HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Di tích - Thắng cảnh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nhà cổ Bình Thủy
Ngày đăng: 20/12/2011

Lượt xem:


Nhà cổ Bình Thủy hay vườn lan Bình Thủy (vì trong nhà có vườn lan) là công trình kiến trúc văn hoá thuộc dạng cổ nhất ở miền Tây còn sót lại và hiện là địa điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc của mảnh đất phương Nam.

Vị trí: số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, P. Bình Thủy, Q. Bình thủy, Tp. Cần Thơ

Ngôi nhà do gia đình họ Dương xây từ năm 1870 và hiện do ông Dương Minh Hiển - hậu duệ của dòng họ - làm chủ nhân. 



Cổng chính ngôi nhà


Nhà cổ Bình Thủy hay vườn lan Bình Thủy (vì trong nhà có vườn lan) là công trình kiến trúc văn hoá thuộc dạng cổ nhất ở miền Tây còn sót lại và hiện là địa điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc của mảnh đất phương Nam.


 “Hiện vật lưu tại đây nói lên một phần nghệ thuật cổ truyền độc đáo của Việt Nam.  Mong rằng những tác phẩm này sẽ được giữ gìn tốt để bảo tồn tài sản văn hóa quý báu của dân tộc” -  Nguyễn Hữu Thọ -  Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

  “Ngôi nhà họ Dương là một kho báu của nghệ thuật kiến trúc Việt nam. Mong rằng Chính phủ giữ gìn chỗ ở này”  -  P. Sabatier, nhà báo Pháp


Còn rất nhiều ý kiến đề cao giá trị kiến trúc này, nhất là cái “hồn Việt” hòa quyện vào từng hoa văn, họa tiết trang trí, từng viên ngói rêu phong, đồ dùng cổ kính. Nhà thờ dòng họ Dương là một công trình nằm trong quần thể kiến trúc được phân bố khá đậm đặc cặp sông Bình Thuỷ - làng Long Tuyền xưa. Cũng như nhiều kiến trúc tôn giáo, dân dụng của các bậc quyền quý ở Nam bộ được xây dựng lần đầu vào cuối thế kỷ XIX và hoàn chỉnh như hiện nay khoảng đầu thế kỷ XX, nhà thờ dòng họ Dương tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 8.000m2 theo hướng Đông – Tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành và thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt vừa tăng tính thẩm mỹ, tạo không khí mát mẻ vừa thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã.


         Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, ta bắt gặp một cổng phụ nằm thẳng hàng với cổng rào, chếch về bên trái từ đường, xây dựng theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn: 2 gỗ, 2 xi măng (2 cột xi măng nằm kề bên, xây dựng sau, có chức năng gia cố chịu lực). Hệ thống rui, mè, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, gờ bó mái bằng men xanh lục. Trên bờ nóc, đầu hồi trang trí hoa lá, cá vàng, kỳ lân, người cỡi trâu, bình hoa…. bằng xi măng. Mặt trước và sau cổng có gắn 2 bảng, một là chữ Hán “Phước An Hiệu” và một là chữ quốc ngữ “Phủ thờ họ Dương”. Đây là cổng chính của khu nhà thờ trước khi chủ nhân cho xây dựng qui mô lần cuối mà ta đang thấy hiện nay.



Sân và mặt trước của ngôi nhà

Sân phủ thờ khá rộng, lát gạch tàu 40 x 40cm trồng đủ các loại cây kiểng: cau, tùng, dương xỉ, phát tài (thiết mộc lan), sứ Thái, cây vú bò - một loại dược liệu quý, quả dùng ngâm rượu chữa được nhiều bệnh. Đặc biệt ở góc sân bên trái có trồng một cây xương rồng Mexico “Kim lăng trụ”. Năm 2005, cây ra hoa lần đầu tiên trông rất lạ mắt. Giữa sân bố trí một hòn non bộ cao khoảng 4m, nằm trong hồ cá thẳng một trục với cửa chính từ đường, có chức năng vừa trang trí vừa làm bức bình phong cho khu nhà chính. Góc sân bên phải chủ nhân xây một miếu thờ thổ thần  và một nhà mát lợp ngói vảy cá, 4 chân trụ xi măng, bên trong bố trí bộ bàn ghế bằng đá mài có hàng chữ “Phước An Hiệu”. Khoảng sân rộng phía trước còn có đặt một bộ bàn ghế gồm 1 bàn, 7 ghế ngồi bằng đá tảng kê chân cột cao 20cm.

         Có một giai thoại rất thú vị về bộ bàn bằng đá này: Tháng 9 năm 1945, quân đội viễn chinh Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Xứ uỷ và Uỷ ban nhân dân Nam bộ phát động toàn dân kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi, Cộng hoà Vệ binh các tỉnh cử quân chi viện Sài Gòn. Tháng 12 năm 1945, trên đường về đóng quân tại Bình Thuỷ - Cần Thơ, lực lượng Cộng hoà Vệ binh tỉnh Bạc Liêu (còn được gọi là bộ đội Bình Thắng) đã phối hợp với du kích địa phương phục kích một trung đội lính viễn chinh Pháp đang đổ bộ hành quân vào chợ Bình Thuỷ. Trận đánh diễn ra ác liệt tại khu vườn nhà thờ dòng họ Dương. Sau trận chiến, bảy chiế n  sĩ đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ chiến công oanh liệt đó, ông Dương Văn Ngôn đã cho sắp đặt 7 ghế đá như trên. Có lần giặc Pháp hiểu thâm ý đó và tra hỏi, ông Ngôn giải thích trại ra đây là cách bố trí tượng trưng cho “Trúc lâm thất hiền” – các nhân vật lịch sử Trung Quốc  thời Ngụy - Tấn được nhân dân mến mộ...

         Theo lời ông Dương Minh Hiển - chủ nhân hiện nay thì nhà thờ được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 bằng gỗ, lợp ngói, gồm 5 gian với vì kèo kiểu xuyên trính. Đến những năm đầu thế kỷ XX, gia đình đã xây mới để mở rộng không gian tiếp khách và sinh hoạt trong các dịp lễ, giỗ.

         Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn, bó vỉa bằng đá xanh. Theo kinh nghiệm dân gian, chủ nhân đã cho đổ một lớp muối hột dầy 10cm trước khi lót nền bằng gạch bông (gạch hoa) 20 x 20cm. Xung quanh nhà xây tường gạch kết dính bằng hồ vôi ô dước. Mái lợp 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng, do đó khi nhìn lên trần có cảm giác khoáng đãng, sáng sủa, lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Các yếu tố trên đã tạo nên một không khí mát dịu cho ngôi nhà .

         Có 4 cầu thang lên nhà chính. Hai lên thẳng 2 gian ngoài cùng, 2 hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Mặt đứng từ đường có 5 gian, cửa gỗ lá sách theo phong cách Art – Nouveau (một nghệ thuật trang trí Châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX với vòm cửa hình vòng cung), cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá  nho, sóc bằng xi măng.

         Nhà thờ dòng họ Dương  là một trong những ngôi nhà cổ ở Nam Bộ còn lại tương đối nguyên vẹn, được các hậu duệ giữ gìn khá tốt; tuy không có chiều dài về thời gian, độ cao về không gian như những đền, tháp cổ nhưng ẩn chứa bên trong những phong tục tập quán, câu chuyện lý thú, giai thoại hấp dẫn vế các nhân vật đã khai phá và sinh sống ở vùng đất mới này.

         Đây là một công trình kiến trúc có giá trị. Mặc dù được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, hoạ tiết trang trí. Ở đây sự giao tiếp văn hoá Đông – Tây được chọn lọc, tiếp thu và vận dụng một cách tài tình, hợp lý, tạo cho di tích  một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, gần gũi, tân kỳ mà không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả.


Nguồn: Bảo tàng Cần Thơ

Ảnh: sưu tầm


Các tin khác:
Thập bát La Hán chùa Long Quang  (10/08/2017)
Du lịch Cồn Sơn Cần Thơ  (09/08/2017)
Cồn Sơn - đi không khó  (20/09/2016)
Phong Điền không chỉ là vùng trái ngọt...  (19/09/2016)
Dân dã đúng nghĩa du lịch Cồn Sơn  (19/09/2016)

5a134b6d-63a2-40e2-b525-44cff38b7c28

Tiêu đề bài viết: Nhà cổ Bình Thủy. Nội dung như sau: . Theo tác giả:

Nguồn: Bảo tàng Cần Thơ

Ảnh: sưu tầm

.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang