HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Di tích - Thắng cảnh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hồn quê nhà cổ
Ngày đăng: 23/01/2014

Lượt xem:


Mỗi lần bước chân vào những ngôi nhà cổ ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, lòng tôi lại man mác cảm giác như chìm vào một không gian hoàn toàn tách biệt với những ồn ào phố thị. Có phải chăng đó là "hiệu ứng" của những làn gió mát rượi thổi từ sông Hậu, của những hoành phi, liễn đối thấm đẫm màu thời gian, của những câu chuyện nền nếp gia phong được truyền từ đời này sang đời khác mặc bao biến động, thăng trầm của thời cuộc…
Nội thất nhà trước của gia đình ông Trần Bá Thế vừa có nét truyền thống của người Việt, vừa mang vẻ hiện đại của phương Tây. Ảnh: LỆ THU

Gìn giữ vốn quý

Dưới ánh nắng hanh nhẹ của buổi chiều cuối năm, anh Trần Bá Đạt, con trai út của ông Trần Bá Thế, chăm chút cắt tỉa những khóm cây, những bụi cỏ theo hàng lối, kiểu cách. Tiếng rè rè của máy cắt cỏ hòa lẫn với tiếng chim hót trên các cành cây cao. Đồng hành cùng ngôi nhà có tuổi đời gần trăm năm ở số 49, khu vực Tân An, là khu vườn trồng các loại cây kiểng, hoa lá xanh tươi trước nhà. Những cây khế, cây sộp, cây ăn trái… từng chứng kiến bao thế hệ sinh ra, lớn lên, già đi và về với đất trời trong chính ngôi nhà này.

Bước vào nhà, bàn chân chạm vào nền gạch bông từ thời Pháp thuộc mát lạnh, mang lại cảm giác thật thoải mái và gần gũi. Tiếp chúng tôi là ông Trần Bá Thế, còn gọi là Sáu Thế, người thừa kế căn nhà cổ này. Ông Sáu năm nay đã 92 tuổi nhưng mắt vẫn tinh, tai vẫn thính, trí tuệ minh mẫn. Ông chậm rãi kể: "Ngôi nhà này được cha tôi là Hội đồng Thoại xây dựng vào năm 1935 theo kiến trúc Pháp - Việt. Nhà có 3 căn bố cục liên hoàn trong khuôn viên rộng, gồm: nhà trước, nhà sau và nhà bếp". Điểm khác biệt của nhà này so với các nhà cổ khác ở Tân Lộc là hai đầu hàng hiên thuộc hai chái 2 bên nhà có 2 phòng nhỏ, diện tích 10m2, dùng làm phòng đọc sách cho gia đình. Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan nhà, ông giải thích từng đặc điểm với vẻ điềm tĩnh, thâm trầm của một người từng trải. Dừng bước trước di ảnh của cụ Châu Văn Liêm được thờ trong phòng đọc sách, ông Sáu giải thích: "Vợ của ông Châu Văn Liêm là con của người cậu thứ bảy, còn mẹ tôi thứ mười. Lúc tôi còn nhỏ, ông Liêm từng ở nhà này một thời gian để trốn sự truy lùng của Pháp. Sau khi ông hy sinh (năm 1930), gia đình tôi đã lén thờ ông và đến nay vẫn duy trì việc thờ cúng".

Căn nhà được cất theo kiến trúc hiện đại nhưng nội thất và cách bài trí vật dụng lại rặt màu sắc Việt. Đặc biệt, gian thờ gia tiên, phụ mẫu, người thân với 5 tủ thờ gỗ chạm được cẩn ốc xà cừ khá công phu cùng những liễn đối, tranh thờ, khánh thờ… toát lên hồn dân tộc với vẻ cổ kính, uy nghiêm. Đối diện với gian thờ, trên bức tường phòng khách treo bảng "tông chi" 10 đời của họ tộc bên nội và bên ngoại như lời nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, tiên tổ. Bên cạnh đó là bức ảnh đen trắng phóng to chụp gia đình Hội đồng Thoại trước cửa căn nhà cách đây gần 80 năm- lúc ông Sáu khoảng mười ba, mười bốn tuổi- như một minh chứng sống động về sự tồn tại của căn nhà với thời gian. Ông Sáu bộc bạch: "Tôi đã qui định với các con rằng: nhà này là của chung, tuyệt đối không được bán. Con trai út sống ở đây nên có trách nhiệm trông coi, bảo quản căn nhà. Việc giỗ chạp, thờ tự, sửa sang nhà cửa thì tất cả các con phải chung tay gánh vác…".

Khác với nhà ông Sáu Thế, nhà ông Trần Thiện Niệm ở khu vực Đông Bình, mang lại cảm giác cổ kính đặc trưng của những gian nhà xưa ngay từ cái nhìn đầu tiên. Căn nhà có niên đại 1938 này, mái ngói đã sẫm màu, nền gạch tàu xưa nhưng những cột gỗ lớn chống đỡ rui kèo, mái ngói vẫn vững vàng như thách thức thời gian. Trải qua 3 đời, ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn, chưa phải sửa chữa gì nhiều. Ngoài những tủ thờ, lư hương, bàn ghế… gia đình ông Niệm còn cất giữ cẩn thận thanh gươm cổ và các vật dụng cúng bái ở đình, đặc biệt là sắc thần của Đình Tân Lộc Đông, bởi ngày xưa, cha của ông Niệm là Hương chủ và cũng là chánh bái của đình.

 

Nhà của ông Trần Thiện Niệm ở khu vực Đông Bình, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, xây dựng năm 1938. Ảnh: LỆ THU

Tân Lộc còn có những ngôi nhà cổ kính như: nhà ông Huỳnh Công Kỷ ở khu vực Tân An, niên đại 1914; nhà ông Nguyễn Phong Trần ở khu vực Tân Mỹ, niên đại 1932; nhà bà Lê Thị Nhơn ở khu vực Tân An, niên đại khoảng 1937; nhà bà Nguyễn Ngọc Lên ở khu vực Tân Mỹ… Trong đó, ngôi nhà của Hương quản Hòa, tọa lạc ở số 528 khu vực Tân Mỹ, được xây dựng vào năm 1941, nay do ông Nguyễn Văn Thi (cháu nội Hương quản Hòa) thừa kế, được xây dựng theo kiến trúc phương Đông với những điểm đặc biệt theo kiểu nhà truyền thống của người dân Tây Nam bộ. Nhà cổ nào cũng có nét độc đáo riêng, không chỉ ở kiến trúc đặc trưng mà còn ở những kỷ vật lưu truyền qua các thế hệ, cách bài trí… Qua gần trăm năm, dẫu với bao đổi thay dâu bể, đời này sang đời khác vẫn trân trọng giữ gìn một phần "hồn quê" của xứ cù lao…

Nếp nhà

Tháng 11 âm lịch năm Quý Tỵ vừa qua, đại gia đình 4 thế hệ của ông Trần Bá Thế tề tựu đông đủ để cúng giỗ cho bà Nguyễn Thị Hạnh, vợ ông Sáu Thế. Đây cũng là dịp anh em, họ hàng sum họp, thăm hỏi nhau. Mấy dịp này, người lớn rề rà nhắc lại những chuyện từ hồi xa lắc; người trẻ thì nghe một cách thích thú để mai mốt còn có chuyện kể cho con, cho cháu mình về nhà cổ, về ông, về bà, về cố của chúng… Trong những câu chuyện năm nẳm ấy, bà Trần Thị Xuân Đào, 59 tuổi, giáo viên đã về hưu, con gái lớn của ông Sáu Thế, nhắc mấy em mình: "Hồi sau giải phóng, nhà mình cũng khó khăn lắm. Mấy anh chị em trọ học ở Long Xuyên, cha thường đạp xe chở gạo, củi lên, động viên cố gắng học hành. Có những lúc không còn gạo để ăn, mấy chị em phải ăn chuối, ăn rau lót dạ… Nhưng dù có đói, có khổ cỡ nào cũng không ai bỏ học…". Những người con đầu học hành và có nghề nghiệp ổn định lại phụ tiếp cha mẹ nuôi các em. Cứ thế, 12 người con của ông Sáu Thế lần lượt tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, có người tiếp tục học cao học… Đa số theo nghề của cha là làm giáo viên, còn lại là bác sĩ, kinh doanh buôn bán, tài xế…

Những câu chuyện giữa các con, các cháu của ông Sáu Thế luôn hiển hiện tinh thần đùm bọc, yêu thương, chia sẻ lẫn nhau và xen lẫn niềm tự hào về một gia đình nền nếp, sống tình cảm. Mỗi khi thành viên nào trong đại gia đình gặp khó khăn hoạn nạn là những người còn lại đều chung tay giúp đỡ; rồi khi mẹ bệnh, người góp công, người góp của, không ai nạnh ai, ai cũng hết lòng chăm lo, báo hiếu… Nếp nhà ấy đã được vợ chồng ông Sáu Thế dành cả một đời vun đắp, gầy dựng. Từng là giáo viên dạy tiếng Pháp rồi làm chánh lục sự của tòa án các tỉnh Cà Mau, Long Xuyên (An Giang) nên ông Sáu Thế có tư tưởng rất tiến bộ. Đối với vợ con, ông yêu thương, tôn trọng. Trong gia đình, tôn ti trật tự được giữ nghiêm nhưng ông luôn trao đổi, bàn bạc với vợ trước khi quyết định việc hệ trọng. Đối với con, ông dạy dỗ bằng cách phân tích điều phải- trái, thiệt- hơn; động viên con học hành đến nơi đến chốn. Khi các con trưởng thành, ông tôn trọng quyết định của con trong việc lựa chọn nghề nghiệp cũng như bạn đời…

Ở đất cù lao Tân Lộc, chủ nhân của nhà cổ không chỉ gìn giữ nét đặc sắc của những ngôi nhà do tiền nhân để lại mà điều quan trọng hơn là gìn giữ nền nếp gia phong. Nhưng đó không phải là gia phong theo kiểu "phu xướng phụ tùy" hay quan niệm "áo mặc sao qua khỏi đầu" của Nho giáo. Sống giữa thời buổi giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây cộng với tư tưởng phóng khoáng của lưu dân Nam bộ, nền nếp gia phong là dạy dỗ con cháu những điều tốt đẹp của lễ giáo truyền thống, tiếp thu những cái mới, cái phù hợp để đời sống thêm phong phú, thoải mái. Anh Trần Đức Thảo, con trai thứ tư của ông Trần Thiện Niệm, kể: "Cha tôi từng học trường Tây và giao thiệp nhiều với giới trí thức nên tư tưởng rất thoáng, không gia trưởng hay áp đặt với vợ con. Ông luôn dạy dỗ, bảo ban chúng tôi những điều hay lẽ phải ở đời, những đạo lý truyền thống của dân tộc. Giờ anh chị em chúng tôi đã có cuộc sống riêng ổn định. Riêng chị Hai sống chung với cha. Người ở xa thì giỗ chạp, Tết nhất mới về, còn người ở gần thì thường xuyên qua lại, thăm nom nhà cửa, giúp đỡ cha già…".

* * *

Vậy đó, những căn nhà cổ ở Tân Lộc đâu chỉ đẹp ở đường nét kiến trúc cổ kính, ở những cổ vật quí báu… mà còn đẹp bởi lối sống gia đình đậm nghĩa tình, giàu truyền thống… Đó cũng chính là hồn phách của nhà cổ, là vốn quí của xứ sở cù lao.

Tân Lộc là vùng đất nằm giữa bốn bề sông nước nên khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai phì nhiêu màu mỡ nhờ phù sa. Do đó, ngoài cư dân của các nơi khác đến khai khẩn đất hoang và sinh sống thì các quan chức, địa chủ giàu có ở Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc… cũng về cù lao mua đất cất nhà khang trang, bề thế để làm nơi an dưỡng, nghỉ ngơi hoặc định cư lâu dài. Tân Lộc hiện còn lưu giữ khoảng 10 căn nhà cổ lớn mang nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Hầu hết nhà cổ có diện tích lớn từ 300 m2 trở lên và được xây trên nền đất cao, cách mặt đất từ 70 cm đến 1m, nền được bó đá xanh hoặc đá xám hình lục giác cùng gạch thẻ kiên cố.


Nguồn: Báo Cần Thơ


Các tin khác:
Vòng Cung Cần Thơ: lửa và hoa (lộ Vòng Cung)  (08/12/2011)
Chùa Liên Trì  (31/08/2011)
Dấu xưa ở Hiệp Thiên Cung (Cần Thơ)  (31/08/2011)
Cổ kính chùa Pôthi Somrôn  (09/08/2011)
Nét đẹp chùa Khôsa Răngsây  (05/08/2011)

e4664a92-97b0-47e0-b0c5-39b3692add22

Tiêu đề bài viết: Hồn quê nhà cổ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang