Theo các nguồn tài liệu
lịch sử thì vào khoảng năm 1739, Trấn Giang (Cần Thơ) lúc bấy giờ còn là vùng
đất hoang hóa, các lưu dân chưa khai phá nhiều nên có rất nhiều rừng hoang cây
rậm, tràm, đước mọc mênh mông, thú dữ lại tràn đầy. Nhưng rồi các bậc tiền nhân
- những người mở đất đã dày công khai phá, mở đất lập nghiệp, rồi lập làng. Dần
dần mở rộng địa bàn sinh sống, tiến tới việc lập chợ xây cầu... mọi thứ đều gặp
khó khăn trắc trở. Cũng như các khu vực khác, lưu dân đến Cần Thơ đã bao đời
gắn liền với nông nghiệp, mà cuộc sống nông nghiệp thì không tránh khỏi việc
ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đất đai... Những trắc trở của thiên nhiên
không khỏi khiến cho con người có ý niệm về thần chi phối. Đây là tâm lý chung
của người Việt, mỗi khi cảm thấy bất an đều đi tìm sự bình an ở đời sống tâm
linh. Chính vì vậy, việc xây dựng đình, chùa, miếu cũng bắt nguồn từ đời sống
tâm linh đó.
So với các ngôi đình khác ở khu vực, các ngôi đình ở Cần Thơ xuất hiện muộn hơn. Nhưng về mặt tín ngưỡng, văn hóa, việc thờ cúng, sinh hoạt lễ hội của các ngôi đình ở Cần Thơ không khác mấy so với các ngôi đình ở Nam Bộ. Trong các ngôi đình ở Cần Thơ cũng thờ những vị Tiền hiền, Hậu hiền - những người đã có công mở đất, lập làng, ổn định cho cuộc sống dân cư. Họ là những lưu dân được thừa hưởng sự khai hoang từ các bậc tiền bối nên họ có sự tri ân đối với tổ tiên, với các vị ân nhân của mình. Thờ thần là một việc vô cùng thiêng liêng thể hiện ở đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của con người, hướng về các siêu nhiên, các vị bề trên, các vị tiền bối... mà việc phong sắc thần là sự tuyệt đối hóa các vị thần ở sự tôn kính, thiêng liêng cao cả, nhằm mong muốn được sự chở che, bảo trợ từ các vị thần. Cho nên sắc phong thường được để ở nơi trang trọng nhất, với ý nghĩa là quyền uy nhà vua ngự trị ở nơi thiêng liêng nhất. Và việc phong sắc thần của nhà vua được xem như sự “danh chánh ngôn thuận” cho việc thờ phượng ở làng. Trong
các ngôi đình ở Cần Thơ, hầu hết các vị thần Thành Hoàng đều không có danh
tánh cụ thể, không có công trạng rõ ràng mà chỉ là những vị thần chung chung,
mang tính chất ý niệm. Nhưng có những vị có công với làng trong việc sinh
hoạt làng xã, đánh đuổi giặc ngoại xâm thì có tên họ cụ thể, được thờ ở đình
cùng với thần Thành Hoàng. Như đình Bình Thủy, thờ các ông: Đinh Công Chánh,
Trần Hưng Đạo, Bùi Hữu Nghĩa...; đình Thới Bình - Tân An, thờ ông Nguyễn
Thành Trưng, mà theo người thủ từ ở đây thì ông là người khởi xướng phong
trào chống Pháp ở địa phương; đình Thường Thạnh thờ ông Nguyễn Trung Trực -
một anh hùng chống thực dân Pháp xâm lược đến cùng. Tín ngưỡng trong các ngôi
đình ở Cần Thơ còn thể hiện sự hỗn dung văn hóa, giữa tín ngưỡng dân gian,
văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai. Miếu Thần Nông - Đình Bình Thủy
|