HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Di tích - Thắng cảnh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nét xưa giữa lòng phố
Ngày đăng: 01/12/2014

Lượt xem:


Trong hành trình tìm kiếm những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đưa Làng cổ Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vào “Top 5 ngôi làng cổ nổi tiếng có niên đại hàng trăm năm”. Dù trải qua hơn 170 năm, Làng cổ Long Tuyền vẫn giữ nét đẹp xưa với những công trình kiến trúc cổ hài hòa cùng không gian xanh đậm chất miệt vườn.
Du khách tham quan tại Nhà cổ Vườn Lan.

Làng cổ Long Tuyền có địa phận khá rộng, bao gồm các phường Bình Thủy, An Thới, Long Tuyền, Long Hòa, Bùi Hữu Nghĩa. Nơi đây có đến 7 di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, như: Đình Bình Thủy, Nhà cổ Vườn Lan, Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, Nam Nhã Đường, Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Hội Linh Cổ Tự, Long Quang Cổ Tự. Trong đó, Đình Bình Thủy và Nhà cổ Vườn Lan là nơi du khách thường ghé thăm bởi dấu ấn lịch sử và nét kiến trúc độc đáo.

Đình Bình Thủy (còn gọi là Long Tuyền Cổ Miếu) là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất của đất Nam bộ và còn được giữ nguyên hiện trạng. Đến đây du khách vừa ngắm kiến trúc cổ vừa tìm hiểu về quá trình ra đời của đình –gắn liền với quá trình hình thành Làng cổ Long Tuyền. Tương truyền Làng cổ Long Tuyền xưa kia có tên gọi là làng Bình Hưng. Sau trận lũ năm 1844, dân làng trở về làm ăn, lập đình thờ cầu mưa thuận gió hòa ở phía bờ rạch Bình Thủy. Năm 1852, tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt tuần thú ở gần Cồn Linh, chẳng may gặp giông bão. Đoàn thuyền tạm lánh ở vàm rạch Bình Thủy, nhờ thế mà bình an vô sự. Từ sự việc này, ông đổi tên cồn là Bình Thủy và tâu vua Tự Đức xin ban sắc phong cho đình làng. Ngôi đình có tên Đình Bình Thủy từ đó. Đầu thế kỷ 20, làng Bình Thủy được đổi tên thành làng Long Tuyền bởi thế đất có hình dáng của rồng: rạch Bình Thủy nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm; vàm là miệng rồng há ngậm trái châu là Cồn Linh; các chi lưu tỏa ra như 4 chân rồng; nước Bình Thủy quanh năm gợn sóng tựa như muôn vảy rồng lấp lánh. Tên đình cũng thay đổi theo là Long Tuyền Cổ Miếu. Sau này, theo địa phận hành chính, đình có vị trí ở phường Bình Thủy nên được gọi lại tên cũ là Đình Bình Thủy.

 

Du khách thích thú tìm hiểu những cổ vật tại Nhà cổ Vườn Lan.

Đình Bình Thủy thuộc di tích kiến trúc tôn giáo và công trình nghệ thuật, rộng hơn 4.000m2, cất trên nền cao ráo, nhà trước nhà sau đều hình vuông, chiều nào cũng có 6 hàng cột tạo thế vững chắc. Đình được chạm khắc công phu, tinh tế với những họa tiết trang trí đậm dấu ấn nghệ thuật dân tộc. Nếu đến đây vào đúng dịp lễ Kỳ Yên Thượng điền (từ ngày 12 đến 14- 4 âm lịch), Kỳ Yên Hạ điền (ngày 14, 15-12 âm lịch) du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn nét đẹp độc đáo của nền văn minh lúa nước (cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang) của Nam bộ. Tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt của hội làng với nhiều trò chơi dân gian như: thả vịt, kéo co, hát bội, hát tiều…

Làng cổ Long Tuyền có nhiều ngôi nhà cổ, nổi tiếng nhất là nhà cổ họ Dương (đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy), còn gọi là Nhà cổ Vườn Lan. Nhà cổ họ Dương là một trong những ngôi nhà xưa, bề thế, đẹp đẽ và vẫn được giữ nguyên hiện trạng ở Nam bộ. Ngôi nhà xây dựng năm 1870, bằng gỗ, lợp ngói, gồm 5 gian, kiến trúc kết hợp hài hòa Đông Tây. Nhà cổ họ Dương có diện tích và khuôn viên rộng hơn 6.000m2, sân rộng lót gạch tàu, lối vào là cầu thang hình cánh cung. Nhà được bày trí theo đúng nét đặc trưng của người dân Nam bộ: bàn thờ uy nghi ở gian giữa, khánh thờ sơn son thếp vàng, giường, tủ, trường kỷ… đều được đóng bằng các loại gỗ quý, cẩn ốc xà cừ. Không chỉ độc đáo ở kiến trúc, nhà cổ họ Dương còn khiến du khách kinh ngạc với nhiều cổ vật đã được gìn giữ hơn 100 năm qua, như: hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc), bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp, chùm đèn Bạch Đăng từ thế kỷ XVIII, tách chén đời Minh – Thanh… Ngôi nhà này từng trở thành bối cảnh trong phim: “Nợ đời”, “Con nhà nghèo”, “Những nẻo đường phù sa”, “Chân trời nơi ấy” hay “L’amant” (Người tình) của đạo diễn Pháp J.J Annaud.

Nếu du khách có nhiều thời gian, hãy men theo những con rạch nhỏ như: rạch Bà Bộ, rạch Chuối, rạch Bờ Dầu, rạch Mương Khai… bằng xe máy hoặc ghe nhỏ tìm hiểu nếp sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Người dân làng cổ rất ý thức giữ gìn cảnh quan với những bờ rào hoa kiểng đẹp mắt uốn lượn quanh co ven những con đường rợp bóng cây xanh. Trong hành trình này, làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ là một trong những điểm đến tuyệt vời trong những ngày giáp Tết. Nơi đây có gần 40 hộ dân trồng hoa kiểng, với đầy đủ chủng loại như: cúc, đồng tiền, vạn thọ, bách hợp, cát tường… khoe sắc. Nếu không, du khách có thể ghé vườn nhà ông Năm Hiếu (Phạm Văn Hiếu) tọa lạc tại khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền. Nơi đây từng nổi danh là “Mai hoa trang” của xứ Tây Đô, bởi ông Năm Hiếu nổi tiếng “mát tay” tạo ra những cây hoa mai đẹp, không rụng. Du khách sẽ hiểu thêm về đất và người Long Tuyền khi tham quan nơi yên nghỉ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, hay cảm nhận vẻ đẹp thâm trầm của Nam Nhã Đường, Long Quang Cổ Tự…


Nguồn: Báo Cần Thơ


28d61918-6c94-4d67-bfd3-b9d0696b96ac

Tiêu đề bài viết: Nét xưa giữa lòng phố. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ .

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang