Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tìm cách làm hay vực dậy sân khấu truyền thống
Ngày đăng: 07/12/2020

Lượt xem:


Cải lương nói riêng, âm nhạc truyền thống nói chung thời đại công nghệ 4.0 rất cần sự đổi mới, cách tân. Để bảo tồn và phát huy những loại hình di sản này, đừng ngồi yên chờ đợi...
Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống từng được khôi phục tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ.

Mới đây, hai ca sĩ nhạc rap là Chị Cả và Color vừa có màn trình diễn cùng NSƯT Quế Trân bản rap trên giai điệu bài vọng cổ “Cô gái bán sầu riêng” trong chương trình “King of rap” (phát sóng trên VTV3). Tiết mục thú vị này nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả. Theo NSƯT Quế Trân, sự kết hợp này giúp giới trẻ tìm hiểu thêm về nghệ thuật cải lương và ví von như “mượn chiếc cầu của nhạc rap” để dẫn lối cho các bạn trẻ tìm về nghệ thuật truyền thống dân tộc, trong đó có cải lương, ca cổ.

Quế Trân không phải là người tiên phong “se duyên” vọng cổ với nhạc hiện đại. Trước đó, NSND Bạch Tuyết từng ca tân cổ giao duyên rất nhiều bản nhạc được xem là hiện tượng của làng nhạc trẻ. Nữ nghệ sĩ gạo cội đặt vấn đề rằng, tại sao vọng cổ không thể kết hợp với nhạc trẻ và nếu tạo khoảng cách, chính là đang gò bó sự phát triển của cải lương.

Ví dụ trên đây cho thấy ngay cả những người làm nghề kỳ cựu của lĩnh vực cải lương, cổ nhạc Nam Bộ cũng đang tìm “hướng mở” cho các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tại buổi tổng kết đề án về bảo tồn đờn ca tài tử ở Cần Thơ, nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã bàn đến việc không chỉ “phát huy” mà còn “phát triển” di sản này. NNƯT Minh Thơ cho rằng bên cạnh viết thêm nhiều lời mới cho đờn ca tài tử, còn cần phải mạnh dạn sáng tác những bài bản mới, không nên chỉ định khuôn vào 20 bài bản Tổ của ông cha để lại. Làm như thế, chúng ta đang chắp cánh cho đờn ca tài tử bay cao và bay xa hơn.

Trong năm 2020, các buổi thi diễn những cuộc thi như: tìm kiếm tài năng cải lương Trần Hữu Trang, tài năng trẻ sân khấu cải lương... đều được phát trực tuyến trên mạng internet. Mỗi buổi thi, số người xem trực tuyến khá đông, rất nhiều dòng trạng thái bày tỏ cảm xúc về các tiết mục thi diễn, bàn về kỹ thuật ca diễn, động viên thí sinh. Rõ ràng, cải lương vẫn có một lượng khán giả rất lớn, nếu người làm nghề biết cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả.

Nhà hát Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) mấy tuần qua đã khôi phục hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào tối thứ bảy hằng tuần và có truyền hình trực tuyến. Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) cũng hoạt động trở lại vào mỗi cuối tuần với những vở cải lương hấp dẫn. Tại TP Cần Thơ, hồi giữa năm Nhà hát Tây Đô và Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ có khôi phục lại hoạt động biểu diễn nhạc truyền thống định kỳ cuối tuần, tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19 các hoạt động này đã tạm ngừng.

Đành rằng, công nghệ giải trí thời đại 4.0 đang lớn mạnh, khiến các loại hình nghệ thuật truyền thống dường như “yếu thế”. Tuy nhiên, trước khi đợi ai “cứu”, người làm nghề phải “tự cứu”, tìm ra lối đi để cải lương, cổ nhạc, nghệ thuật truyền thống được duy trì và bảo tồn. Những điển hình trên đây cho thấy, nếu có cách làm, mô hình phù hợp, cổ nhạc Nam Bộ vẫn có đất sống và vẫn là món ăn tinh thần hấp dẫn với khán giả hiện đại. Sự năng động và thay đổi là điều cần tính đến!


Nguồn: Báo Cần Thơ


df7f5feb-681c-45bf-8ab8-b3ee271167b5

Tiêu đề bài viết: Tìm cách làm hay vực dậy sân khấu truyền thống . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français