Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Phát triển nghệ thuật biểu diễn ở Cần Thơ
Ngày đăng: 31/12/2020

Lượt xem:


Đề án “Phát triển năng lực nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nghệ thuật biểu diễn TP Cần Thơ đến năm 2020” được UBND thành phố phê duyệt từ cuối năm 2017. Thực tế sau 3 năm thực hiện, việc nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn ở Cần Thơ đã có chuyển biến nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề...
Chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ do Nhà hát Tây Đô thực hiện. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, chương trình hiện tạm dừng.

Mới đây, tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020, cả 2 nghệ sĩ của Nhà hát Tây Ðô dự thi đều đoạt thành tích. Nghệ sĩ Kim Ngân thi diễn vai Nguyễn Thị Lộ trong trích đoạn “Oan khiên” (tác giả Lưu Quang Hà, chuyển thể Ðăng Huy) đoạt HCB; nghệ sĩ Hồng Giang thi diễn vai tiểu thư Phan Si trong trích đoạn “Tình yêu và danh vọng” (tác giả Văn Trọng Hùng, chuyển thể Vũ Huy) được trao giải Tài năng triển vọng. Ðây là 2 nữ nghệ sĩ trẻ, tiếp nối các thế hệ nghệ sĩ đã đạt nhiều thành tích nghệ thuật đang công tác tại Nhà hát Tây Ðô như NSƯT Hoàng Khanh, Châu Ngân, Phương Anh, Hồng Thủy, Lê Duy...

Trước đó 2 nghệ sĩ khác của Nhà hát Tây Ðô dự thi Giải thưởng Trần Hữu Trang 2020 đều được vào vòng chung kết. Trong đó, nghệ sĩ Hải Linh đoạt HCB với vai ông bầu trong trích đoạn “Miền nhớ”, hạng mục kép lão. Một vài thành tích trên đây cho thấy sự đầu tư, chăm bồi nhân lực cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp ở Cần Thơ.

Theo thống kê, nguồn nhân lực cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Cần Thơ hiện nay khá đông, với khoảng 138 nghệ sĩ, diễn viên; chưa tính lực lượng cộng tác viên ở các loại hình nghệ thuật với con số lên đến hơn 1.000 người. Với lực lượng nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, sau khi đoàn ca múa nhạc từ Nhà hát Tây Ðô chuyển về Trung tâm Văn hóa thành phố thì chỉ còn Ðoàn Cải lương Tây Ðô trực thuộc nhà hát với 13 diễn viên.

Thời gian qua, Nhà hát Tây Ðô được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng với kinh phí gần 1 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trung tâm Văn hóa thành phố cũng được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, khung đèn sân khấu, màn hình led với tổng kinh phí khoảng 7,3 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Sự đầu tư này đã đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động, biểu diễn của các thiết chế văn hóa tại TP Cần Thơ.

Một điểm nổi trội trong phát triển nghệ thuật biểu diễn ở Cần Thơ là sự góp mặt của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Ðến nay, thành phố đã cấp phép cho hơn 20 đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang trên địa bàn; tiếp nhận 80 đoàn nghệ thuật ngoài công lập đến TP Cần Thơ biểu diễn. Một số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nghệ thuật ở Cần Thơ góp mặt trong nhiều chương trình, sự kiện có thể kể đến như Vũ đoàn Hồng Anh, Tây Ðô Model, Ðoàn Lân - Sư - Rồng Việt Anh Ðường, CLB Thiếu nhi Mặt trời bé con... Ông Lê Quang Việt, Trưởng Ðoàn Lân - Sư - Rồng Việt Anh Ðường, nói: “Chúng tôi xem việc tham gia những chương trình biểu diễn nghệ thuật như cơ hội để trau dồi nghề nghiệp, giao lưu và học hỏi thêm nhiều kỹ năng”.

* * *

Tuy nhiên, phải thừa nhận thực trạng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp ở TP Cần Thơ đang “già hóa”. Rõ nhất ở Ðoàn Cải lương Tây Ðô, nghệ sĩ nhỏ tuổi nhất cũng gần 30 tuổi, tuổi trung bình cũng hơn 40. Lực lượng nghệ sĩ trẻ, thế hệ kế thừa gần như không có.

Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Ðô, nhìn nhận: Một số diễn viên còn thụ động, chưa chọn cho mình những tác phẩm hay, mà chỉ chờ đơn vị giao cho. Với sân khấu biểu diễn định kỳ, hầu như chưa thu hút khán giả vì kinh phí ít, không đủ đầu tư để thực hiện chương trình quy mô. “Chương trình biểu diễn tại chỗ nên chưa được thông tin rộng rãi đến với người xem, thiếu sự kết hợp với đài truyền hình địa phương để đưa tác phẩm đến với công chúng”, ông Hồng Quốc Khánh chia sẻ.

Bên cạnh các giải pháp về cử đào tạo, nâng cao trình độ cho diễn viên, nghệ sĩ, ông Hồng Quốc Khánh cho rằng nên có chế độ đãi ngộ, tăng mức thù lao cho nghệ sĩ. Theo quy định hiện nay, mức thù lao cho mỗi suất diễn là từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/người.

Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Ðô cũng trăn trở về việc đào tạo nguồn nhân lực soạn giả cải lương, biên kịch, đạo diễn. Nhiều năm qua, khi Ðoàn Cải lương Tây Ðô dựng vở mới là lại thuê soạn giả viết kịch bản, thuê người dàn dựng... Ðiều này đôi lúc rất bị động lại thiếu chiều sâu. Nhắc lại chuyện “già hóa” ở đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng cần “giải cứu” nhanh chóng để “tính đường dài”.


Nguồn: Báo Cần Thơ


e8c63632-4f4d-4097-84ab-a645a3f07912

Tiêu đề bài viết: Phát triển nghệ thuật biểu diễn ở Cần Thơ . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français