Lịch sử


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975
Ngày đăng: 11/12/2017

Lượt xem:


Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chính quyền cách mạng và nhân dân tỉnh Cần Thơ bước vào giai đoạn cách mạng mới trong hoàn cảnh và điều kiện mới, chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị bảo vệ Hiệp định Genève và thành quả cách mạng. Quân dân toàn tỉnh ra sức xây dựng đời sống mới, mặt khác, vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại các thế lực phá hoại và chống ảo tưởng hòa bình, ngủ quên trên chiến thắng; ý chí và niềm tin của nhân dân vào cách mạng được củng cố hơn lúc nào hết.

Chống chiến tranh đơn phuơng của Mỹ (1960-1961) 

Đánh giá bản chất phản động của kẻ thù, theo chủ trương của cấp trên, Tỉnh ủy cho chôn giấu và dự trữ các hầm vũ khí để chuẩn bị sẵn sàng khi có biến. Đầu năm 1955, địch lật lọng không thi hành Hiệp định Genève, bắt đầu xây dựng lại lực lượng quân sự và bộ máy chính quyền phản động, tuyên truyền lừa mị và hăm dọa khủng bố dân chúng vào các tổ chức phản động. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phát động toàn dân kiên trì đấu tranh đòi thi hành Hiệp định.

Sau khi lập xong chính quyền các cấp, Mỹ Diệm âm mưu đánh vào các lực lượng vũ trang giáo phái nhằm thống nhất quân đội. Các tổ chức giáo phái và tôn giáo đánh trả và tuyên bố ly khai với Mỹ Diệm, thuận lợi cho ta tranh thủ sự hợp tác của các tổ chức này với cách mạng.

 Ngày 26/10/1956 Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống và lập ra chính quyền bù nhìn tay sai “Việt Nam Cộng hòa”, thực hiện những chính sách áp bức bóc lột dân. Nhân dân Cần Thơ tỏ thái độ lơ là, bất hợp tác với chính quyền Mỹ Diệm. Ngô Đình Diệm tuyên bố trắng trợn không thi hành Hiệp định Genève, chống Hiệp thương Tổng tuyển cử và công khai hô hào “tố cộng, diệt cộng”, thẳng tay đánh phá các cơ sở cách mạng, khủng bố dân chúng, ban hành luật 10/59 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi thực hiện phương châm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” để khủng bố tinh thần cách mạng của quần chúng. Tại Tây Đô, Mỹ Diệm gấp rút lập Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu trên xương máu của hàng vạn người dân, gây uất hận sâu sắc trong dân chúng.

 Tỉnh ủy Cần Thơ chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động vũ trang mang danh nghĩ giáo phái, tháng 12/1959, thành lập đơn vị vũ trang Tây Đô; đầu năm 1960, phát động phong trào các mạng quần chúng tiến lên cao trào khởi nghĩa chính trị, vũ trang phá vỡ bộ máy tề điệp ở cơ sở, giành chính quyền làm chủ của nhân dân ở nông thôn, hình thành 3 mũi (chính trị, vũ trang, binh vận) tấn công địch trên mọi mặt. Trong năm 1960, 3 mũi chủ lực này đã tấn công và tiêu diệt địch trong nhiều trận đánh về cả vũ trang và chính trị trên địa bàn toàn tỉnh. Cuộc Đồng Khởi 1960 của nhân dân Cần Thơ đã góp phần cùng miền Nam đánh bại chiến tranh đơn phương của đế quốc Mỹ.

 Chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ (1961-1965) 

 Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã đẩy địch vào thế bị động, năm 1961, Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến tranh đặc biệt bằng kế hoạch Staley – Taylor bình định miền Nam trong 18 tháng với quốc sách “ấp chiến lược” là xương sống, lập hàng loạt ty bộ, khu đoàn để củng cố bộ máy cai trị, mở rộng các căn cứ quân sự (sân bay Trà Nóc, quân cảng Bình Thuỷ…), mở các cuộc đánh phá vùng cách mạng. Tỉnh ủy Cần Thơ tăng cường cán bộ chỉ huy, xây dựng lực lượng vũ trang và du kích, đồng thời phát huy đấu tranh chính trị và bình vận, chống những âm mưu thù địch của địch. Năm 1961, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ được thành lập, lãnh đạo cuộc chiến đấu của nhân dân trong tỉnh giành được những thành quả to lớn : các cuộc biểu tình đòi bồi thường nhân mạng cho những người bị địch giết vô tội vạ, những cuộc tấn công vũ trang tiêu diệt hàng trăm tên địch, tịch thu vũ khí. Cuối năm 1962, kế hoạch bình định miền Nam trong 18 tháng của Mỹ kết thúc không đem lại kết quả, là thất bại bước đầu của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

 Sang năm 1963, hưởng ứng phong trào “thi đua ấp Bắc, giết giặc lập công”, quân dân Cần Thơ đẩy mạnh 3 mũi bao vây tiêu diệt, bức hàng, bức rút nhiều đồn bót giặc, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá rã nhiều mảng ấp chiến lược : diệt gọn khu Một ngàn, ấp chiến lược Cái Nai, Cái Da, Cái Sơn, rạch Cam, diệt đồn Rạch Tra, Tổng Cang, chống xây dựng sân bay Trà Nóc… Phối hợp với phong trào cách mạng ở nông thôn, phong trào diệt Mỹ ở thị xã Cần thơ cũng hết sức sôi động.

 Tháng 11/11/1963, Mỹ đảo chính chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm, chính thức nhảy vào xâm lược Việt Nam. Chớp thời cơ nội bộ địch rối ren, quân dân phối hợp tấn công diệt đồn Phú Xuân I, Phú Xuân II, đồn Tầm Vu, đồn Kinh Xáng và hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược ở nhiều nơi… vùng giải phóng được mở rộng, phát động phong trào xây dựng xã ấp chiến đấu. Kế hoạch Staley – Taylor của Mỹ thất bại. Quân dân miền Nam nói chung và tỉnh Cần Thơ nói riêng đứng trước nhiệm vụ mới : đánh bại kế hoạch Johnson – Mc Namara và “bình định trọng điểm”, làm tiêu hao sinh lực địch và khẩn trưong xây dựng lực lượng của ta về mọi mặt.

 Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với du kích tấn công tiêu diệt các đồn Cây Me (Ô Môn), đồn Giáo Dẫn và ban tề xã Bình An (Trường Lạc), đồn Kinh Ngang - Thới Đông, phối hợp với binh vận diệt 2 lô cốt cầu Rạch Gốc và đồn Vịnh Chèo (Vị Thanh, Long Mỹ). Ở thị xã hoạt động đấu tranh vũ trang và chính trị của quần chúng cũng rất sôi nổi

Phong trào cách mạng ở Cần Thơ từ 1961-1965 phát triển toàn diện đã đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” và chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo tiền đề cho những giai đoạn sau của cuộc kháng chiến.

 Chống “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965-1968) - tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

 “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ vội vàng đưa quân chiến đấu của Mỹ và các nước chư hầu tham chiến ở miền Nam Việt Nam, tiến hành “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và “Chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc.Từ 23.300 lính Mỹ năm 1964 đến năm 1968 đã lên đến 543.000 tên và 550.000 tên lính ngụy quân, ngoài ra Mỹ còn tăng cường những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất bấy giờ để tiến hành cuộc chiến ở Việt Nam. Mục tiêu chiến lược là tìm diệt quân chủ lực của ta và đẩy mạnh chương trình “bình định nông thôn”. Cần Thơ được xác định là chiến trường trọng điểm của miền Tây Nam bộ, Mỹ đặt ở đây các cơ quan đầu não lớn như : lãnh sự quán, cục tình báo, các khu quân sự, cảng và sân bay quân sự cùng các kho đạn lớn, lập đài phát thanh và truyền hình ở Cần Thơ.

 Từ 1965 đến 1967, Mỹ gây 3 cuộc thảm sát lớn : ném bom nhà thờ Ông Hào, cuộc thảm sát trên sông Cầu Nhiếm, và cuộc thảm sát ở Cái Cao giết chết hàng ngàn người chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em.

 Trong hai năm 1966-1967, lực lượng vũ trang 3 thứ quân tỉnh phối hợp với lực lượng Khu liên tục đánh phá địch :

 - 30/3/1966, biệt động thành Cần Thơ và pháo binh bắn phá sân vận động “Cửu Long”, hàng trăm lính Mỹ tiêu vong.

 - 7/7, 19/12/1966 và 8/5/1967, pháo kích vào sân bay Trà Nóc phá hủy hàng chục máy bay và tiêu hao hàng trăm tên Mỹ - ngụy.

 - Tháng 10/1967, biệt động phối hợp với cơ sở tại chỗ tấn công vào Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Quân khu 4 tiêu diệt hàng chục tên địch trong đó có 4 cố vấn Mỹ.

 - Tháng 12/1967, đánh vào Tòa lãnh sự Mỹ, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ. Cùng tháng, ta đốt kho xăng lộ 19, thiêu hủy 2 triệu lít xăng.

 Cùng với phong trào vũ trang sôi động, phong trào quần chúng cũng phát triển rầm rộ với hàng loạt cuộc biểu tình, chống phá chính quyền địch. Trong thời gian này, công tác binh vận cũng phát triển mạnh về cả chất lượng và hình thức. Bên cạnh chiến đấu ác liệt, tình hình sản xuất và xây dựng đời sống được nâng cao rõ rệt.

 Mùa khô 1967, kế hoạch 2 gọng kềm (tìm diệt và bình định) của địch thất bại, địch rơi vào thế bị động. Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định “chuyển cuộc cách mạng miền Nam Việt Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Theo chỉ thị của Khu ủy, tỉnh Cần Thơ khẩn trương chuẩn bị tinh thần và vật chất cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. tỉnh Cần Thơ và thị xã Cần Thơ được chọn làm trọng điểm số 1. Theo kế hoạch, quân tổng lực của ta sẽ cùng nhân dân đồng loạt tấn công và nổi dậy ở thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, các thị trấn và đồn bót ờ nông thôn và đúng đêm 30, rạng sáng mùng Một Tết Mậu Thân 1968.

 Đúng như kế hoạch, đêm 30 rạng mùng Một Tết, tiếng súng tiến công vang dậy thay cho tiếng pháo đón giao thừa. Mở đầu, đội biệt động thành phố Cần Thơ đánh vào đơn vị cảnh sát dã chiến ở cầu Đầu Sấu, mở đường cho tiểu đoàn Tây Đô chia làm 2 mũi đánh vào thành phố Cần Thơ : một đánh thẳng vào Toà lãnh sự và Cơ quan tình báo Mỹ, một đánh chiếm khu Văn hóa và khu xáng thổi. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt với sự tham chiến của các đơn vị không quân và pháo binh hiện đại của địch, lực lượng ta vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu. Ở nội ô thành phố Cần Thơ, du kích mật và cơ sở của ta phát tán truyền đơn loan tin quân cách mạng về giải phóng thành phố. Sau 4 ngày đêm chiến đấu ác liệt và dũng cảm, đêm mùng 4, rạng mùng 5 ta rút khỏi nội ô, bám trụ ở vùng ven tiếp tục chiến đấu , pháo kích vào các cứ điểm, các cụm phòng ngự của địch. Đêm mùng 7, hai tiểu đoàn của ta phối hợp với 3 nội tuyến của ta trong hàng ngũ địch tấn công vào sân bay Lộ Tẻ và trại lính, giết hàng trăm tên và phá hủy nhiều kho tàng, vũ khí. Mùng 8 âm lịch, địch phản kích quyết liệt,, chiến sự diễn ra giằng co ở lộ Vòng Cung cho đến tận tháng 5/1968, ta mới rút khỏi Vòng Cung nhưng vẫn bám trụ ở Châu Thành tiếp tục chiến đấu. Đồng loạt trên toàn tỉnh Cần Thơ, chiến sự diễn ra ác liệt trong thế giằng co.

 Trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trên địa bàn tỉnh Cần Thơ ta loại khỏi vòng chiến 25.000 tên địch, thu 600 súng các loại, diệt và bức rút 56 đồn, bắn rơi và phá hủy hàng trăm máy bay, giải phóng 4 xã và nhiều ấp, giành quyên làm chủ trên 100.000 dân (chiếm 2/3 dân số tỉnh). Cuộc tổng tiến công đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, và chấp nhận đàm phán.

 Tuy nhiên, do sau Tết Mậu Thân, do chuyển hướng chỉ đạo nên lực lượng ta chịu tổn thất rất nặng nề, ảnh hưởng lớn đến giai đoạn chiến đấu sau.

 Chống “Việt Nam hóa chiến tranh”của đế quốc Mỹ (1969-1973)

 Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” biến cuộc xâm lược thành nội chiến “nồi da nấu thịt” của người Việt”, thay thế quân đội Mỹ và chư hầu bằng quân đội Ngụy ngày càng đông đảo. Sau Tết Mậu Thân, quân ta thất bại nặng nề, địch chiếm lại hầu hết các cứ điểm quan trọng. Tuy ở thế cố thủ để củng cố và xây dựng lại cơ sở cách mạng nhưng cuộc chiến đấu của quân dân Cần Thơ vẫn rất sôi động trên mặt trận vũ trang và chính trị. Chỉ trong 2 năm 1971-1972, sau khi củng cố lại lực lượng, quân dân Cần thơ đã loại khỏi vòng chiến hàng chục ngàn tên địch, thu hàng ngàn súng, bức rút hơn 30 đồn bót.

 Cuối năm 1971, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam bộ, Trị Thiên, Tây Nguyên và hình thành cuộc tổng tiến công toàn miền để tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng. Tại mặt trận Cần Thơ, quân dân ta giành thắng lợi giòn giã, diệt hàng chục ngàn tên địch, giải phóng hoàn toàn 4 ấp, phá lỏng 152 ấp, diệt 163 đồn, tất cả các cơ sở Đảng và cách mạng đề được củng cố và phát triển. Thắng lợi năm 1972 của cả nước nói chung và Cần thơ nói riêng đã khiến Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari 27/1/1973. Tuy nhiên, Mỹ ngang nhiên phá hoại hiệp định ngay sau đó, tổ chức các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” để “bình định lấn chiếm” các vùng giải phóng của ta, Đảng bộ Cần Thơ gấp rút bàn kế hoạch chống âm mưu phá hoại hiệp định của Mỹ, tất cả sức người sức của được dồn cho cuộc chiến, kết thúc năm 1973, trên chiến trường Cần thơ, ta đã đánh bạI âm muu bình định lấn chiếm của Mỹ.

 Tiến đến giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ

 Trong 2 năm 1973-1974, với 3 mũi giáp công và 3 thứ quân, quân dân Cần Thơ đã giành được những thắng lợi to lớn, tạo tiền đề để giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ.

 Ngày 5/12/1974, ta mở màn chiến dịch, quân chủ lực và địa phương phối hợp chặt chẽ tấn công đồng loạt phân khu quân sự của địch ở Cần Thơ, tiêu diệt một lượng lớn sinh lực địch; cuộc chiến trên mặt trận chính trị cũng rất sôi nổi, hàng vạn lượt quần chúng cùng hợp sức với lực lượng vũ trang bao vây đồn bót và tham gia phục vụ chiến dịch.

 Đến tháng 4/1975, Ngụy quyền Sài Gòn ngày càng yếu thế và đứng trước nguy cơ sụp đổ, phải xin chi viên của Mỹ. Thời cơ cách mạng đã chín muồi, Tỉnh ủy Cần Thơ triển khai Nghị quyết của Trung ương Đảng, hạ quyết tâm giải phóng tỉnh Cần Thơ, nằm trong kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

 Ngày 26/4/1975, ngay khi Thiệu từ chức, Khu ủy miền Tây Nam bộ đã phát lênh tấn công đặt Cần Thơ là trọng điểm, lực lượng ta chia làm 2 hướng : một áp sát lộ Cần Thơ chuẩn bị tiến vào thành phố, một tiến ra Xóm Chài chuẩn bị vượt sông vào thành phố.

 Ngày 28/5/1975, tòa lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ rút chạy, nguỵ quân ngụy quyền hoang mang cao độ. Suốt ngày đêm 28-29/4/1975 bộ đội chủ lực ta hành quân vượt qua các phòng tuyến tiến vào thành phố.

 10h30 ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ở Sài Gòn, ở các địa phương của tỉnh Cần Thơ, nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Cùng với các lực lượng chủ lực tiến vào giải phóng Cần Thơ, cho đến ngày 4/5/1975, tỉnh Cần Thơ được giải phóng hoàn toàn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ.



53e59cfb-63d9-4f00-94ca-a06c9b86651d

Tiêu đề bài viết: Kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975. Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français