Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tục thờ Thần Lửa
Ngày đăng: 16/06/2020

Lượt xem:


Từ xa xưa, con người đã biết đến vai trò vô cùng quan trọng của lửa trong sinh hoạt, sản xuất và ở hầu hết các nền văn hóa, lửa đã được con người thần thánh hóa, thờ cúng. Tục thờ Thần Lửa của người Việt cũng nằm trong dòng chảy tín ngưỡng này.
Miếu Bà Hỏa ở Cần Thơ.

Theo Đinh Hồng Hải, việc cúng hay thần thánh hóa ngọn lửa đã được ghi nhận ở nhiều nền văn hóa trên thế giới. Bằng chứng khảo cổ học sớm nhất về tín ngưỡng này được tìm thấy ở người Ấn - Ba Tư khoảng 1500 năm trước công nguyên. Đây cũng là nơi các nhà khảo cổ học tìm ra vết tích đầu tiên của tục hỏa táng. Bên cạnh đó, trong các nền văn hóa ở châu Âu cũng có các vị thần liên quan đến tín ngưỡng thờ lửa hoặc các huyền thoại về lửa như thần Belenus của người Celtic, thần Svarog của người Slavic... Ở Việt Nam, mặc dù chưa tìm thấy vết tích của tín ngưỡng thờ lửa qua các hiện vật khảo cổ học, nhưng trong đời sống văn hóa các tộc người thì lửa luôn là một thành tố quan trọng trong mọi nghi lễ. Chẳng hạn, các nghi lễ của người thiểu số luôn được thực hiện bên đống lửa(1).

Từ hàng ngàn năm trước, con người nhận thức cả mặt tích cực và tiêu cực của lửa - vừa có chức năng tái sinh lại vừa có tính hủy diệt. Hủy diệt để tái sinh - đó là vòng tuần hoàn của cuộc sống. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc thờ Thần Lửa thiên về ước vọng hạn chế sự hủy diệt của lửa nhiều hơn. Từ lâu, người ta đã nhận ra được sự tàn phá của lửa, chỉ cần chút bất cẩn là cả căn nhà, xóm làng, thậm chí cả khu rừng rộng lớn... có thể thành tro bụi. Cho nên thần thoại Việt Nam còn gọi Thần Lửa là Bà Hỏa. Thần giữ một thứ lửa rất màu nhiệm, có thể đặt nồi không mà nấu ra những thức ăn rất ngon lành. Nhưng thứ lửa ấy không phải là để cho hạ giới dùng.

Truyện dân gian Việt Nam có câu chuyện về một ông lão cơ duyên gặp được bếp lửa của Thần trong rừng và nhặt về một ít than đỏ. Từ đó, ngày nào nhóm lửa, cơm thịt cũng ê hề, gia đình ông lão sống sung túc và không bao giờ để tắt lửa. Nhưng một hôm lúc ông cụ đi vắng, người con dâu của ông vừa đi ra suối múc nước về bỗng thấy lửa bén vào vách nhà, cô mang nước xối tắt lửa. Từ đó, họ mất hết bảo vật của Thần. Cũng có những câu chuyện về thủ hạ của Thần Lửa tàn phá cuộc sống của nhân dân, cây cối. Trong số thủ hạ Thần Lửa có thằng Bợ hung ác quen thói, ăn cắp lửa của Thần rồi trốn đi và là kẻ thù của loài người(2).

Với quan niệm "vạn vật hữu linh", người xưa coi các hiện tượng do một hoặc các vị Thần được Thượng đế trao trách nhiệm cai quản, phụ trách như Thần Mây, Thần Sét, Thần Núi... và cả Thần Lửa. Để tránh các tai họa có thể xảy ra, con người đã lập đền miếu để thờ phụng, cầu xin các vị thần bảo trợ cho cuộc sống của mình được bình yên, tránh rủi ro, bất hạnh. Tục thờ Thần Lửa của người Việt cũng xuất phát từ quan niệm đó.

Chính vì quan niệm này mà từ thời Trần đã cho lập đền thờ Hỏa Thần tại kinh đô Thăng Long, để người dân thờ cúng, xin Thần không tạo nên tai họa. Việc thờ phụng tại đền Hỏa Thần không chỉ là nghi thức bái tế, cầu vọng quốc thái, dân an, tránh hỏa hoạn của người dân kinh thành Thăng Long mà còn là sự nhắc nhở tinh thần phòng cháy, chữa cháy. Hay như tại Đền Đông Hương, phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, theo thần tích của đền hiện lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, vào tháng 6 năm Tân Sửu (1601) ở kinh đô cháy lớn, lửa lan đến khu vực phố Hàng Trống. Vua Lê lên lầu cao xem xét tình hình, thấy có một bà lão đứng trên ngọn cây đa cầm cờ phất làm ngọn lửa tắt ngay; lại thấy trên cây muỗm gần đình có một ông lão cầm cờ vẫy làm ngọn lửa tắt ngấm, nhờ thế khu vực Hàng Trống không có nhà nào bị cháy. Đêm sau, Vua nằm mộng thấy bà lão mặc áo thụng xanh đến bái yết và nói rằng: "Khi phố bị lửa cháy, tôi có chút ít công lao". Nói xong bà biến mất. Tỉnh dậy, Vua cho là Thần phố Hàng Trống hiển linh nên sai tôn tạo lại đền và nhân thấy đền nằm ở phía Đông của kinh thành nên đặt thêm chữ Hương, đổi gọi là đền Đông Hương. Các triều vua sau tôn phong làm Ngọc Kiều phu nhân chi thần, Khiển Thiên chi muội (ví như em gái của Trời).

Tới năm Đinh Dậu (1837), lúc này Thăng Long đã được đổi tên là Hà Nội, một vụ cháy khủng khiếp bùng phát thiêu đốt hơn 1.400 ngôi nhà, làm nhiều người dân thiệt mạng và bị thương, cả quan Tổng đốc thành cũng suýt chết cháy, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp. Cùng với việc tăng cường tính chủ động phòng cháy chữa cháy, một năm sau, người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa Thần ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội thuộc địa phận thôn Yên Nội, Đông Thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương (nay thuộc số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) để thờ Quang Hoa Mã Nguyên Súy (có tư liệu chép là Ngũ Hiển Hoa Quang Đại Đế) - vị Thần mà theo truyền thuyết có khả năng trừ hỏa tai. Trong đền còn đúc quả chuông để nếu có đám cháy thì đánh chuông lên báo động, cũng là để khấn gọi Thần phù trợ dập lửa.

Tượng Bà Hỏa được thờ ở Cần Thơ.

Thời Nguyễn vì kinh đô được chuyển vào Huế, tại đây cũng được thiết lập nhiều công trình thờ tự khác nhau, trong đó, có đền thờ các vị thần bảo trợ; riêng có Thần Lửa chưa được thờ. Theo sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Giáp Thân (1824), bấy giờ các đại thần ở Bộ Lễ khi xét danh mục các đền thờ, đã đề xuất dựng miếu tế Hỏa Thần. Trong bản tấu sớ có đoạn viết: "Nay nước nhà nhàn hạ, nên làm sáng tỏ việc lễ nhạc. Từ đại tự [tế lớn], trung tự đến quần tự, không có lẽ nào không được cử hành. Các quỷ thần sông núi đều yên vị, chỉ có Thần Hỏa chưa được tế. Vậy xin lập miếu để thờ Thần Hỏa". Vua Minh Mạng sau khi xem tấu sớ trình lên đã phê: "Làm theo lời tâu, sai dựng miếu ở phía Bắc sông Ngự, tế Thần Hỏa vào ngày 23 tháng 6 mỗi năm"(3).

Ở Nam bộ, Thần Lửa đã được người dân thờ từ khá sớm. Trong sách "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hoài Đức đã ghi lại tục thờ Bà Hỏa ở Gia Định như sau: "Ở phía trái của chợ Điều Khiển, thờ Nữ Thần Hỏa tinh. Vì nước Nam thuộc quẻ Ly, mà Ly thuộc hỏa, quẻ Ly ở giữa trống không là âm, đã âm mà ở giữa là nữ, nên thần thuộc về nữ giới. Miễu này rất trang nghiêm và hằng linh ứng, người ở đây cứ đến đầu xuân, trước hết phải đem lễ đến tế, để mong tránh điều chẳng lành, thì cả năm được yên nếu chậm trễ hay xem thường, thì liền thấy có hỏa tai"(4).

Bà Hỏa là một trong năm vị Nữ Thần trong tín ngưỡng dân gian của người Nam bộ. Năm vị này được gọi Ngũ Hành Nương Nương. "Ngũ Hành Nương Nương là năm vị nữ thần biểu tượng năm chất cấu tạo vũ trụ. Vì vũ trụ sanh nên biểu tượng nữ, đồng bào thường gọi là Năm Mẹ: Thổ Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi. Dân gian tin rằng năm vị thần vừa kể có quyền năng với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim loại, nước nôi, cây gỗ. Do đó được đông đảo quần chúng tôn thờ, nhất là vùng ven thành phố"(5).

Như vậy, dân gian tín ngưỡng rằng Bà Hỏa trông coi củi lửa không để xảy ra hỏa hoạn ở gia đình cũng như xóm ấp. Sau này, đời sống kinh tế phát triển, người ta tin Bà Hỏa còn giúp mua may bán đắt, xua đi mọi bệnh tật, giữ cho cuộc sống được bình yên; bởi trong tâm thức dân gian "nước (thủy) và lửa (hỏa) là hai yếu tố có tác động lớn đối với sinh hoạt hằng ngày của con người qua câu "Thủy hỏa đạo tặc"(6).

--------

 (1) Đinh Hồng Hải (2015), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam: Các Vị Thần, NXB Thế Giới, Hà Nội, tr.54-60.

(2) Nguyễn Đổng Chi (1956), Luợc khảo về thần thoại Việt Nam, NXB Văn Sử Địa, tr.118-120.

(3) Lê Thái Dũng, Người Việt xưa thờ Thần Lửa cầu an thế nào?, https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nguoi-viet-xua-tho-than-lua-cau-an-the-nao-785559.html . Ngày truy cập 18.4.2020.

(4) Dẫn theo Nguyễn Hữu Hiếu (2015), Tục thờ thần qua am miếu Nam bộ, tr.193.

(5) Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, NXB Đồng Nai, tr.135.

(6) Tiền Văn Triệu (2016), Tín ngưỡng thờ Bà Hỏa và Hỏa Đức tự ở thành phố Sóc Trăng, trong cuốn Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ - bản sắc và giá trị, Võ Văn Sen - Ngô Đức Thịnh - Nguyễn Văn Lên (Đồng chủ biên), NXB ĐHQGTPHCM, tr.629.


Nguồn: Báo Cần Thơ


dea8dcc1-3ad8-4608-9f1f-91d7b0618da7

Tiêu đề bài viết: Tục thờ Thần Lửa . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français