Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nghĩ về lễ Vu Lan
Ngày đăng: 08/08/2019

Lượt xem:


Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 7 Âm lịch hàng năm, nhiều người dân Việt Nam lại chuẩn bị để chào đón mùa Vu Lan (dân gian còn gọi là mùa Vu Lan báo hiếu). Cũng có một số nơi còn gọi là tháng 7 “cô hồn”, ngày 15/7 Âm lịch là ngày “xá tội vong nhân”. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo, thì không có tháng “cô hồn”, không có ngày “xá tội vong nhân”, mà đây là sự suy diễn của một số người và được truyền miệng từ hàng ngàn năm qua.
Cài hoa lên ngực áo, một nghi thức thường gặp ở mùa Vu Lan

Lễ Vu lan là lễ của Phật Giáo, là mùa báo hiếu, cầu nguyện cho cha mẹ đã khuất bóng. Lễ này mang đầy ý nghĩa tâm linh sâu sắc để tôn vinh, ghi nhớ công ơn của các đấng sinh thành, khuyên con người làm nhiều việc thiện, làm lành, lánh dữ.

Việc cúng kiến của người Việt nhân lễ Vu Lan thường là: Lập mâm cúng tại chùa trước, sau đó đến mâm cúng tại nhà. Tại nhà lại cúng thành 2 mâm, 1 mâm cúng tổ tiên, ông bà (thường cúng thức ăn mặn, vàng mã); mâm còn lại cúng ngoài sân cho vong linh tất cả mọi người (bánh kẹo, hoa quả).

Tục cúng Vu Lan có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập sang Việt Nam từ rất lâu với câu chuyện báo hiếu của Mục Kiền Liên (có nơi gọi là Mục Liên) khi mẹ mình là bà Thanh Đề bị bắt xuống địa ngục chịu nhiều nhục hình tra tấn do gây ra nhiều tội ác ở dương trần. Đây chỉ là câu chuyện huyền thoại để giáo dục con người làm thiện, lánh dữ, hiếu thảo với đấng sinh thành. Sau đó, theo dòng thời gian, người ta mới nghĩ ra việc cài bông hồng lên áo với những ai đang còn mẹ; bông hồng trắng với người đã mất mẹ. Riêng người đang quy y thì cài bông hồng vàng.

Lý giải về việc cài bông hồng vàng nhân ngày lễ Vu Lan, nhiều bậc chân tu cho biết: Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng cho cha mẹ hiện tiền, tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn, đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này. Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phước điền y, màu của Đất. Trên đất, chúng ta có thể giẫm, đạp, cày xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì... đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là những vị Phật tuơng lai. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát. Do vậy, dù hòa mình trong ngày Vu Lan thắng hội nhưng tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát.

Về nghi thức cài hoa hồng lên áo nhân ngày lễ Vu Lan, theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nghị thức nầy xuất phát từ một áng văn viết về mẹ mình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1960. Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, thiền sư cảm thấy rất lạ khi người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật.

Lễ Vu Lan là dịp để bản thân mình tự vấn đã sống như thế nào, đã làm gì, đã báo hiếu ra sao với những người đã tạo ra mình, đã vất vả nuôi mình khôn lớn. Cạnh đó, mùa Vu Lan còn là thời điểm rất tốt lành, thuận lợi để người lớn giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, sự tha thứ, quan niệm sống tốt với mọi người xung quanh.

Trong những ngày này, nhiều người tìm đến cửa phật để đọc kinh cầu nguyện cho cha mẹ được nhiều sức khỏe; vong linh cha mẹ (nếu đã qua đời) phiêu diêu nơi miền cực lạc. Cạnh đó còn diễn ra rất nhiều hoạt động nhân ái, từ thiện như: Tặng quà cho người nghèo; phát thức ăn chay cho người khó khăn; nhiều cơ sở kinh doanh mua bán không thu tiền ăn uống với thực khách. Cạnh đó còn nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chủ đề nhân ái, hiếu thảo… Nhiều gia đình tổ chức chúc phúc ông bà, cha mẹ; đưa người lớn đi nghỉ dưỡng, tham quan…

Tổ chức cầu nguyện cho cha mẹ được hạnh phúc, sống lâu là việc làm tốt đẹp nhân văn của dân tộc ta cần duy trì, phát huy nhưng không vì thế mà tham gia những hoạt động vô bổ, mê tín, di đoan, lãng phí, tốn kém thời gian và tiền bạc. Có như vậy mọi người mới có được một mùa Vu Lan đầy ý nghĩa.


Anh Thư


f7e7c99a-5d12-4aad-ac1e-a239bfe1e971

Tiêu đề bài viết: Nghĩ về lễ Vu Lan. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Anh Thư.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français