HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Di tích - Thắng cảnh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm
Ngày đăng: 21/02/2013

Lượt xem:


Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm tiền thân là Collège de Can Tho là một trong những trường được hình thành trong giai đoạn đầu của nền giáo dục Pháp ở Việt Nam.
Sau Hòa ước Patenôtre năm Giáp Thân 1884, thực dân Pháp đã chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và bắt đầu thiết lập guồng máy cai trị. Để đạt mục đích đồng hóa nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp từng bước xóa bỏ nền Nho học, thay thế bằng nền giáo dục của Pháp; xóa bỏ chữ Hán cũng như chữ Nôm và thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ (cùng một họ mẫu chữ Latinh). Để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong thời kỳ nầy, thực dân Pháp từng bước thành lập một số trường: ngày 8-5-1861 Đô đốc Charner ký nghị định lập Collège d’Adran; Collège des Interprètes (Trường Thông Ngôn) ở Sài gòn năm 1864, ở Hà Nội năm 1905; Trường Hậu Bổ (chuẩn bị bổ nhiệm làm quan Apprenti Mandarin) ở Hà Nội năm 1903 và ở Huế năm 1911. Cũng trong khoảng thời gian nầy, Pháp cho lập vài trường phổ thông Pháp - Việt để làm nòng cốt như Trường Trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879), trường Quốc Học Huế (1896), Trường Trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908), Collège de Can Tho (1917). Song song với các trường Pháp - Việt, Pháp còn cho lập các trường dành riêng cho con cái người Pháp ở Việt Nam và những người Việt Nam theo Pháp như trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (1874), trường Albert Sarraut ở Hà Nội (1918), trường Yersin ở Đà Lạt (1935). Những trường học được xây dựng trong giai đoạn nầy là nền tảng cho hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam nhằm mục đích đào tạo ra lớp người có học thức phục vụ cho bộ máy cai trị và truyền bá văn hóa Pháp không những ở Việt Nam mà còn cho cả Đông Dương.


Collège de Can Tho là công trình có kiến trúc đặc trưng nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ XX.



Trường Châu Văn Liêm - Cái nôi tri thức của bao nhiêu thế hệ học sinh.

Ảnh: Đ.C.T

Xét về mặt lịch sử văn hóa, sự hình thành của ngôi trường đã ghi lại một dấu ấn khá đậm nét trong quá trình hình thành và phát triển của Cần Thơ. Theo Kiến trúc sư Trần Kiều Định - Chủ tịch Hội kiến trúc thành phố Cần Thơ, Collège de Can Tho được xây dựng trong khuôn viên đất có diện tích 17.000m2; từ năm 1917 đến năm 1924 đã xây dựng hoàn thành 3 dãy nhà ngang, mỗi dãy có 2 tầng dài khoảng 75m, rộng 12m; một dãy hành lang có mái che và 1 nhà 2 tầng dài 24m, rộng 9m, có các sân rộng tiếp giáp với các dãy nhà. Về kiến trúc có diện mạo kiến trúc cổ, kết cấu tường chịu lực, mái ngói, sàn bằng gạch hỗn hợp, cửa sổ lá sách truyền thống nhiệt đới đẹp và chuẩn theo lối kiến trúc đặc trưng của thời kỳ nầy và nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ XX.

Từ sau năm 1945 đến nay nhà trường nhiều lần được sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp:
- Giai đoạn 1945-1975 trường mang tên Trung học Phan Thanh Giản. Trong giai đoạn nầy trường được tiếp tục sửa chữa, xây dựng thêm một số khu nhà 2 tầng bằng beton cốt thép với kiến trúc không có gì đặc trưng.


- Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trường có tên Phổ thông cơ sở An Cư I (1975-1983); Trường phổ thông cấp III thành phố Cần Thơ (1983- 1985), Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm (từ tháng 11 năm 1985 đến nay). Trong giai đoạn nầy để phục vụ nhu cầu dạy và học; vào các năm 1987, 1999, 2001 và 2007 trường được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng thêm một số phòng bộ môn, nhà hòa âm, hội trường, các công trình phụ khác. Năm 2008 xây dựng xong cổng phía đường Ngô Quyền. 


Thời gian qua, mặc dù nhà trường đã nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới thêm nhiều phòng ốc, nhưng những người có trách nhiệm vẫn có ý thức gìn giữ và tôn tạo khối kiến trúc cũ. Hình ảnh trường xưa, lớp cũ vẫn là ấn tượng sâu sắc của nhiều người, nhiều thế hệ học sinh. 

 

Về phương diện giáo dục, mỗi thời kỳ đều có mục tiêu đào tạo, chương trình và phương pháp giáo dục riêng. Tuy vậy, từ Collège de Can Tho đến Trung học phổ thông Châu Văn Liêm đều có điểm tương đồng - đó là nơi dạy và học, nơi giáo dục, đào tạo các thế hệ thanh niên học sinh có trình độ học vấn góp phần bổ sung nguồn nhân lực của vùng đất Cần Thơ.


Tuy xuất phát từ mục đích ban đầu, thực dân Pháp lập ra Collège de Can Tho nhằm đào tạo ra lớp người bản xứ phục vụ cho bộ máy thống trị của chúng. Song vượt lên tất cả ý đồ thâm hiểm, thủ đoạn mị dân, ngôi trường nầy lại là nơi hội tụ những nhà giáo yêu nước như thầy Phạm Văn Bạch, thầy Nguyễn Thượng Tư, thầy Nguyễn Văn Chi, thầy Nguyễn Văn Kiết, thầy Trần Quang Long... nhiều thế hệ học sinh của trường là chiến sĩ cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Tây, Tạ Thanh Sơn, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm, Ung Văn Khiêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của, Hồ Văn Lái, Sơn Nam, Viễn Phương, Trần Kiết Tường, Nguyễn Việt Nam, Hồ Bông, Tô Bửu Giám... cùng rất nhiều học trò bản xứ khác tỏ rõ lòng yêu nước, tự giác, tích cực tham gia vào phong trào chống thực dân đế quốc, sẵn sàng “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.


Từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, trường đã có bước chuyển mình bắt kịp yêu cầu của nền giáo dục trong thời kỳ mới và luôn là lá cờ đầu của ngành giáo dục và đào tạo Cần Thơ. Hơn 30 năm qua có hơn 2 vạn học sinh tốt nghiệp ra trường tiếp tục học Cao đẳng, Đại học; công tác trong nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều cựu học sinh đã thành đạt, là cán bộ lãnh đạo, sĩ quan công an, quân đội, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, văn nghệ sĩ; nhiều người đạt trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, và là trường đạt chuẩn quốc gia bậc trung học phổ thông đầu tiên của thành phố Cần Thơ. 


Hơn 90 năm qua, từ Collège de Can Tho đến trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm là một dòng chảy liên tục, vượt qua thời gian với nhiều biến đổi lịch sử; thầy và trò của trường đã dày công vun trồng, bồi đắp và để lại những dấu ấn đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và của vùng đất Cần Thơ. Đó là tinh thần hiếu học và học giỏi dạy tốt, lòng tôn sư trọng đạo, tinh thần yêu nước ý chí đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 


Trong thâm tâm của nhiều thế hệ người Cần Thơ, ngôi trường có bề dày lịch sử gần trăm năm nầy, luôn là điều trân trọng, là niềm tự hào. Bởi vì tại ngôi trường đã đào tạo ra hàng vạn thanh niên có học thức và rất tài năng, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển Cần Thơ; uy tín và sức lan tỏa của ngôi trường rất lớn. Mọi người đều nhận thấy rằng ngôi trường rất xứng đáng được các ngành chức năng thành phố Cần Thơ lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia” để giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, cùng những truyền thống quí báu của nhà trường.

 


Báo Cần Thơ


Các tin khác:
Thập bát La Hán chùa Long Quang  (10/08/2017)
Du lịch Cồn Sơn Cần Thơ  (09/08/2017)
Cồn Sơn - đi không khó  (20/09/2016)
Phong Điền không chỉ là vùng trái ngọt...  (19/09/2016)
Dân dã đúng nghĩa du lịch Cồn Sơn  (19/09/2016)

bc81fbf1-c0c6-4f13-a27b-8e201ac3a5ec

Tiêu đề bài viết: Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Báo Cần Thơ.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang