


Lễ hội truyền thống -- Nghi thức rước sắc và hồi sắc trong lễ Kỳ yên ở Cần Thơ
![]() |
Kỳ yên tức là cầu an, mỗi đình tổ chức lễ cúng vào một ngày khác nhau. Lễ cúng thần dâng lễ vật để tỏ lòng tôn kính đối với Thành Hoàng. Thượng điền và Hạ điền là hai kỳ lễ lớn trong năm. Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.
![]() Kỳ yên tức là cầu an, mỗi đình tổ chức lễ cúng vào một ngày khác nhau.
Lễ cúng thần dâng lễ vật để tỏ lòng tôn kính đối với Thành Hoàng. Thượng điền
và Hạ điền là hai kỳ lễ lớn trong năm. Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý
nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành
vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Do lễ Kỳ yên và lễ
Thượng điền, Hạ điền có nghi thức cúng tế gần giống nhau nên các ngôi đình ở
Cần Thơ đã nhập hai kỳ lễ này thành một, gộp lại để cúng chung. Trong các dịp
cúng đình, ban tế tự thường ghi trên thiệp mời là lễ Kỳ yên Thượng điền hoặc lễ
Kỳ yên Hạ điền. Lễ Kỳ yên Hạ điền được các ngôi đình ở Cần Thơ tổ chức cúng vào 3 ngày
khoảng giữa tháng ba, tháng 4 âm lịch. Cá biệt có nơi cúng vào tháng Bảy âm
lịch, như đình thần Vĩnh Trinh. Còn lễ Kỳ yên Thượng Điền được tổ chức vào
khoảng 2 hoặc 3 ngày giữa tháng 11 âm lịch. Vì đây là kỳ lễ lớn nên được các đình tổ chức rất qui mô, long trọng,
có rước sắc thần, có hát bội, có mời khách đến dự. Trong dịp này, có đình có
tới hàng ngàn lượt người đến tham dự. Trịnh Hoài Đức ghi lại trong “Gia Định
thành thông chí” như sau: “Tế xã: mỗi làng xây dựng một ngôi đình, kỳ tế phải
trước lựa ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm lại đình, suốt đêm
ấy gọi là túc yết sáng sớm ngày mai áo mão trống chiêng làm lễ chính tế, ngày
sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Dùng ngày giờ cúng tế
tùy theo hương tục không đồng nhau, hoặc chỗ dùng tháng giêng là thủ nghĩa Xuân
kỳ, hoặc chỗ dùng tháng 8, 9 là thủ nghĩa thu báo, hoặc chỗ dùng trong 3 tháng
mùa đông, thủ nghĩa là trọn năm thành công, tế chưng tế lạp là đáp tạ ơn thần,
sự tế có chủ ý, đều gọi là Cầu an. Ngoài hương lệ, tọa thứ có nghi tiết thứ tự
đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có người học thức làm
theo lễ “Hương ẩm tửu”, giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có phong
tục tốt. Đồng thời trong ngày ấy xét sổ sách trong làng coi một năm ấy thâu nạp
thuế khóa, diêu dịch, lúa tiền dư thiếu thế nào, nông điền được mất thế nào,
giữa hội đồng trình bày tính toán; cùng bầu cử người chức sự coi làm việc làng
cũng bàn giao trong ngày ấy”1. Lễ vật cúng thần Thành Hoàng trong dịp này tùy tình hình tài chính của
đình, cũng như tùy vụ mùa hàng năm, trúng mùa hay thất mùa mà có sự gia giảm
khác nhau, nhưng nhất thiết trên bàn lễ vật phải có một con heo quay, có nơi
thì cúng thêm ngỗng, vịt. Ngoài ra, còn có bánh trái, trà rượu và một thứ nữa
cũng không thể thiếu trong dịp này đó là xôi. Xôi này phần lớn do dân làng ở
địa phương nấu sẵn đem vào cúng. Ngày xưa, đất đai của đình rộng nên thường cho
dân làng mướn làm lúa để đình thu huê lợi. Cho nên, trong những dịp cúng đình,
những người mướn đất của đình để canh tác mới nấu xôi đem vào đình để cúng,
nhằm tạ ơn thần đã cho họ được no ấm, mùa màng tốt tươi. Những người không mướn
đất của đình cũng đem hoa quả trong vườn của mình, cũng đem xôi, thịt đến đình
để cúng thần Thành Hoàng làng mình. Bởi họ cho rằng, chính vị Thành Hoàng làng
này trong năm đã che chở cho dân làng, phù hộ cho dân làng được yên ổn làm ăn,
có cuộc sống no đủ. Truyền thống này ngày nay vẫn còn được duy trì trong mỗi
dịp cúng đình ở Cần Thơ. Thỉnh sắc thần Trong lễ hội Kỳ yên này, hầu hết các ngôi đình ở Cần Thơ đều có tổ
chức lễ rước sắc thần và lễ hồi sắc. “Sắc thần là một tờ giấy súc khá tốt, dai, khổ giấy từ 1m20 đến 1m50
với chiều dài, từ 0,50m đến 0,60m với chiều rộng, dày, màu vàng. Mặt giấy có in
nền chìm bằng dụ ngân hình rồng ẩn trong mây, chung quanh có khung hồi văn chữ
vạn, nên gọi long đằng chỉ (giấy hình rồng dùng để sao chép), hoặc chữ đinh hay
hoa lá dây chéo nhau. Mỗi sắc thần thường có từ 5 đến 11 hàng dọc, chép từ phải
qua trái. Dòng cuối cùng đề niên hiệu, tháng, ngày cấp sắc. Ấn vàng của nhà vua
dùng son phụng màu đỏ đóng lên hàng chữ đề niên hiệu, ngay giữa dòng chữ này,
kể từ chữ (niên) trở xuống, ấn hình vuông, có bốn chữ viết theo lối triện là
Sắc Mệnh Chi Bửu”2. Ngày xưa, sắc thần thường để ở nhà các hương chức cất giữ, hoặc để trong nhà của những người trong ban tế tự. Đó là những người đủ uy tín, phẩm hạnh mới được giao giữ sắc thần. Bởi vì ngày xưa, thỉnh thoảng có xảy ra hiện tượng mất cắp sắc thần nên sau này người ta không dám cất sắc thần trong đình. Sắc thần là thiêng liêng cho nên đình nào có sắc thần là xem như sự công nhận hợp pháp của nhà nước đối với đình thần làng mình. Còn đình nào không có sắc thì chẳng khác nào “đình chui”, không đủ uy tín để mọi người tin tưởng đến cúng bái và cũng không đủ hiển linh để người ta đến cầu nguyện. Cho nên có những đình không có sắc thần thường tìm cách mua lại sắc thần của những kẻ trộm. Sắc
thần ở Cần Thơ phong cho các vị Bổn Cảnh Thành Hoàng phần lớn là những vị thần
trong ý niệm, hữu danh vô thực cho nên việc đình này mua lại sắc thần của đình
kia cũng chẳng phương hại gì. Cái nào cũng là “Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng”
chứ không hề có danh tánh cụ thể. Theo niềm tin của người xưa, sắc thần là
thiêng liêng nên phải cất kỹ, không thể tùy tiện mở, nên không dễ mấy ai nhìn
kỹ sắc thần. Một số ngôi đình ở Cần Thơ còn có lệ phơi sắc thần. Lệ phơi sắc
này gồm hai mục đích: Thứ nhất, sắc thần được để trong hộp, cất kỹ suốt năm nên
rất dễ bị ẩm ướt, mối mọt nên trong lễ cúng đình người ta đem sắc ra phơi là để
kiểm tra xem sắc có bị hư hỏng không và cũng là để cho sắc có sự thông thoáng
tránh bị ẩm ướt. Thứ hai, phơi sắc cũng là sự tự hào của đình làng mình vì đình
mình có sắc. Điều này cũng để cho mọi người thấy đình làng mình là “đình chính
thức” có sắc hẳn hoi, có sự công nhận đàng hoàng. Nghi lễ thỉnh sắc thường bắt đầu bằng một hồi trống để báo cho dân
làng biết để đến cùng đi thỉnh sắc và cũng là một cách báo cho dân làng biết để
bày hương án hai bên đường cúng tạ ơn thần (Lệ bày hương án hai bên đường ở Cần
Thơ ngày nay đã không còn). Kế tiếp là chiêng, trống gióng lên báo hiệu cho
cuộc rước bắt đầu. Đi đầu đám rước thường là chiêng, trống, kèn, kế đó là các
vị chức sắc, những người trong Ban tế tự - những người này có nhiệm vụ như là
những người dẫn đầu đám rước. Kế đó là hai viên chức trong làng. Một ôm ấn kiếm
- kiếm của thần và một ông kia bưng dàn lỗ bộ nhỏ. Tiếp sau là những người ăn mặc như lính hầu đi hai bên, mỗi bên khoảng
4 đến 5 người, tay cầm cờ phướn, đao, kiếm, thương... sau đó là bè thủy lục
dùng để rước sắc thần nếu rước bằng đường thủy, hoặc long đình nếu rước bằng
đường bộ. Bè thủy lục được ghép từ 2,3 chiếc ghe lại thành một bè, trên bè đặt
kiệu đỏ, trang trí đèn lồng, múa lân biểu diễn trên bè. Trên bè có để hộp sắc
thần, có các viên quan hương chức áo trang nghiêm hầu sắc thần, có thêm lễ nhạc
ở trước, sau và hai bên. Dân làng ngồi cầm dầm để bơi bè. Một cái bè nhỏ khác cũng được trang hoàng đẹp đẽ, nghiêm trang đi
trước cái bè lớn khoảng 30 thước. Trong bè để trống chiêng, dàn đồ bắc cấu trổi
điệu nhạc. Các chấp sự và hương chức có phận sự đi tiên phong ở trên bè nhỏ
này. Khi đi rước, trống chiêng, bắc cấu đánh lên rập ràng, inh ỏi. Hai bên bờ
sông, mỗi nhà đặt trước cửa một bàn hương án, đèn nhang nghiêm chỉnh, để tỏ
lòng thành kính của mình đối với thần linh. Dưới sông ghe xuồng của hương chức
đi hầu hạ đông nghẹt và những người hiếu kỳ chèo ghe theo để xem chật ních cả
khúc sông. Sắc thần sẽ được để vào Long đình là ngôi đình thu nhỏ, thường làm
bằng gỗ, chạm trổ và sơn son thếp vàng - qua một cửa nhỏ ở bên hông, để rước về
đình. Long đình đặt trên bàn do bốn người ăn mặc như lính hầu khiêng kiệu. Đi sau bè thủy lục hoặc long đình là những người theo kiệu, các thành
viên trong hội đình hoặc dân làng đi theo để thỉnh sắc. “Khi đám rước đến nơi giữ sắc thần thì các vị chức việc vào tế một
tuần hương, ba tuần rượu, đọc một bài văn tế (hay khấn cũng được), gọi là lòng
văn nghinh, ngắn gọn, rồi chức việc đứng đầu bưng hộp đựng sắc trao cho chánh
hội (hay chánh ban quí tế...) để ông đem ra đặt vào long đình, để đưa sắc về
đình. Đến đình, cử hành một nghi thức an vị: tế một tuần hương, ba tuần rượu
và một tuần trà. Sau lễ này, các chức việc dâng hương ra mắt thần theo sự chỉ
đạo của lễ sinh xướng. Trong thời gian sắc thần để ở đình, dân chúng đến lễ bái
và dâng hoa quả, bánh trái và tiền bạc góp phần tài chính cho việc tế lễ kỳ
yên. (...) Sắc thần được để tại đình ba ngày lễ và đến chiều ngày cuối cùng
lại đưa sắc thần về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc. Nghi hồi sắc: tế một tuần
hương, ba tuần rượu, một tuần trà, đọc một bài văn tế gọi là lòng văn tống.
Nghi trượng hồi sắc giống như nghi trượng thỉnh sắc (...). Khi sắc tới nơi cất
giữ cũ lại cử hành lễ an vị: một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Sau đó
đám rước tự giải tán để cử hành nghi lễ cúng đưa khách, nếu có”3. Ngày nay, nghi thức thỉnh sắc thần vẫn còn. Ở Cần Thơ, một số địa
phương vẫn để sắc thần tại đình. Đến kỳ tế lễ, người ta có lệ thỉnh sắc thần đi
“du ngoạn”. Trong buổi cúng, người ta dâng phẩm vật cùng trà rượu, dâng hương
khấn vái xin phép thần ngay bàn thờ thờ Thần, sau đó lấy hộp sắc ra để vào xe
rước, gọi là long xa phụng tán, rồi đưa Thần đi một vòng quanh các phố chợ. Mục
đích của chuyến “du ngoạn” này là để Thần thưởng ngoạn khắp nơi, đồng thời xem
xét cuộc sống của dân tình để Thần có những biện pháp bảo trợ cho phù hợp. Sau
đó quay về làm lễ an vị sắc thần, coi như đám rước đã xong. ............... (1) Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, tập hạ. Bản dịch của Tu
Trai Nguyễn Tạo. Nha Văn Hóa- Phủ- Quốc- Vụ- Khanh- Đặc- Trách Văn- Hóa xuất
bản- 1972. Tr. 9-10. (2) Nguyễn Phương Thảo, Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo . NXB
Giáo Dục -1997. Tr.167. (3) Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường. Đình Nam Bộ xưa và nay NXB
Đồng Nai- 1999. Tr. 205.
Nguồn: Báo Cần Thơ
|
Các tin khác: | |
▪ | Tết của người miền Tây (14/02/2012) |
▪ | Lễ vía Bà Thiên Hậu - Cần Thơ (08/02/2012) |
▪ | Lễ hội cúng đình Bình Thủy (13/10/2005) |
▪ | Lễ Cholchonam Thomay (13/10/2005) |