HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Di tích - Thắng cảnh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Khu di tích Giàn Gừa
Ngày đăng: 12/12/2013

Lượt xem:


Khu di tích Giàn Gừa (ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) vốn dân dã, đi lại cũng chỉ bằng xe hai bánh nhưng lâu nay vẫn thu hút du khách tìm về, đông nhất vào ngày 28-2 âm lịch - ngày cúng lệ hằng năm.
Giàn Gừa chằng chịt phủ trùm khuôn viên khu di tích (Ảnh: canthopromotion)

Tháng tư, trời nắng chói chang, nhưng vừa đặt chân đến khu di tích Giàn Gừa đã cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhàng, không khí mát mẻ dễ chịu vì trên không toàn những cành gừa, lá xanh mướt chen nhau, khép kín tạo thành một tán dù thiên nhiên khổng lồ.

Gừa thường mọc hoang dọc theo các kênh rạch, sông ngòi. Cành nhánh, thân phụ với bộ rễ buông thõng, ngoằn ngoèo, quyện chặt vào nhau tạo thành một tổng thể hài hòa có sức sống kỳ diệu. Không biết cây nào là cây mẹ, cây nào là cây con vì tất cả nhánh, rễ, thân đều như anh em một mẹ sinh ra.

Nét độc đáo của giàn gừa Nhơn Nghĩa là những giàn cây to lớn, không hề bị chặt phá được giữ gìn và phát triển qua nhiều thế hệ. Tàn gừa cao hơn đầu người, nhánh này đan quyện với nhánh khác phủ trùm trên cao, những nhánh sà xuống đất thì đâm rễ thành cây, chằng chịt trong khu đất rộng gần 4.000m2.

Từ một huyền thoại

Mãi đến hôm nay chưa ai biết rõ nguồn gốc của Giàn Gừa. Nhiều lão làng trên 70 tuổi khẳng định lúc họ còn nhỏ, giàn gừa đã che phủ cả một vùng rộng lớn.

“Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, từ thời xa xưa bà con nơi đây đã dựng lên miếu thờ bà Thượng Động Cố Hỷ, vị nữ thần được nhiều người tôn kính như một ân nhân của dân làng. Miếu thờ lúc đầu còn đơn sơ nhưng trải qua nhiều lần tôn tạo, Giàn Gừa và cổ miếu thờ Bà giờ đã trở thành di tích văn hóa, một khu du lịch sinh thái với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có một không hai ở đồng bằng sông Cửu Long.”

Chuyện kể vào thời khai hoang mở cõi, có một gia đình họ Nguyễn đến vùng đất Nhơn Nghĩa lập nghiệp. Trong quá trình khai khẩn, không may giàn gừa bốc cháy khiến cảnh vật trở nên hoang tàn. Không bao lâu sau, trong làng có nhiều người mắc bệnh lạ không chữa khỏi. Số người mắc bệnh ngày càng nhiều khiến bà con lo lắng, chạy chữa thuốc thang cũng không khỏi.

Sau đó, có một vị đạo sĩ từ xa đến bốc thuốc cứu độ dân làng. Vị đạo sĩ ấy cho biết giàn gừa này là một vùng đất thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỷ (*). Nay giàn gừa bị cháy rụi nên Thượng Động Cố Hỷ không còn chỗ đi về khiến bà nổi giận. Muốn dân tình an cư lạc nghiệp, bà con phải trồng lại hàng gừa và hằng năm làm lễ giỗ cúng Bà.

 

Cổng vào Khu di tích lịch sử Giàn Gừa (Ảnh: vi.wikipedia)

Tại khu di tích cũng có dòng chữ ghi “Vào năm Đinh Tỵ 1957, gia đình ông Cả Nguyễn là người đầu tiên có công khai phá vùng đất xã Nhơn Nghĩa. Trải qua 6 thế hệ, con cháu họ Nguyễn vẫn sinh sống trên mảnh đất này và thay nhau giữ gìn, tôn tạo nơi thờ phụng. Hằng năm cứ đến ngày tưởng niệm, bà con dòng họ Nguyễn và xóm giềng gần xa long trọng dâng hương, làm lễ cúng Bà".

Năm 2011, Huyện ủy và UBND huyện Phong Điền đã chọn nơi đây làm khu di tích lịch sử văn hóa và đặt tên là “Khu di tích lịch sử văn hóa Giàn Gừa". Trong lễ hội truyền thống năm nay bà con xã Nhơn Nghĩa còn đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố “Di tích lịch sử Giàn Gừa”.



Nét đẹp lễ hội

Xưa nay người dân địa phương đã coi việc cúng bà Cố Hỷ và những người khuất mặt, những người có công khai khẩn đất đai bờ cõi, những anh hùng liệt sĩ là một hành động hướng về nguồn cội và tri ân quá khứ.

 

Miếu Bà Cố Hỉ Thượng Động ( Ảnh: Phương Kiều)

Trong khuôn viên khu di tích còn có đền thờ Bác Hồ và 12 cô gái đã hi sinh tại ngã ba Đồng Lộc vừa được chính quyền và nhân dân địa phương an vị để du khách vào đây tri ân, tưởng niệm. Chính những nơi thờ tự trang nghiêm này đã giúp đời thường trở nên đời thiêng, ai đến đây cũng cảm thấy lắng lòng. Lễ hội Giàn Gừa vì thế cũng trở thành ngày hội dân gian mang tính cộng đồng khá cao.

Đến lễ hội Giàn Gừa, bạn sẽ có dịp tìm hiểu nghi thức cúng bái, lễ vật dâng cúng Bà và thần linh, đặc biệt màn múa bóng rỗi truyền thống và nghe đờn ca tài tử, thưởng thức cây lành trái ngọt.

Hơn hết, khách đến đây như lạc bước vào cánh rừng yên ả, mát rượi, vừa thư giãn vừa hít thở không khí trong lành. Nếu thích, bạn bè có thể lót giấy ngồi dưới bóng cây để lai rai, làm thơ hoặc trải nghiệm về cuộc sống. Trẻ con cũng có thể leo lên cây, tha hồ hóng gió mà không sợ nguy hiểm vì tàn nhánh hầu hết đều là đà gần mặt đất.

(*) Có truyền thuyết cho rằng cốt bà Cố Hỷ nằm nơi Giàn Gừa đã bị cháy.


Nguồn: Báo Tuổi Trẻ


Các tin khác:
Chùa Nam Nhã Đường  (13/10/2005)
Chùa Munir Ansây<br>  (13/10/2005)
Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa  (12/10/2005)
Chợ cổ Cần Thơ  (12/10/2005)

5c5b61fa-4ac9-4c30-937a-30a9d31819fe

Tiêu đề bài viết: Khu di tích Giàn Gừa. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang