


Danh nhân tiêu biểu -- Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền
![]() |
Mộc Quán tên
thật là Nguyễn Trọng Quyền là một soạn
giả lớn khai sinh dòng sân khấu cải lương tuồng Tàu, được suy tôn là Hậu tổ cải lương. Ông tên Nguyễn
Trọng Quyền, sinh năm bính Tý 1876, qua đời năm quý tỵ 1953 tại bệnh viện Châu
Đốc do chứng tai biến mạch máo não, đột quỵ. Ông sinh ra tại thôn Thạnh Hoà, xã
Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay là phường Trung Nhứt, Quận Thốt
Nốt, TP. Cần Thơ). Cha ông tên Nguyễn Văn Tường và mẹ là Trương Thị Thạnh. Nguyễn Trọng
Quyền thuở nhỏ học giỏi lại mê đàn ca tài tử. Sau khi học xong phần Nho học rồi
tốt nghiệp tiểu học trường Pháp, ông làm thư ký cho hãng rượu tư nhân Phước Hiệp
do Vương Thiệu làm chủ. Vương Thiệu trước kia là một nghệ sĩ đoàn hát Tiều. Sau khi giải nghệ, ông kinh doanh
nghề nấu rượu, do đó trong các dịp văn nghệ của hãng
rượu Phước Hiệp ông chủ Vương thường rước đoàn hát Tiều (những đồng nghiệp cũ
của ông) về phục vụ cho công nhân xem.Từ đây, ông Quyền có dịp làm quen với
những nghệ sĩ này vì ông giỏi chữ Nho, biết nói tiếng Tiều, tiếng Quảng. Ông
bắt đầu học đàn cò và học hát Tiều với họ. Trước sự ăn nên làm ra của các gánh hát thời đó như gánh Thầy Năm Tú, Nam
Đồng Ban (Hai Cu, Mỹ Tho), ông Vương Thiệu lập ra gánh Tập Ích Ban và mời ông
Quyền làm thầy tuồng và sự nghiệp soạn giả của ông bắt đầu từ đó. Ông là người
khai sinh ra dòng nghệ thuật sân khấu tuồng Tàu. Ông đã viết lời Việt và sửa
cách phát âm theo lối Việt của một số bản nhạc của sân khấu hát Tiều, hát Quảng
để dùng trong tuồng Tàu do ông sáng tác. Các bài bản đó đến nay trở thành cổ nhạc
Việt Nam tuy vẫn còn giữ cái tên của nhạc Tiều hay nhạc Quảng như: Ú Liu Ú Xáng, Xang Xừ Líu, Xáng Xáng Lìu, Khốc Hoàng
Thiên... Ngoài ra Ông đã sử dụng lối hát ước lệ và tượng trưng của Hát Bội, rút
kinh nghiệm của lối Hát Tiều và lối hát của Hý Khúc Trung Quốc(thời Nguyên) để
biến chế thành một lối hát tuồng Tàu cho các nghệ sĩ Việt Nam. Trong hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại cho sân khấu cải lương Nam
Bộ kho tàng đồ sộ với nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau,
gồm: 85 vở tuồng cải lương, 7 tập thơ tuồng, 12 tập sách dạy con cháu
xử sự ở đời, trên 100 bài thơ và một số đầu sách đã xuất bản như
Trùng ma phụ giám, Phu thê ngụ luận, Hát đối đáp. Đặc biệt, với hai
vở tuồng San Hậu và Phụng Nghi Đình được đưa vào giảng dạy trong các
trường sân khấu nghệ thuật với vị thế là những tác phẩm tuồng kinh
điển của cải lương Nam Bộ, ông xứng đáng được tôn vinh là một trong
những người có công đầu đặt nền móng xây dựng và phát triển sân
khấu cải lương Nam Bộ. Những con người kiệt xuất ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng tên
tuổi vẫn còn lưu lại cùng thời gian. Sự thầm lặng cống hiến cả
cuộc đời cho lý tưởng, cho quê hương, đất nước của họ vẫn còn được
khắc ghi trong mỗi bài học làm người của thế hệ trẻ Cần Thơ hôm nay.
Ghi nhận công lao của những danh nhân tiêu biểu cũng chính là để khơi
nguồn sức mạnh của thế hệ hôm nay. Điều đó cho thấy sự quan tâm của
các cấp lãnh đạo thành phố Cần Thơ với nỗ lực xây dựng người Cần
Thơ trong thời đại mới: trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp -
thanh lịch và hiếu khách,...
|
Các tin khác: | |
▪ | Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (26/07/2012) |
▪ | Châu Văn Liêm (26/07/2012) |
▪ | Lưu Hữu Phước (13/07/2011) |