Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
“Liệu bề đát được thì đươn”...
Ngày đăng: 23/10/2020

Lượt xem:


“Liệu bề đát được thì đươn, đừng gầy bỏ đó thói thường cười chê”. Câu ca dao thoạt nghe có vẻ nhẹ tênh, nhưng lại chứa tầng tầng câu chuyện của nghề truyền thống đươn đát rất phổ biến và là nét văn hóa ở Nam Bộ.
Trình diễn đươn đát trong chương trình Sắc xuân miệt vườn tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Nam Bộ ngày trước mênh mông đồng ruộng, cò bay mỏi cánh, nên việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa nơi này với nơi khác ít nhiều bị hạn chế. Và cũng do đặc điểm làm ruộng lúa mùa một vụ, nên nông dân ở đây tận dụng thời gian nông nhàn, làm thêm một số nông ngư cụ để đánh bắt kiếm sống.

Hầu hết những vật dụng phục vụ sinh hoạt đời sống mang tính tự túc tự cấp ấy đều được bà con làm từ các loại nguyên liệu có sẵn rất nhiều ở địa phương. Vùng đất cao thì có dây mây, cọng lác, cọng bàng, lá cây thốt nốt...; vùng đất thấp thì sẵn đó vườn tre bụi trúc quanh nhà, thậm chí cọng lục bình cũng trở thành nguyên liệu.

Cho nên có thể nói, ở vùng đồng bằng Nam Bộ không nhà nào không biết đươn đát; từ phụ nữ, trẻ em trong gia đình đến “nghề” nhất phải nói là các cụ ông. Sản phẩm do các cụ làm ra thì không thể chê vào đâu được, vì rất sắc sảo, khéo, đẹp lại bền.

Ðươn và đát tuy chỉ là một công việc, nhưng nội hàm của tiếng đôi này mang hai nghĩa phân biệt. Ðươn là dùng những nan/sợi kết dính lại thành tấm theo một kích thước nhất định bằng cách xỏ luồn nan/sợi ngang, dọc. Còn đát cũng không khác đươn nhưng phải dùng sợi nan nhỏ hơn cặp theo sợi nan lớn cốt để tăng phần cứng chắc ở phần ngoài cùng tấm “mê”, chỗ sẽ nức vành/ miệng (thúng, rổ…) sao cho tròn, khéo. Thế nên không phải ai biết đươn cũng biết đát!

Chỉ nói về đươn thôi cũng đã khá nhiêu khê. Ðươn “long mốt” như đươn cái sề thì dễ, cứ một nan trên một nan dưới là xong. Ðươn “long hai” cũng thế, nó chỉ khác long mốt là thay vì bắt (lấy) một nan, người ta bắt hai nan (rổ, đệm, giỏ cá). Ðến “long ba” (đươn cái thúng nên cũng gọi đươn “long thúng”) thì phức tạp, phải “bắt hai đè ba bắt bốn”. Chuyện kể rằng có một chàng rể nọ cùng vợ về thăm nhạc gia. Ông già vợ chỉ bó nan đã vót sẵn bảo chàng ta đươn cái mủng (nhỏ hơn cái thúng) đặng đem về bển, có mà xài. Anh vốn chưa hề biết đươn thúng, mủng, nhưng vì ngán ông già vợ nên cũng lấy nan sắp ra, rồi cứ lớ quớ mãi chẳng biết phải đươn như thế nào, chị vợ đang nằm đong đưa trên võng dỗ con ngủ, thấy vậy bèn hát:

“Ầu ơ... con cu nó đậu nhánh mè,

Bắt nhị bắt tứ mà đè chữ tam ơ...”

Nghe, anh hiểu đó là “bài thiệu”, bèn khấp khởi mừng, đưa mắt “đá lông nheo” với vợ thầm cảm ơn sự “cứu bồ”, rồi áp dụng. Trước hết anh bắt lên hai nan, luồn cọng nan đang cầm trên tay ngang qua; đếm ba nan nhưng để y đó, đoạn bắt lên bốn nan, luồn qua; lại đè ba nan, rồi trở lại bắt hai nan như khi nãy, cứ “bắt hai đè ba bắt bốn” mà đươn tới.

Còn đươn giỏ, dù giỏ nhỏ (đựng cá đồng) hay giỏ bảy (dùng đong lường cá - một giỏ này bằng 7 giỏ nhỏ) thì đươn “long sen” (đít giỏ đươn long mốt, miệng giỏ đươn long hai).

Ðươn cái sàng và cái giần thì đươn “long thừa”. Trước hết gầy một cặp nan ngang và một cặp nan dọc, bắt đầu ở giữa rồi đươn ra 4 phía. Dân gian có câu “lỗi long thừa lỗi ra” ý nói nếu con hư trước hết là do từ trong nhà, cha mẹ không biết dạy con - thiếu giáo dục.

Ðươn giần, sàng phải bỏ góc cho tròn vòng, như vậy khi sàng hạt gạo mới nhóm lại giữa. Sàng nói đây là loại đồ đươn trảng lòng, đít bằng, dùng để tách phân các loại cỡ hạt, khi sử dụng thì cầm hai tay lắc đảo vòng vòng, hạt nhỏ theo kẽ rơi xuống đệm, hạt cội còn lại trên sàng, chứ không phải loại sàng dùng để chứa cá đồng đem bán ở chợ. Giần cũng giống như sàng nhưng lỗ nhuyễn hơn, dùng để phân gạo bắt tấm và sảy bỏ bụi cám, thóc. Về sàng, sảy thì các bà, các chị “độc quyền” nhờ rất khéo tay nên cánh đàn ông không dễ bắt chước!

Vật dụng được đươn đát từ tre, trúc rất quen thuộc với đời sống người dân Việt Nam. Trong ảnh: Nghệ nhân hướng dẫn giới trẻ sàng gạo. Ảnh: DUY KHÔI

Ðươn cái quả giống như đươn cái rổ nhưng quả có đế là miếng tre dựng đứng bề cạnh uốn tròn hoặc làm hình chữ thập đặng để cho vững, có nắp đậy, thường dùng đựng đồ may vá quần áo, gọi rổ may, hoặc dùng làm đồ đựng bánh trái, như mâm đựng sính lễ trong việc hôn nhân tuyệt khéo và đẹp, nên phải đươn “long bối” rất công phu, người có tay nghề cao mới đươn được.

Ðươn cái gàu (tát nước, hoặc thùng dùng gánh nước - nhưng dẹp, nhọn đít) cũng phải “kỹ thuật đầy mình”.

Ðó chỉ là đươn, còn đát thì khó hơn nhiều, vì vậy không phải ai biết đươn cũng biết đát. Những người mới làm quen với nghề thường bị nhắc nhở bằng câu ca dao mở đầu bài ở trên.

Thật vậy, đát là đươn ở ngoài bìa của miếng mê, tức phần đã đươn bình thường bằng những sợi hay cặp sợi nhỏ hơn, sao cho khi bóp túm lại đặng nức vành/miệng (thúng, rổ, gàu…) nhằm làm cho sản phẩm thêm cứng chắc, sắc sảo.

Sản phẩm nghề đươn đát ở nông thôn Nam Bộ rất đa dạng. Tùy từng loại nguyên liệu mà ngày trước người ta đã làm ra được hàng chục, hàng trăm sản phẩm lớn nhỏ khác nhau. Nếu là cây tre, trúc thì đươn thúng, rổ, giần, sàng, nia, giỏ, cần xé, cối xay lúa, ky, rù, bò, mê bồ, lờ, lọp, vách nhà, sàn nước... Lá thốt nốt thì đươn quạt. Cọng lục bình đươn giỏ, thảm, nệm. Cỏ bàng dùng đươn đệm, nóp, nón, cặp học sinh, giỏ, bao cà ròn, buồm, trần... Dây mây thì đươn võng, gối nằm, ghế dựa, làm tượng thờ (như tượng Ðịa Tạng, Quan Âm Tôn Trí trong Tây An cổ tự ở núi Sam). Sậy thì được đập dập đươn liếp phơi thuốc (lá thuốc đã xắt nhuyễn)...

Ngày trước nhà nào cũng phải tự đươn vật dụng để dùng. Còn nay, dù đã có nhiều đồ nhôm, nhựa giá rẻ, lại đẹp, nhưng sản phẩm nghề đươn đát do có tính ưu việt (nhất là về bảo vệ môi trường) nên vẫn phổ biến ở các chợ nông thôn, thậm chí phát triển mở rộng và được xuất khẩu. Nghề đươn đát đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, chủ yếu lấy công làm lời, vì hầu hết các loại nguyên liệu đều là “cây nhà lá vườn” có sẵn tại địa phương, giá rẻ, thậm chí có thứ thuộc loại “cỏ rác”. Ðơn cử như lục bình từng bị cho là phát triển rất nhanh và rất khó diệt, dưới kinh rạch thì ngăn trở sự đi lại của ghe xuồng, trên ruộng thì tranh phân với cây lúa, nay trở nên quý nhờ nghề đươn đát. Các sản phẩm đươn đát làm ra từ cọng lục bình đem xuất khẩu rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bởi vậy ngày nay câu nói “Cùng nghề đươn thúng, túng nghề đươn nia” dường như không còn phù hợp.


Nguồn: Báo Cần Thơ


5c88ae5a-704f-45ae-b3a1-2e7de14fac90

Tiêu đề bài viết: “Liệu bề đát được thì đươn”.... Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français