Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Lý thú những phong tục miệt Nam Sông Hậu
Ngày đăng: 06/07/2020

Lượt xem:


Nhà nghiên cứu Trần Minh Thương vừa ra mắt tập biên khảo “Phong tục miệt Nam Sông Hậu”, do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Miệt Nam Sông Hậu là vùng văn hóa thuộc các địa phương nằm ở phía Nam của Sông Hậu, gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và Kiên Giang. Tập biên khảo có những lý giải rất lý thú.
Cô dâu miệt Nam Sông Hậu trong lễ xuất giá.

Gặp gỡ, tặng chúng tôi tập sách này, nhà nghiên cứu Trần Minh Thương hồ hởi cho biết, đây là những trang viết anh tâm đắc, viết từ những gì đã nghe, đã biết và đã trải qua trong đời. Theo anh, từ khi đứa trẻ sinh ra, được cha mẹ nuôi nấng trưởng thành, rồi dựng vợ gả chồng, cất nhà ra riêng… cho đến khi già yếu rồi ngày nào đó “theo ông theo bà” về với tổ tiên, song hành với mỗi chặng đường đời ấy là những dấu ấn khó phai mờ. Ðó là những tục cúng đầy tháng, thôi nôi, coi vợ, ở rể, cất nhà, cúng cơm… Bây giờ, những nghi lễ gắn với phong tục, tập quán ấy có cái còn lưu giữ, có cái phôi pha theo năm tháng. Ðó cũng là quy luật khó cưỡng cầu, dù rằng sẽ mang lại ít nhiều nuối tiếc cho những ai hoài cổ. “Từ những ký ức, những điều học được ở người khảo cứu đi trước, cùng với việc được trực tiếp tham gia, được nghe những bậc cao niên kể lại, tôi ghi chép lại với hy vọng lưu lại chút dư vị xưa còn vương vấn ở miệt Nam Sông Hậu” - nhà nghiên cứu quê Sóc Trăng chia sẻ.

Với tâm tình đó của tác giả, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số phong tục lý thú ở miệt Nam Sông Hậu.

►Vì sao người Nam Bộ gọi con đầu lòng là thứ Hai?

Khác với người miền Bắc gọi con đầu lòng là Cả, người Nam Bộ nói chung, miệt Nam Sông Hậu nói riêng, gọi con trưởng là thứ Hai. Nhà nghiên cứu Trần Minh Thương đưa ra 3 cách lý giải. Thứ nhất, dân gian Tây Nam Bộ tin rằng việc vua Gia Long sau khi lên ngôi hoàng đế đã không lập Hoàng hậu, không phong Ðông cung Thái tử để dành vị trí này tưởng nhớ người vợ là Tống Thị Lan và Hoàng tử Cảnh, người con trai cả đã mất. Từ đó trong dân gian không ai dám gọi con lớn là con Cả. Thứ hai, bà con xác tín trong tâm thức, đứa con Cả là đứa con trong tưởng tượng, đã đi khỏi nhà làm thảo khấu từ trước khi có các em. Ngày đứa con này về cướp hòm vàng thì gặp ngay quan tài cha/mẹ gắn liền với câu chuyện “Nhưn quan phá quàn” (giờ còn được lưu truyền qua tục đánh phá quàn trước khi đưa người chết đi an táng của người Nam Sông Hậu - PV). Thứ ba, người đứng đầu Hội đồng Hương chức thời Pháp thuộc có 12 chức vụ, trong đó Hương Cả là cao nhất nên người dân không dám gọi con lớn là Cả vì kính nhường.

►Buồn vui chuyện thú phạt

Một ông trưởng tộc trong lễ cưới miệt Nam Sông Hậu cách đây 30 năm. 

Hồi xưa, nhiều gia đình miệt Nam Sông Hậu còn nặng chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” và “môn đăng hộ đối” trong cưới hỏi. Vì lẽ này mà sinh ra nhiều bi kịch tình duyên. Ðôi lứa thương nhau mà không được cha mẹ hai bên (hoặc một bên) tác thành thì nhiều người tự định đoạt đời mình. Có nhiều cách: họ dắt nhau đến nơi thật xa để tìm hạnh phúc, cũng có khi chỉ là để “đánh động” gia đình hai bên ở thế đã rồi; hoặc người con trai dẫn người con gái về nhà mà không được sự đồng ý. Vậy nên, dân gian thường nói chuyện này bằng mấy câu quen thuộc: “Nó có cưới hỏi gì đâu, nó dắt con người ta đó” hay “Hai đứa nó dẫn đi rồi, cho bà cản!”.

Thế đã rồi, cha mẹ hai bên chỉ còn một cách để cứu vãn danh dự, ấy là lễ thú phạt. Ðó là một nghi lễ đơn sơ, có sự chứng kiến của người lớn hai bên gia đình. Nhà trai mượn một người có uy tín, “biết ăn nói” làm chủ sự, lễ vật là cặp vịt, mâm rượu, đôi bông, sang nhà gái nói chuyện. Cũng có gia đình nghèo quá, không sắm nổi lễ vật nhưng đôi bông thì dầu có vay hỏi cũng phải đủ lễ. Bởi lẽ, đôi bông là duyên con gái. Ví dầu hai bên gia đình có từng xích mích, bất hòa thì giờ đây đã thành sui gia, vậy nên họ cũng nhắm mắt cho qua. Theo nhà nghiên cứu Trần Minh Thương, lễ thú phạt thể hiện sự linh hoạt và lòng nhân ái. Dân gian Nam Bộ có câu rằng:

“Người ta giàu thì đầu heo

nọng thịt

Tụi mình nghèo thì cặp vịt

đôi bông”

Gọi nhau là “ní”

“Ní” là mối quan hệ có lẽ chỉ ở vùng Nam Bộ, đặc biệt là vùng Nam Sông Hậu mới có nhiều. Có nhiều cách để nhận nhau là ní: cùng tên là ní, cùng tuổi là ní, “khoái” nhau cũng gọi là ní...

Trở lại lý giải của nhà nghiên cứu Trần Minh Thương, nguyên thủy của tập tục này là giữa hai người bạn thấy hợp nhau thì sẽ kết ní. Thủ tục kết ní được tiến hành tại miễu Ông Tà với con gà trống và chai rượu đế. Qua sự chứng kiến của Ông Tà, họ vặn cổ gà ăn thề “ní ná suốt đời có nhau” rồi cùng uống cạn chai rượu. Về sau, việc kết ní còn được thực hiện ở miếu Bà Chúa Xứ, hay đơn giản là trong bàn nhậu, dưới sự chứng kiến của nhiều người. Họ gọi nhau là ní, con của họ gọi nhau là anh/em ní và gọi họ là ba ní, má ní. Chẳng những vậy, ông bà nội/ngoại hai bên cũng được con cháu gọi là ông nội ní, bà ngoại ní... Một điều thú vị nữa là khi đã kết ní thì thường họ không chọn làm sui gia, dù chẳng dòng họ, ruột rà.

Ở miệt Nam Sông Hậu, đã là ní thì thân tình như ruột thịt. Chuyện nhà này cũng như chuyện nhà kia, buồn vui chia sớt. Nhưng làm sao tính được cuộc vuông tròn, thân là thân vậy nhưng cũng có “ní ná” bất hòa, không thể hàn gắn. Họ phải làm thủ tục “xả ní”. Thủ tục giống như nhận ní nhưng bầu không khí thì dĩ nhiên chẳng vui vẻ gì!

Lấy ván ngựa đóng hòm...  để dành!

Tục này được những bậc cao tuổi miệt Nam Sông Hậu hồi trước hay làm. Họ tự lo hậu sự cho mình vì nhiều lẽ: không muốn làm phiền tới cho cháu, “thủ sẵn” vì kinh tế khó khăn, chuyện mua hòm hồi trước cũng không dễ…

Thường thì trong nhà của người xưa có bộ ván ngựa để ngồi ăn cơm, nghỉ lưng, tiếp đãi khách khứa. Khi tuổi xế chiều, chủ nhân quyết định xả ra phân nửa, phần dành lại cho con, phần đóng hòm (thường gọi là cái Thọ cho nhẹ nhàng). Hòm đóng xong thì được kê cao ráo bên chái nhà, tránh mưa dột, nước ngập. Hòm được chủ nhân lau chùi thường xuyên. Nhiều người còn kỹ tính đến mức xác trà khi uống xong, đem phơi khô để dành cho lúc… tẩn liệm. Các bà cụ thì đi nhặt trái gòn khô rụng, lấy bông gòn phơi khô cho vào bọc treo kỹ, cũng nhằm mục đích đó. Con cháu có cho bộ đồ mới thì lựa để dành một bộ, dùng mặc trước khi liệm. Ấy thế mà dân gian có câu:

“Thế gian còn dại chưa khôn

Sống bận áo rách chết chôn

áo lành”

Nhà nghiên cứu Trần Minh Thương kết luận, tất cả những việc làm đó của ông bà già xưa đều với mục đích không muốn làm phiền đến con cháu, bà con lối xóm, cũng để con cháu nhẹ phần lo lắng, lu bu trong những ngày tang tóc đau buồn. Xa hơn, việc làm đó cũng thể hiện tâm thế của người xưa khi đối mặt với quy luật sinh - tử.

*

*    *

Như nhà nghiên cứu Trần Minh Thương chia sẻ, nhiều phong tục miệt Nam Sông Hậu, cái còn, cái mất, cái bị lợt phai. Một vài dòng nhắc lại âu cũng là cách “ôn cố tri tân”, nhắc nhở thế hệ hôm nay về thuần phong mỹ tục của xứ sở mình.


Nguồn: Báo Cần Thơ


90bc45ee-4ccb-4afd-b039-ce77bd1136e5

Tiêu đề bài viết: Lý thú những phong tục miệt Nam Sông Hậu . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français