã khởi công xây cất nhà thờ với ước tích kinh phí khoảng 700.000 đồng.

Công việc xây cất chưa hoàn thành, thì Giám mục Bouchut thuyên chuyển ông về làm Giám đốc Đại Chủng viện Nam Vang. Sau đó công trình được linh mục Larrabure khánh thành năm vào năm 1916.

Ngày 24 tháng 11 năm 1960 với sắc lệnh Venerabilium Nostrorum, hàng giáo phẩm Việt Nam được thiết lập, nhà thờ Cần Thơ từ ngày đó trở thành nhà thờ Chính Toà Cần Thơ. Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền được tấn phong làm Giám mục cai quản giáo phận Cần Thơ, thay thế Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình về làm Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn.

Trong lòng nhà thờ còn có phần mộ của Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang và Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận. Số giáo dân ngày càng đông do đó, cuối năm 1993, nhà thờ được sửa lại phần cung thánh và mở thêm 2 cánh nhằm đáp ứng nhu cầu dự lễ của giáo dân.

 

Trường Châu Văn Liêm

Xét về mặt lịch sử, Trường Châu Văn Liêm Cần Thơ từng là nơi đào tạo nhiều nhân sĩ danh tiếng. Tồn tại theo thời gian trăm năm của ngôi trường hiển nhiên là những dấu ấn, những kỷ niệm, ký ức không chỉ của riêng học sinh, mà còn là một hình ảnh thân thương, quen thuộc với cư dân bản địa.

Ở góc độ kiến trúc và mỹ thuật trang trí, trường mang vẻ đẹp đặc biệt của một công trình đồ sộ với rất nhiều chi tiết sử dụng phong cách Art Décor đang thịnh hành tại Pháp lúc đương thời, ứng dụng vào việc xây trường, tạo nên một di sản đặc biệt của riêng vùng Tây Đô.

Ba dãy nhà ngang hai tầng lầu của trường Châu Văn Liêm tạo thành kết cấu chữ Tam, bố cục song song, dài đến 75m, rộng 12m, với nếp mái ngói dốc, sàn gạch nung, cửa lá sách, trường lang có mái che, được kết nối bằng các khoảng sân rộng thoáng, rợp bóng cây.

Hai tòa biệt thự dùng làm văn phòng điểm xuyết cho tổng thể không gian kiến trúc của trường thêm chặt chẽ, liền mạch. Lối quy hoạch kiến trúc của trường mang công năng phù hợp, là điểm lý tưởng cho
việc học tập, giảng dạy của thầy trò trường qua các thế hệ.

Mưa nắng thời gian khiến công trình đã ít nhiều xuống cấp. Hiện dãy nhà ngang đầu tiên đã phải thay thế ngói bằng mái lợp tôn, dãy cuối đã ngưng sử dụng. Phần nền các kiến trúc thấp hơn so với bình diện chung nên chuyện lụt ngập mỗi khi mưa lớn, triều cường đều chưa có giải pháp khắc phục triệt để, một biệt thự cũng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. 5 công trình xây từ thời Pháp thì nay chỉ còn lại 3 đang được sử dụng.

 

Chùa Munir Ansay

Chùa Munir Ansay là một ngôi chùa Khmer lớn ở thành phố Cần Thơ. Ngôi chùa này không chỉ là một trong những ngôi chùa đẹp nhất của vùng Tây Đô, mà còn là biểu trưng kiến trúc Khme đặc sắc. Chùa Munir Ansay (Muni Răngsây) tọa lạc tại số 36 đại lộ Hòa Bình, thành phố Cần Thơ, được xây dựng năm 1948 bằng vật liệu tre lá đơn sơ.

Sau nhiều đợt trùng tu, xây dựng chùa mới có dáng vẻ như ngày nay. Mãi đến năm 1954 thì cổng chùa mới được xây dựng với kiến trúc mô hình tháp (tam bảo) của Angkor Wat và đến năm 1964 mới xây dựng chánh điện. Cũng như các chùa Khmer khác, chánh điện luôn quay về hướng đông vì theo Phật giáo thì hướng Đông là hướng của các vị thần thánh.

Hằng năm, tại chùa Munir Ansay đều có tổ chức các ngày lễ lớn như Cholchonam Thomay – tết năm mới (ngày 13, 14, 15 tháng 3 âm lịch), Ok-om-Book – lễ đưa nước (tháng 10 âm lịch), Donta – lễ cúng ông bà (tháng 8 âm lịch), lễ Dâng Y của đồng bào Khmer… Lễ được tổ chức vui tươi trang trọng, có nhiều trò chơi dân gian với nhiều hình thức phong phú.

Chùa Munir Ansay là một ngôi chùa Khmer lớn và lâu năm nhất tại Cần Thơ.

 

Đình Bình Thủy

Khi nói đến những công trình kiến trúc tại cần thơ thì không thể không nhắc đến đình Bình Thủy, tên chữ là Long Tuyền Cổ Miếu là một đình thần tại Thành phố Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ.

Đình Bình Thủy tọa lạc tại địa điểm ngày nay thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ. Đình nằm sát với khu cư dân được bao quanh bởi hàng rào tứ giác: Mặt Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200 m, mặt Đông là bờ con rạch Bình Thủy, còn mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong. Từ trung tâm Thành phố Cần Thơ, nếu đi theo đường Nguyễn Trãi qua đường Cách mạng tháng tám và Lê Hồng Phong 5 km là tới đình Bình Thủy.

Đình Bình Thủy nay nằm trên khoảnh đất rộng hơn 4000 m². Cách kiến trúc ngôi đình này khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột to, tròn và đều hơi choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc.

Về trang trí ngoại thất, nhìn trên nóc đình, ta thấy nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng.

Nhìn sang bên trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng giữa là quyển thư (tựa như cuốn thư đình được bày trí ở các đình miền Bắc) bên cạnh đó là giỏ lam đào và bình hoa, ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh. Mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí các hình hoa lá đắp nổi thật tinh tế.

Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức các ngày lễ Thượng điền, Hạ điền rất đông vui. Lễ hội có không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng, với các trò chơi dân gian như thả vịt, kéo co, hát bội, hát tiều, nữ công gia chánh v.v. được duy trì phong phú từ xưa cho đến nay. Đây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi tham gia, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang). Hội đình Bình Thủy là một trong 3 hội đình lớn nhất miền Tây.

 

Nhà thờ họ Dương

Trên địa bàn làng cổ Long Tuyền, hiện còn tồn tại một quần thể nhà cổ với khoảng 34 căn. Trong đó xưa nhất và nổi bật nhất là Nhà thờ họ Dương (còn gọi là Nhà cổ Bình Thủy hay Vườn lan Bình Thủy) ở số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, thuộc phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Đây là một ngôi nhà 5 gian, kiểu Á-Âu kết hợp, tuy xây dựng vào năm 1870, nhưng vẫn được nguyên trạng. Theo tài liệu, thì toàn bộ gạch bông, hoa văn, phù điêu, hàng rào…đều được đặt từ Pháp sang. Ngoài ra, trong ngôi nhà còn có một kho đồ cổ quý giá.

Đặc biệt, ngôi nhà cổ này đã được nhiều người nổi tiếng đến thăm viếng, như: Trần Văn Giàu, Sơn Nam, Học Phi, Xuân Diệu, Xuân Thủy,…Ngoài ra, nó còn xuất hiện trong hàng chục bộ phim, như: Chân Trời Nơi Ấy, Những Nẻo Đường Phù Sa, Công tử Bạc Liêu, Cây Tre Trăm Đốt, Tây Đô và Ban Mai, Xương Rồng Cần Thơ, Người Tình (của đạo diễn người Pháp Annand),…

Tháng 3 năm 2009, ngôi nhà đã được công nhận là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 314/BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Trường Đại học Cần Thơ

Trường Đại học Cần Thơ là một trường đại học vùng ở đồng bằng sông Cửu Long. Tiền thân của Trường Đại học Cần Thơ là Viện Đại học Cần Thơ (thành lập năm 1966).

Viện Đại học Cần Thơ được thành lập ngày 31 tháng 3 năm 1966 nhưng đến tháng 10 năm 1966 mới khai trương. Đây là viện đại học thứ năm của Việt Nam Cộng hòa (bốn viện đại học kia là Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Lạt, và Viện Đại học Vạn Hạnh). Viện Đại học Cần Thơ có bốn phân khoa đại học: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, và Sư phạm. Sau đó viện đại học này mở thêm phân khoa Canh nông. Ngoài ra, Phân khoa Sư phạm có Trường Trung học Kiểu mẫu.

Hiện nay, ĐH Cần Thơ là trường có cơ sở vật chất tối tân đồng bằng sông Cửu Long, với 4 khuôn viên tổng cộng gần 250 ha – lớn nhất nhì Việt Nam.

Trường có 3 khu học chính:

Khu I (số 411, đường 30 Tháng 4, Hưng Lợi, Ninh Kiều, Cần Thơ) là khuôn viên của khoa Ngoại ngữ và Nhà Xuất bản Đại học Cần Thơ

Khu II nằm trên đường 3/2 (đường 3/2, Xuân Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ) là khu lớn nhất tập trung nhiều khoa, các nhà học, viện nghiên cứu, các công trình học tập, kí túc xá.

Khu III là khuôn viên của khoa Công nghệ thông tin (số 1, đường Lý Tự Trọng. An Phú, Ninh Kiều, Cần Thơ)

Khu IV Khu Hòa An ở xã Hòa An,huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang rộng 130 ha là Khuôn Viên của Khoa Phát triển Nông thôn và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, khánh thành năm 2014.


Nguồn: kientrucsuvietnam.vn


2bcd6903-935b-4f09-a41b-ddc15bbcd9cb

Tiêu đề bài viết: Những công trình có kiến trúc đặc trưng nhất tại Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: kientrucsuvietnam.vn.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français