HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Di tích - Thắng cảnh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đình Tân Lộc Đông
Ngày đăng: 17/02/2012

Lượt xem:


Quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vẫn tồn tại nhiều nhà cổ, đình xưa. Điều đáng trân trọng là quận Thốt Nốt hầu hết còn gìn giữ, bảo tồn. Trong các ngôi đình trang nghiêm, tính thiêng liêng có giá trị đến tinh thần của người dân địa phương ở Thốt Nốt thì ngôi đình ở Tân Lộc Đông là nổi trội hơn hết.

Hình ảnh “ cây đa, bến nước, mái đình” đã trở thành ký ức trong mỗi con người từ thời thơ ấu:

Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

(Ca dao Việt Nam)

Ngô Thời Nhậm đã từng viết: “Trời lấy đình chứa muôn vật, đất lấy đình để chứa muôn loài, người ta lấy đình làm nơi tụ họp”.

Ngôi đình làng nào đều có nết riêng làng đó: “Trống làng nào làng ấy đánh - Thánh làng nào, làng ấy thờ”. Đó là biểu tượng thiêng liêng của vị thần bảo trợ còn gọi là thành hoàng.

Quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vẫn tồn tại nhiều nhà cổ, đình xưa. Điều đáng trân trọng là quận Thốt Nốt hầu hết còn gìn giữ, bảo tồn nhiều ngôi đình như Đình Thạnh Hòa thị trấn Thốt Nốt, Đình Thuận Hưng, đình Thạnh Phú, đình Tân Lộc Tây, đình Tân Lộc Đông, đình Thới Thuận, đình Trung An, đình Vĩnh Trinh ...

Trong các ngôi đình trang nghiêm, tính thiêng liêng có giá trị đến tinh thần của người dân địa phương ở Thốt Nốt thì ngôi đình ở Tân Lộc Đông là nổi trội hơn hết.



Mặt tiền Đình Tân Lộc Đông


Trước đây cù lao cát còn hoang vu, sình lầy, dân cư thưa thớt chưa ổn định. Cù lao cát nằm giữa 3 tỉnh: Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang. Mãi đến năm 1783, Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh lánh nạn vào Nam tại Bảo Tiền (Phường Long Thắng) Bảo Hậu (vùng Bằng Lăng), mới chủ trương thực hiện việc di dân lập ấp, đặt một số công thần tại địa phương để chăm lo tổ chức xã hội, khai thác đất đai. Vào khoảng năm 1787, tại cù lao cát, các họ Cao, họ Nguyễn, họ Võ (sau đổi lại họ Trần) được chỉ định về khai khẩn đất đai, thành lập xã ấp (thời đó là xã Mỹ An) bèn lập ra ngôi đình để cầu quốc thới dân an, phong điều võ thuận, ngũ cốc phong đăng, dân chúng an cư lạc nghiệp.


Lúc đó, đình thần Tân Lộc Đông xây dựng bằng cây lá tại “ Cồn Thầm” nằm giữa hai địa điểm là đuôi Cồn Thầm và Vườn Dơi (địa danh thời đó). Đến năm Tự Đức, các ông tiên hiền, kế hiền trong ba họ trên xin vua ban sắc phong “ Thần Hoàng Bổn Cảnh” được vua Tự Đức chuẩn y, sắc phong vào năm Thứ 5 Tự Đức (ngày 29, tháng 11, năm 1851 âm lịch).


Năm 1862 đình thần được tiếp tục sửa sang. Đến năm 1925, đình thần dời lên mảnh đất diện tích khoảng 2.000 mét cách chỗ đình cũ gần 1km để xây dựng lại bằng cây danh mộc, gạch ngói khang trang cho đến hôm nay(1).


Đình Tân Lộc Đông, có thể được xem là ngôi đình lớn nhất, nhì TP Cần Thơ, với diện tích khoảng chừng 500 mét vuông. Cấu trúc đình thần ở Tân Lộc Đông, ngoại trừ gạch ngói ở nền móng, tường bao thì toàn bộ các bộ phận khác đều bằng gỗ từ cột cái, xuyên trếnh, đòn tay cho đến những thanh nhỏ nhất như rui, mè trên mái nhà. Cấu tạo của đình làng có thể chia làm ba bộ phận chính: Gian đầu còn gọi nhà võ ca, gian giữa là trường võ, gian trong là chánh điện.


Ngôi đình có 16 cột lớn, bề hoành mỗi cột 1,4 mét. Bốn cột chính cao khoảng 10 mét đều đắp nổi hình rồng. Nối liền hai bên có xuyên luồng, xuyên chính, ở giữa là “trính đội” để làm chắc thêm căn nhà.


Tất cả các chi tiết gỗ của đình được kết nối nhau bởi ngàm, miệng (miệng cột, miệng kèo) nêm chốt. Đặc biệt, trước khi chạm trỗ hoa văn, phù điêu, cũng như làm trơn láng cột, kèo, rường người thợ phải dùng vỏ chai để cà láng, ngoài ra gắn cột, kèo, rường lại với nhau bằng lỗ mộng và phải dùng nêm, chứ không đóng đinh, bắt ốc vít. Cách kiến trúc của đình thần và ngoại cảnh tổng quan khoáng đãng, rộng rãi rất thuận lợi cho việc bà con đến chiêm bái, rước lễ, hay giải trí vui chơi khi lễ hội, làm nên biểu tượng văn hóa của một làng quê.


Trong chánh điện Đình Tân Lộc Đông chia làm ba phần ở giữa thờ Thần với hai câu:

Câu bên phải: Cửu thiên nhựt nguyệt khai tân dận

Câu bên trái : Vạn quốc sanh ca lý thái bình


Hai bên thờ tả ban, hữu ban, tiên hiền, hậu hiền. Riêng gian giữa thờ ảnh Bác Hồ và vua Hùng dựng nước. Gian đầu còn sân khấu, võ ca chắc chắn. Bên cạnh đình thần còn xây dựng “ Nhà tiên sư” nơi đây để dụng cụ cúng lễ, tiệc tùng, nhà nghỉ.


Trên các nóc mái đình là tượng lưỡng long chầu nguyệt, cùng các đường gờ, đường xoi, mái diềm. Đặc biệt là nghệ thuật tạo hình chạm khắc khảm trên các cột, xuyên đầu kèo, trên các hoành phi câu đối đã thu hút ta với tài hoa của người xưa để lại. Đình thần Tân Lộc Đông còn lưu giữ các ché rượu cổ từ đời nhà Thanh.


Hằng năm đình tổ chức cúng hai lần, lễ hạ điền từ 11, 12, 13 tháng 4 âm lịch. Thượng điền từ 20, 21, tháng 11âm lịch. Lễ hạ điền hằng năm cũng là ngày hội lớn của bà con Tân Lộc cũng như các phường lân cận đến cúng bái không dưới hàng vạn lượt người.


Đình thần Tân Lộc Đông là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con cù lao Tân Lộc. Có thể nói đình là nơi lưu giữ những hồn xưa nét cũ thông qua những câu hoành phi, hình rồng chạm nổi trên cột, những hiện tượng thiên nhiên như mặt trời, mây, sóng nước, ngọn lửa.

...........................

Ghi chú: Tham khảo Lịch sử đình cổ Tân Lộc Đông – người sưu tầm: Phạm Thành Tâm, Trần Bá Thế



f705fae2-07d5-479c-8d67-3f660bd4785d

Tiêu đề bài viết: Đình Tân Lộc Đông. Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang