HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Tôn giáo - tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nhà ở của người Cần Thơ
Ngày đăng: 15/12/2005

Lượt xem:


Ở theo làng, xã là tập quán lâu đời của người Việt ở miền Bắc, miền Trung. Những lưu dân đi vào Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ cũng mang theo thói quen đó, nhưng về mặt cơ cấu tổ chức và thiết chế của làng, xã trong này không giống như ngoài kia. Làng xóm ở đây không hình thành theo huyết thống, dòng tộc hoặc ngành nghề truyền thống lâu đời. Không có lũy tre rào chắn quanh làng, không có cổng làng, không chia ngõ, thôn, giáp... và cũng không có thói quen dùng gia phả, hương ước thành văn như...

Ở theo làng, xã là tập quán lâu đời của người Việt ở miền Bắc, miền Trung. Những lưu dân đi vào Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ cũng mang theo thói quen đó, nhưng về mặt cơ cấu tổ chức và thiết chế của làng, xã trong này không giống như ngoài kia. Làng xóm ở đây không hình thành theo huyết thống, dòng tộc hoặc ngành nghề truyền thống lâu đời. Không có lũy tre rào chắn quanh làng, không có cổng làng, không chia ngõ, thôn, giáp... và cũng không có thói quen dùng gia phả, hương ước thành văn như phía đàng ngoài.

Thuở ban đầu người ta quần tụ nhau trong các chòm xóm, chủ yếu để hợp thành sức mạnh chống lại nghịch cảnh thiên nhiên và xã hội (phong ba bão tố, thú rừng, trộm cướp, giặc giã..), giúp đỡ nhau trên bước đường khai hoang mở đất. Trong những quần cư này, người ta chưa có quan hệ huyết thống từ xưa không có người cố cựu, cũng không phải cùng nghề và có khi không cùng dân tộc (như người Khmer, người Hoa) nhưng họ thấy cần ở gần, làm ăn, vui chơi với nhau thì đồng hè gom cụm lại, chọn vị trí thuận lợi để lập thành chòm xóm “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Trong quá trình chung đụng, nếu có điều xích mích xảy ra, người nào thấy không thích thì tự do bồng bế vợ con xuống xuồng chống đi nơi khác, kiếm chòm xóm khác định cư mà không có luật lệ nào ràng buộc. Khi cuộc sống đã ổn định, chòm xóm mới được hình thành vững chắc hơn.

Qua các truyền thuyết dân giàn và một số sách ghi chép cho thấy ở Cần Thơ người ta lấy xóm làm đơn vị cơ sở của tổ chức quần cư xã hội lúc ban đầu. Tiếng xóm thường đi liền với ấp như làng gắn liền với xã. Một xóm thành một ấp hoặc vài xóm nhỏ hợp thành một ấp, nhưng thường mang tính đồng nhất cao về đặc điểm địa dư, sắc thái tâm lý và sinh hoạt xã hội. Người ta thường dựa vào các đặc điểm tự nhiên, nghề nghiệp, các giai thoại truyền thuyết, di tích hoặc tên các nhân vật được nhiều người biết để đặt tên cho các xóm, như: Xóm Lung, xóm Cây Bàng, xóm Cây Gáo, Xóm Bún, Xóm Chài, xóm Chòm Mả, xóm Nhà Thờ, xóm Bà Đồ, xóm Cả Đài xóm vườn Thầy Cầu v.v... Sau khi có xóm (ấp) người ta lập làng (xã) rồi lập chợ và kế đến xây dựng đình, miếu, chùa chiền. Những khu dân cư đông đúc này thường tập trung ở các địa điểm đầu mối giao thông thủy bộ, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống.

"Nhứt cận giang, nhì cận lộ" là câu ngạn ngữ dạy cách chọn điểm định cư của người Việt ở Cần Thơ, mà vị trí của giao thông đường thủy (sông nước) được đưa lên hàng đầu. Nơi "sông sâu nước chảy" vừa thuận tiện cho việc giao thông liên lạc, vừa có không khí trong lành ít bệnh tật, lại thuận lợi cho việc đào mương, lên liếp lập vườn để biến thành một trong những nơi sớm phát triển kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiến bộ trong vùng, gọi là “văn minh miệt vườn". Tâm lý người Khmer nói chung là thích ở theo các giồng đất cao, gom cụm theo từng Ô (thường gọi phum, sóc) và gắn liền với những ngôi chùa, người Khmer ở Cần Thơ không nhiều (khoảng 82.659 người) nên chỉ còn thấy được một ít nét đặc điểm định cư đó ở quanh vùng Vàm Nhon (Định Môn), Thới Thuận (huyện Ô Môn), Xà Phiên, Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ). Bà con Khmer tập trung sống chung quanh chùa hoặc sống rải rác xen kẽ với người Việt ở thị xã Vị Thanh, thành phố Cần Thơ, Phụng Hiệp, Thốt Nốt. Người Hoa ở Cần Thơ, thường sống tập trung theo chợ búa ở nông thôn và thành thị, sống xen kẽ với người Việt. ở nông thôn có nhiều ng¬ười Tiều làm nghề rẫy ở vùng Hỏa Lựu - Vị Thanh, Cầu Đúc v.v... Ở thành phố có người Quảng Đông làm nghề mua bán, người Hẹ làm nghề thuốc Bắc và người Hải Nam làm nghề may mặc.

Ở Cần Thơ, cũng có câu “Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu”. Mới nghe qua tưởng chừng chỉ trọng miếng ăn hơn chỗ ở. Nhưng đó là câu ngạn ngữ phản ánh hoàn cảnh cơ cực của người đi khai hoang mở đất thuở xưa, việc vật lộn với miếng ăn từng bữa khó khăn, vất vả gấp nhiều lần so với việc tạo ra một nơi trú ngụ. Sự thật, người Cần Thơ rất trọng nơi cư trú ngụ là ngôi nhà mà những câu: “Có an cư mới lạc nghiệp”, “Sống cái nhà, thác cái mồ" đã nói lên điều đó. Nó là ước mơ, khát vọng của mỗi đời người. Cho nên, từ lúc mới dựng lên một túp lều tạm bợ để làm chỗ nương thân trong lúc khai hoang, canh tác, mỗi gia đình, bên cạnh cái ăn, cái mặc đều có phần dành dụm cho một ngôi nhà tương lai. Vì vậy, khi có đủ khả năng xây dựng một ngôi nhà kiên cố đàng hoàng người ta rất coi trọng các lễ nghi tín ngưỡng như việc coi hướng đất, hướng nhà, chọn cách cất nhà rồi chọn ngày khởi công, động thổ dựng nhà, cúng thổ thần, đất đai viên trạch, cúng ông bà tổ tiên v.v...

Về cách thức, ở Cần Thơ có hai cách xây nhà phổ biến:
1 - Nhà xây cất trên nền đất cao cặp theo các bờ kinh xáng, sông rạch, các khu vườn và các đô thị.
2 - Loại nhà sàn cao cẳng, một phần theo tập quán của người Khmer, phần khác của người Việt hoặc Hoa sống ở các vùng thường bị ngập trong mùa mưa như huyện Thốt Nốt, một phần của huyện Ô Môn. Cũng có loại nhà một nửa nằm trên nền đất một nửa là sàn de ra mé nước các kinh rạch ở thành phố, thị xã thị tứ trục giao thông. Nhà ở nông thôn hay thành thị dù có nhiều kiểu cách trang trí khác nhau nhưng hầu hết đều được kết cấu theo kiểu nhà hai mái. Nhà hai mái không chỉ dành riêng cho nhà lá nhà sàn vách ván cột cây mà cả những ngôi nhà ngói vách tường, nhà lầu phố chợ.

Trước đây, trong thời Pháp thuộc và thời chống Mỹ, ở thành thị mới có nhiều nhà tường, nhà lầu phố chợ, các biệt thự, nhà cao tầng, còn ở nông thôn thì chỉ lác đác một ít nhà ngói vách ván bổ kho của các phú nông, địa chủ. Hầu hết, nhà nông dân đều xây cất bằng những vật liệu sẵn có, rẻ tiền như các loại cây tràm, đước, tre, cau..: lợp mái và dừng vách bằng lá dừa nước hoặc cỏ đưng. Đây là, loại cỏ tên phổ biến là "nhà chôn chân" vì phải đào lỗ xuống đất để cắm cột, rồi bắc kèo, xiên, đòn tay, rượng vách thì sườn nhà mới có thể đứng vững được chớ không như nhà kê tán làm bằng loại gỗ đắt tiền như sao, dầu, căm xe, có hệ thống xiên ngang, xiên dọc vững vàng làm cho bộ sườn nhà có thể tự đứng trên mặt đất mỗi cây cột được kê trên mặt một tán đá nên gọi "nhà kê" hay "nhà kê tán". Nhà kê tán có thể lợp ngói, lợp tôn, dùng vách ván hoặc chỉ lợp mái và dừng vách bằng lá dừa nước.

Kiểu nhà phổ biến ở nông thôn Cần Thơ nhà kèm theo chái với các dạng: một căn một chái, ba căn một chái hay hai chái, tối đa là năm căn nhưng thường gặp nhứt là nhà ba căn một chái mà có nơi gọi là nhà "mẹ bồng con". Ngoài nhà có chái, còn có các kiểu nhà nối đọi (sắp đọi, sóc đọi), nhà chữ đinh, nhà bát dần (loại tám xiên quyết thường dùng cho chùa, miễu)... với những kết cấu phức tạp hơn nhưng vẫn có phân căn rõ ràng giống như nhà có chái. Danh từ "căn" của người Cần Thơ cùng nghĩa với từ "gian" của người miền Bắc, là đơn vị tính bề rộng ngôi nhà dựa theo số khoảng cách các hàng cột. Người Cần Thơ và miền Tây Nam bộ không chịu cất nhà có số căn chẵn .(2 hoặc 4 hoặc 6) vì số căn chẵn thì hàng cột sẽ lẻ. Như vậy sẽ có một hàng cột đứng ngay trung tâm ngôi nhà. Đó là cái thế phá tim (hay phá tâm), điều tối kỵ đối với chủ nhà.cũng như đối với thợ xây dựng. Việc chọn hướng nhà của người Cần Thơ xưa quan trọng là xem cho hạp với tuổi chủ nhà để được mạnh giỏi, làm ăn phát đạt.

Câu tục ngữ “Cưới vợ hiền hòa, xây nhà hướng Nam" ở miền Bắc từ xưa vẫn được nhiều người Cần Thơ nhắc nhở. Nhưng với điều kiện tự nhiên ở Cần Thơ người ta không buộc phải tuân thủ mà chủ yếu nhắm vào mặt thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống cụ thể từng nơi. Nhà quay mặt về hướng Đông là tốt nhứt, vừa hứng được gió mát, ánh nắng ban mai sáng đẹp vừa tránh được nắng chiếu gay gắt và mưa lùa gió tạt từ hướng Tây Nam. Có khi, ở hướng Bắc đang có một dòng sông, một con lộ dài, một khu chợ sung túc thì chẳng lẽ ngôi nhà mới lại bắt buộc phải quay cửa về hướng Nam?! Vì vậy, việc xem hướng xây nhà bây giờ không còn câu nệ lắm. Nhưng về trình tự xây cất đối với nhà sườn gỗ thì vẫn còn tuân thủ đủ bốn bước mà chủ nhà phải coi ngày rồi báo trước cho thợ, gồm:

1 - Ngày khởi công tức dọn gỗ.
2 - Ngày giao nguyên tức ráp thử sườn nhà ở mặt đất (trừ cây đòn dông).
3 - Ngày dựng cột tức tiến hành dựng sườn.
4 - Ngày giờ làm lễ gác đòn dông.

Lễ gác đòn dông là quan trọng nhứt, tổ chức rất trang nghiêm. Cây đòn dông phải do chính tay người thợ cái (thợ chỉ huy) cưa xẻ, bào gọt rồi đặt nằm ở riêng biệt, không người nào được bước ngang qua. Hai đầu đòn dông được bịt vải hoặc giấy đỏ. Đến giờ gác dông, người thợ cái đầu bịt vải đỏ đứng ở giữa, hai đầu là hai thợ phụ nâng cây đòn dông nhẹ nhàng thận trọng đặt khớp khang vào đúng nơi qui định trước sự giám sát của chủ nhà. Xong lễ gác đòn dông xem như xong việc dựng nhà. Còn các việc gác đòn tay, đóng rui mè, lợp mái, dừng vách làm tới lúc nào cũng được.

Điều đặc biệt trong đo đạc ráp khung nhà, bao giờ lòng căn phía sau cũng phải rộng hơn phía trước vài ba tấc. Người ta cho đó là nở hậu, để tránh tình trạng làm ăn đầu voi đuôi chuột. Ngay trong việc mua đất cũng vậy, người ta rất ngại những miếng đất rộng trước hẹp sau - đó là lép hậu. Nhà ở Cần Thơ thường có nhiều cửa, cần có sự thông thoáng, sáng sủa, mát mẻ. Các cửa gồm: cửa chính (hay cửa lớn), cửa phụ, cửa hông, cửa sổ cửa sau. Đặc biệt, người ta rất chú trọng cửa sau. Bởi vì, hễ có cửa trước (cửa chính, cửa cái) thì phải có cửa sau, như vậy mới thông suốt. Vạn bất đắc dĩ người ta mới chịu ở nhà không có cửa sau, vì như vậy là “tắt hậu”. Trước khi cất ngôi nhà. người ta đã dự định phân chia các khu vực bên trong. Công thức chung gồm 3 khu vực :

1 - Khu vực phía trước (hay gọi nhà trên) là nơi dành để thờ cúng, tiếp khách, đãi đằng, nghỉ ngơi.
2 - Khu vực giữa (hay nhà trong) là nơi làm buồng ngủ cho đàn bà, con gái hoặc các cặp vợ chồng, đồng thời là nơi cất giữ tài sản. 
3 - Khu vực phía sau hoặc bên hông (còn gọi là nhà dưới) dùng làm nơi nấu bếp, chứa lúa và các dụng cụ lao động.

Trong 3 khu vực trên, khu vực thứ nhứt là quan trọng nhứt vì được xem là bộ mặt của gia đình. Nó chiếm một diện tích rộng nhứt, thường từ hàng ba, đi qua cửa cái, lan rộng đến tận vách buồng đặt lùi về phía sau vị trí cây đòn dông. Đây là nơi sắp xếp, trang hoàng các đồ vật gồm những thứ quí hiếm mà gia đình có được. Nếu lấy một gia đình trung lưu khá giả làm thí dụ thì ở khu vực nhà trên này thế nào ta cũng bắt gặp một vài bộ ván gõ hoặc "đi văng" kê hai bên, chính giữa là bộ trường kỷ hoặc bộ bàn ghế theo kiểu tân thời làm nơi trà nước. Chỗ trang trọng nhất, giáp vách buồng hoặc bình phong ngăn với khu vực nhà trong là nơi đặt hai hoặc ba chiếc tủ thờ, với bộ lư, chân đèn và lư hương thờ cúng tổ tiên ông bà. Cạnh đó là một vài chiếc tủ kiếng ngăn bên trên thường chưng các loại rượu ngon, trà quí, ngăn kế đó là các loại ly tách, chén dĩa đắt tiền. Và ngăn cuối cùng thường chứa những mẫu màn ren, những chiếc gô thêu thùa bông hoa màu sắc rực rỡ để giới thiệu tài khéo tay của phụ nữ trong nhà.

Đó là hình ảnh trưng bày theo lối xưa. Còn hiện nay, theo đà phát triển của.xã hội tân thời, nhiều nhà đã mốt hóa”: có xa lông, tủ buýp phê, ti vi cát xét video v.v... Nơi thuận đường bộ thì có thêm một xe cup hoặc Dream trùm mền để đó. Đối với những gia đình “nề nếp gia phong” thì ở khu vực nhà trên này thường có không khí trang nghiêm yên tĩnh, vì trẻ con trong nhà không được trững giỡn suồng sã làm mất trật tự nơi đây. Tuy vậy, nhưng khi khách đến thì đều thấy thoải mái, vui tươi trước khoảng không gian rộng rãi, thoáng đạt và ấm cúng trước tấm lòng hào hiệp mến khách của người Cần Thờ.

Thói quen chung của người Cần Thơ là nhà ở phải có sân, không những sân trước cửa mà còn có cả sân sau nhà. Tùy theo hoàn cảnh, địa thế mà mỗi nhà làm khoảng sân rộng hay hẹp. Ngay trong thành phố, nhà nào có điều kiện cũng dành một khoảng đất làm sân, chỉ những khu mua bán sầm uất, đất hẹp người đông, người ta mới đành ở trong thế bí. Nông thôn Cần Thơ chia làm hai khu vực vườn và ruộng. Nhưng ở khu vực nào nhà cửa cũng đều có sân chỉ trừ những nhà quá nghèo, thiếu đất, ở sát mé lộ giao thông. Sân nhà ở miệt ruộng như các vùng Long Mỹ, Vị Thanh, một phần của Thốt Nốt, Ô Môn, Phụng Hiệp thường tiếp giáp với mé rạch, bờ kinh có trồng lá dừa nước hoặc các loại cây hoang như bần, gáo, vẹt, ô-rô, cóc kèn... Dưới bến nước thường có một chiếc cầu để làm nơi tắm giặt, buộc ghe xuồng. Sân ít được làm rào. Nơi nào cố cựu thì có những cây cao như dừa, vú sữa, điệp, còng che bóng mát. Có nơi chỉ là khoảng đất trống dùng làm sân phơi trước cửa nhà. Sau nhà là “hè” cũng có một khoảng đất. Nơi đây có thể làm chuồng chăn nuôi hoặc trồng ít rau cải. Có thể có ao, mương hoặc nối liền với đồng ruộng trải dài. Ở miệt vườn như các vùng ven thành phố Cần Thơ, huyện Châu Thành, một phần Ô Môn, Phụng Hiệp... nhà và sân nằm trong vòm lá xanh tươi râm mát và được cấu trúc theo nề nếp khuôn viên. Trước sân bao giờ cũng là một trục lộ giao thông, không lộ đá cũng lộ đất. Dù ở cặp mé sông lớn như miệt đất cồn cũng vậy. Từ dưới ghe xuồng bước lên, phải băng qua con đường chung của xóm ấp rồi mới vào sân. Sân nhà ở miệt đất vườn hầu như đều có hàng rào để làm ranh rấp giữa nhà này với nhà kia hoặc để phân biệt địa phận sân nhà với đất vườn canh tác.

Ngày nay, có nhiều nhà vườn làm rào sân bằng tường hoặc song sắt, lưới kẽm và cổng rào có cửa khóa hẳn hoi. Nhưng phần đông vẫn làm rào sân theo lối cũ, là những hàng cây kiểng như bông bụp, kim quít, hắc vũ bao quanh. Rào không có cổng, hoặc có cũng chỉ là một cánh đơn sơ khép hờ mang tính tượng trưng khi đêm xuống. Đã là sân nhà vườn thì sân nào cũng có trồng bông hoa, cây kiểng. Những nhà giàu có, trong sân có rất nhiều loại kiểng cổ thụ đắt tiền. Có những xóm ấp, như Hàng Bàng (thành phố Cần Thơ) đã trở thành khu vực trồng bông hoa chuyên nghiệp để kinh doanh. Nhà ở miệt vườn có khi ở cách xa sông lớn hoặc những kinh xáng. Nhưng không phải vì thế mà sợ cách xa nguồn nước theo tập quán cổ truyền. Bởi kỹ thuật làm vườn bằng đào mương lên liếp ở Cần Thơ đã có hàng thế kỷ nay. Những mương vườn thẳng tắp dọc ngang, bủa từ khu này qua khu khác, xóm nọ qua xóm kia. Chỉ cần một con rạch nhỏ chuyển nước từ sông lớn đổ vào thì mạng lưới mương vườn kia là một hệ thống tưới tiêu bồi đắp phù sa cho cây vườn và cấp nước cho người xài thỏa thích.



abf979db-bdcd-4da6-9c11-7dd442e0bca9

Tiêu đề bài viết: Nhà ở của người Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang