Món ngon Cần Thơ


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Ẩm thực ngày Tết của người Nam bộ
Ngày đăng: 31/01/2019

Lượt xem:


Tìm hiểu Tết Nam bộ là một khám phá lý thú về ẩm thực và về tính cách người dân nơi đây, không câu nệ, không cầu kỳ. Dân Nam bộ quan niệm ăn Tết là phải “xả láng” và “chịu chơi”, gác lại những công việc hàng ngày để đón mừng năm mới, đúng với tính cách phóng khoáng của người dân phương Nam. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học công nghệ đã phần nào làm cho Tết có nhiều biến đổi, nhất là ở Nam bộ - vùng đất trung tâm của sự giao lưu, phát triển kinh tế, nơi hội tụ nhiều nền văn hóa. Mặc dù vậy, những món ăn cổ truyền như bánh tét, thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, dưa kiệu tôm khô, bánh tráng cuốn... đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân. Những món ăn truyền thống này chứa đầy ý nghĩa, mang đậm dấu ấn của một thời khẩn hoang, mở cõi của người dân nơi đây, ít nặng về nghi thức, phù hợp với khí hậu nắng nóng của phương Nam.
Gói bánh tét ngày Tết. Ảnh: ST

Bánh tét

Bánh tét là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của người dân Nam bộ. Về nguồn gốc của bánh tét vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng bánh tét là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm; có ý kiến khác về nguồn gốc, vua Quang Trung được một anh lính mời ăn bánh tét do người nhà gửi tới, cảm động về câu chuyện của anh lính và thấy bánh ngon nên vua ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn tết nhằm ghi nhớ sự kiện lịch sử chiến thắng quân Thanh và thể hiện tình cảm gắn bó gia đình vào dịp xuân về...

Tên gọi bánh tét cũng vậy, có ý kiến tên bánh là bánh Tết - loại bánh được gói và cúng ông bà tổ tiên trong dịp Tết, sau này dân gian gọi trại thành bánh tét; ý kiến khác cho rằng tên bánh bắt nguồn từ cách thức ăn bánh, dùng dây tét bánh thành từng khoanh.

Dù có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc và tên gọi, nhưng từ bao đời nay, bánh tét - tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy, đã trở thành loại bánh truyền thống, mang nhiều ý nghĩa nhân sinh của người dân Nam bộ.

Bánh tét thấm đậm triết lý âm dương, ngũ hành, sự hòa hợp của đất trời. Hạt gạo chính là tinh hoa của sự hòa hợp giữa âm và dương, giữa trời và đất; màu sắc của bánh tét đầy đủ năm màu trong ngũ hành: đen (tiêu) tượng trưng cho hành thủy, đỏ (lòng đỏ trứng muối hay dán giấy đỏ bên ngoài bánh) tượng trưng cho hành hỏa, xanh (màu của lá, của vỏ bánh) tượng trưng cho hành mộc, trắng (thịt mỡ) tượng trưng cho hành kim, vàng (nhân đậu xanh) tượng trưng cho hành thổ.

Ngày xuân, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cỗ Tết, thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon với màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, của lá dứa, vị béo của thịt, ngọt bùi của đậu, cay nồng của tiêu sẽ là hương vị đậm đà khó quên trong không khí Tết truyền thống.

Thịt kho tàu

Thịt kho hột vịt, thịt kho trứng, thịt kho nước dừa, thịt kho rệu đều là tên gọi của món ăn đặc trưng có nguồn gốc Nam bộ này. Nhiều người nghe cái tên thịt kho tàu nghĩ rằng món ăn này có nguồn gốc từ người Hoa, nhưng theo Bình Nguyên Lộc, chữ “tàu” ở đây có nghĩa là “lạt” và là món ăn thuần Việt.

Tết đến gia đình người Nam bộ, thưởng thức đĩa thịt kho mềm, màu vàng nâu sóng sánh, thơm nức mùi nước dừa, vị ngọt thanh của nước dừa, đậm đà của vị thịt ăn kèm với dưa giá, củ kiệu, mới cảm nhận hết được sự nồng ấm, hào sảng của Tết phương Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân Nam bộ chọn món ăn này là món ăn đặc trưng đầu năm, bởi vì trong món ăn thuần Việt này, cư dân đã gửi gắm cả vị Tết, hương xuân, gửi gắm cả ước mong một năm mới vẹn tròn, sung túc, đủ đầy. Miếng thịt kho tàu được xắt vuông tượng trưng cho âm, hột vịt tròn tượng trưng cho dương, thể hiện sự vẹn toàn.

Canh khổ qua

Theo tư duy của cư dân Nam bộ thường chọn món ăn theo ý nghĩa nội dung tên gọi, phát âm hoặc hình ảnh thể hiện sự sung túc. Như mâm ngũ quả gồm các loại trái cây cầu, sung, dừa, đủ, xoài. Để mâm ngũ quả sinh động màu sắc, người dân cũng thêm các loại trái cây khác như quýt (có nghĩa là cát tường, tốt lành), tắc (đắc lợi), thơm (thơm tho); dưa hấu xẻ ra trong ngày mùng một Tết phải đỏ ngon thì cả năm mới may mắn; Tết không cúng chuối vì phát âm có nghĩa là “chúi”...

Cùng với món ăn ngày Tết, món canh khổ qua cũng là một món ăn không thể thiếu của người dân đất phương Nam. Có tô canh khổ qua trên mâm cỗ tạo cho gia đình một sự yên tâm về mặt tâm lý, vì món canh khổ qua có ý nghĩa là niềm hy vọng về một năm mới mọi sự suôn sẻ, may mắn, mọi khó khăn vất vả của năm cũ sẽ qua đi.

Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của cư dân Nam bộ. Ảnh: ST​

Canh khổ qua có vị ngọt thanh nhẹ, hơi nhẫn đắng, canh khổ qua còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp giải “ngán” khi ăn các món ăn nhiều đạm, nhiều chất béo trong ngày Tết. Loại quả này rất bình dị, dân dã, dễ trồng, cách chế biến đơn giản, chỉ cần vài quả khổ qua tươi, nạo bỏ hột, thịt băm nhỏ trộn với mọc hoặc sang hơn thì dùng cá thác lác nhồi vào bên trong rồi dùng nước hầm xương để nấu là đã hoàn tất món ăn, đơn giản đúng như cái chất mộc mạc của người dân Nam bộ.

Bánh tráng cuốn

Món bánh tráng cuốn là món ăn dễ làm, dễ ăn, tiện lợi, dễ chế biến, nhanh gọn. Ngày Tết ở Nam bộ, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn xấp bánh tráng, đi chơi Tết về chỉ cần ít rau sống, rau thơm, củ kiệu, tôm khô là cũng đã xong một bữa.

Bánh tráng cuốn có nhiều loại, có thể xem đây là cả một thế giới nguyên liệu động thực vật thu nhỏ, ngoài nguyên liệu cơ bản là rau sống, các loại rau thơm, nói chung thứ gì cũng có thể cuốn được. Gỏi cuốn tôm thịt chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt, đồ chua; thịt luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm; nem nướng, đậu phộng cuốn bánh tráng chấm tương; bì cuốn chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt; thịt kho tàu, chả ram, thịt ram, trứng chiên, cá hấp, cá chiên... đều có thể cuốn, vừa ngon vừa lạ miệng.

Món bánh tráng cuốn trong ngày Tết phần nào đã thể hiện phong cách của người dân Nam bộ, không cầu kỳ, ăn uống thiên về dân dã, cách chế biến đơn giản, không chú trọng nhiều về hình thức. Đây cũng chính là sự thể hiện chân tình theo phong cách rất Nam bộ, một đặc tính chung và cũng là “tính nết” điển hình của người Việt phương Nam.


Nguồn: Tourismcantho.vn


Các tin khác:
Giữ hồn quê giữa phố  (05/01/2021)
Món Nấm ngon lạ tại Nhà hàng chay đẹp nhất Cần Thơ  (28/10/2020)
Ðậm đà hương vị lẩu cù lao  (14/09/2020)
Món ngon Cần Thơ  (04/09/2020)
Chè 100 món và loạt quán ăn vặt ngon ở Cần Thơ  (04/09/2020)

a1baf6e6-fb6e-41fc-a5e2-8f75990d9fc8

Tiêu đề bài viết: Ẩm thực ngày Tết của người Nam bộ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Tourismcantho.vn.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français